Hội nghị sơ kết ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP (NQ120) của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vừa diễn ra ở TP Cần Thơ cuối tuần rồi.
Hơn ba năm thực hiện NQ120 đã làm thay đổi tư duy về phát triển ĐBSCL, đặc biệt là phát triển bền vững theo hướng thuận thiên. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, về các giải pháp tiếp theo để thực hiện có hiệu quả nghị quyết này.
TS Trần Hữu Hiệp nhận định NQ120 đã xác định được con đường cho ĐBSCL và qua thời gian ba năm đã cho thấy con đường này hoàn toàn đúng. Nghị quyết này cho thấy tầm nhìn, tư duy, hướng tiếp cận giúp giải quyết vấn đề không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở môi trường, văn hóa bản địa vùng lấy con người làm trung tâm. Vấn đề tới đây là NQ120 cần sự hiện thực hóa nhiều hơn nữa.
Đã đi đúng hướng và mang lại kết quả ban đầu
Phóng viên: Với quá trình gắn bó với ĐBSCL và có quá trình quan sát, tiếp cận NQ120, theo tiến sĩ, sau hơn ba năm triển khai, những kết quả ban đầu mang lại cho ĐBSCL là gì?
+ TS Trần Hữu Hiệp: Nhìn lại ba năm triển khai NQ120, tôi thấy chúng ta đã đi đúng, theo hướng thông qua việc triển khai quy hoạch tích hợp. Nói là thuận thiên nhưng phải hiểu ở đây là không cố chống lại bằng mọi giá với tự nhiên nhưng những gì bằng trí tuệ, công nghệ, kiến thức con người phải biến tự nhiên thành lợi thế của mình…
Thời gian qua, có thể thấy các công trình đầu tư hạ tầng vùng đã phát triển như những cầu vượt sông lớn, trục giao thông dọc, ngang trong đó các cao tốc hơn 10 năm qua đã được khởi động theo hướng tích cực. Có thể nói rằng đây là những tác động cụ thể hóa của NQ120.
Đối với mặt làm được ở khu vực tư, nông dân, doanh nghiệp đang chuyển theo hướng sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đây là hướng rất quan trọng. Rõ ràng trước đây người ta sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, chủ yếu chú trọng về tăng sản lượng, còn bây giờ nông dân chuyển sang sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch hơn. Điều này cho thấy nông dân chuyển dịch theo hướng tích cực là giảm chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng đầu ra, quan tâm đến giá trị chất lượng sản phẩm. nông dân không chỉ sản xuất nhiều mà phải làm ra nhiều giá trị lợi nhuận cao.
. Bên cạnh những mặt được, hiện ĐBSCL tiếp tục đối mặt với những thách thức, hạn chế nào?
+ Sau hơn ba năm triển khai thực hiện nghị quyết, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững, bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng nhiều gam màu sáng. Nhưng thách thức vẫn còn đó. Đó là BĐKH ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn dẫn đến vấn đề an ninh nguồn nước, hạn mặn và vấn đề di dân ra khỏi vùng.
Cơ chế khuyến khích vùng nhìn ở khu vực công rõ ràng chưa có sự phối hợp, còn rời rạc giữa các địa phương, đây chính là điểm yếu. Hội đồng vùng ra đời từ sự đòi hỏi bức thiết này nhưng phải làm sao để hội đồng này hoạt động hiệu quả thật sự mới là vấn đề.
Quan trọng hơn, một trong những cơ chế tài chính sáng tạo đảm bảo cho liên kết đầu tư công có nêu hằng năm ít nhất bố trí 10% cho tổng vốn đầu tư vùng ĐBSCL cộng với 2 tỉ đôla, vậy cơ chế này hiện tại ra sao, cần phải có những thông tin minh bạch.
Nhìn lại khu vực tư, mặc dù nông dân có phấn khởi nhưng chuỗi giá trị nông sản chủ lực của vùng nhìn chung vẫn còn yếu kém. Hàng hóa của đồng bằng cũng chịu sức cạnh tranh không chỉ xuất khẩu mà ngay trên sân nhà và phải đang gánh những khoản chi phí lớn như logistics.
Tập trung giải pháp tài chính, nhân lực
. NQ120 xác định con đường để ĐBSCL đi và đã hình thành các quy hoạch, kế hoạch để thực thi. Nhưng muốn thực thi hiệu quả rất cần nguồn lực về tài chính và con người. Về mặt này, theo ông cần có những giải pháp gì?
+ Nhân lực đồng bằng so với trước đây có sự phát triển, chất lượng được nâng lên nhưng so với đòi hỏi vẫn còn là nhu cầu lớn và mang tính quyết định.
Ngày 13-3 vừa qua, kết luận hội nghị lần 3 sơ kết NQ120, Thủ tướng Chính phủ đã nêu quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua tám chữ “G”, trong đó chữ G đầu tiên nói về giao thông - mở mũi đi đầu thì chữ G thứ hai chính là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực và chữ G thứ sáu liên quan thu hút nhân tài. Thủ tướng cho rằng vấn đề giáo dục đào tạo chưa được nổi bật và sắc nét trong NQ120, vẫn cần bổ sung một số nội dung trọng tâm về vấn đề này vào nghị quyết.
ĐBSCL hiện chiếm trên 19% lực lượng lao động của cả nước nhưng đa phần đều không có trình độ kỹ thuật, chiếm tỉ lệ cao so với các vùng miền khác. Tỉ lệ lao động có tay nghề, chất lượng cao lại có tỉ lệ thấp. Điều này đặt ra việc phải có giải pháp để đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao khi việc làm chuyển hướng sang sản xuất và dịch vụ. Tôi nghĩ phải thiết lập và mở rộng các trung tâm giáo dục, thúc đẩy mối liên kết với các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển, nhất là giai đoạn chuyển đổi số và đón đầu các xu thế chuyển dịch đầu tư khu vực và quốc tế.
Cầu Mỹ Thuận được xây dựng đã giúp cho việc lưu thông giữa các tỉnh của ĐBSCL thuận lợi hơn. Ảnh: CHÂU ANH
. Và điều quan trọng hơn nữa là phải trả lời được câu hỏi nguồn lực tài chính ở đâu để đầu tư, thưa tiến sĩ?
+ Trước đây, Quyết định 593 ngày 6-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL xác lập cơ chế dành 10% ngân sách quốc gia phân bổ cho các tỉnh ĐBSCL, cho các dự án liên tỉnh nhưng cơ chế này đến nay chưa thực hiện được. Do vậy, cũng cần xem lại cơ chế này để hình thành một cơ chế mới, trong đó kỳ vọng Quỹ phát triển bền vững vùng ĐBSCL tới đây sẽ giải quyết được điểm nghẽn này.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn đầu tư từ tư nhân là cần thiết. Nguồn này rất lớn nhưng quan trọng là không để lợi ích của họ đối nghịch lại cái lợi ích chung. Chúng ta nói đến “dọn ổ đón đại bàng” nhưng đại bàng thì cũng phải có sự lựa chọn phù hợp.
Trước mắt, tôi nghĩ vẫn phải quan tâm đến nguồn lực đầu tư công. Chính phủ từng cam kết dành tổng cộng gần 2 tỉ đôla để ưu tiên cho những chương trình, dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, mang tính kết nối cho vùng, nguồn lực này cần sớm được triển khai ngay.
Ngoài ra, NQ120 xác định phát triển ĐBSCl bền vững, thích ứng BĐKH nên có thể tìm kiếm các nguồn vốn từ các quỹ đặc thù như Quỹ thích ứng BĐKH (AF) do WB quản lý, quỹ đầu tư kinh doanh nông nghiệp mới của IFAD, chương trình đầu tư lâm nghiệp FIP, UN REDD+, năng lượng tái tạo của Ngân hàng Đầu tư EU. Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam trong chia sẻ tại hội nghị sơ kết NQ120 vừa qua đã có sự cam kết tiếp tục đề xuất và kêu gọi sự hợp tác của Chính phủ trong việc tổ chức Diễn đàn ĐBSCL 2021 sau khi quy hoạch vùng được phê duyệt.
Nhưng hơn tất cả là có tiền thì phải biết xài như thế nào cho hợp lý, hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, có trọng điểm, ưu tiên các công trình và dự án cấp bách, có tính chất động lực thúc đẩy phát triển.
Hội đồng vùng cần có thực quyền
. Vấn đề điều phối như tiến sĩ nói đã có Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL và hội đồng sẽ đảm bảo cơ chế điều phối và liên kết vùng?
+ Giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025, với cơ chế Phó Thủ tướng Chính phủ là chủ tịch hội đồng vùng. Nhưng yêu cầu đặt ra là hội đồng cần có thực quyền, nếu không sẽ khó.
Theo tôi, hội đồng vùng cần tập trung hai lĩnh vực then chốt: Điều phối việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư lớn, có tính liên kết vùng theo quy mô, tính chất dự án.
Để giúp việc cho Hội đồng điều phối vùng, cần có một bộ phận giúp việc hoặc văn phòng gọn, nhẹ, cán bộ chuyên môn tinh thông. Cùng đó là xây dựng nhóm tư vấn phát triển nghiên cứu, tư vấn, phản biện về chính sách và các vấn đề phát triển vùng ĐBSCL cho các cấp quyết định ở trung ương và cấp vùng.
. Xin cám ơn ông.
Đầu tàu TP.HCM rất quan trọng đối với kinh tế ĐBSCL . Thưa tiến sĩ, phát triển bền vững cho ĐBSCL không thể thiếu TP.HCM. Vậy TP.HCM sẽ đóng vai trò như thế nào? + TP.HCM là thị trường lớn, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên tầm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của ĐBSCL. Từ năm 2000, giữa ĐBSCL với TP.HCM đã ký kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội, qua đó đã có hàng trăm dự án của các doanh nghiệp từ TP.HCM đầu tư vào ĐBSCL trong các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, chế biến lương thực, thủy hải sản, siêu thị, du lịch, các dự án kết nối hạ tầng giao thông… Với NQ120, Chính phủ đã giao UBND TP.HCM chủ động xây dựng chương trình phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng ĐBSCL để kiến tạo phát triển, thúc đẩy liên kết giữa ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ và TP.HCM. Vì vậy, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL là tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giữa hai bên. Thời gian tới cần thu hút hơn nữa sự tham gia của TP.HCM trong quá trình xây dựng cơ chế phối hợp vùng ĐBSCL. |
Nhờ thuận thiên, người dân ĐBSCL có sinh kế bền vững
Sống trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập, nông dân ở Bến Tre đã dần chuyển đổi sản xuất theo hướng thuận thiên. Nhiều mô hình sinh kế thích ứng với nước mặn đã giúp nông dân thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện.
Thạnh Phú là một trong ba huyện ven biển của Bến Tre có điều kiện tự nhiên phù hợp nuôi trồng thủy sản. Sau nhiều năm thất bại với con tôm sú do bị bệnh đốm trắng, nông dân ở đây đã tìm được mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa. Đây được coi là mô hình canh tác thông minh, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Nông dân ở Bến Tre chuyển đổi mô hình sang nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Anh Trần Đa Lộc (ấp An Khương, xã Mỹ An, Thạnh Phú) cho biết trước đây anh nuôi tôm sú nhưng lợi nhuận đem về không cao lại nhiều rủi ro. Cuối năm 2018, được dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại tỉnh Bến Tre (AMD) hỗ trợ, anh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sang nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa.
Tham gia mô hình này, anh Lộc được dự án hỗ trợ 20.000 con giống, 80 kg thức ăn và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Sau sáu tháng nuôi, tôm được thu hoạch. Với giá bán 180.000-200.000 đồng/kg, mỗi vụ tôm anh Lộc thu được gần 70-80 triệu đồng, trừ đi chi phí anh lãi 45-50 triệu đồng.
“Ưu điểm của tôm càng xanh toàn đực là dễ nuôi, mau lớn, ít bị dịch bệnh lại thích ứng nhanh với môi trường, nguồn nước nhiễm mặn. Đặc biệt, tôm càng xanh rất thích hợp trong các mô hình xen canh với các loại cây trồng vật nuôi khác, cho hiệu quả về kinh tế kép” - anh Lộc nói và cho biết nhờ mô hình này mà đời sống kinh tế gia đình anh đã khá lên.
Nằm ven sông Hàm Luông, xã An Hiệp (huyện Ba Tri, Bến Tre) thường xuyên bị mặn xâm nhập sớm vào mùa khô và kéo dài 6-7 tháng, nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Những năm gần đây, người dân đã dần chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn, trong đó có mô hình nuôi vịt biển thích ứng với nước mặn.
Người tiên phong trong mô hình này là hộ bà Lê Thị Kim Cúc (61 tuổi, ấp 9, xã An Hiệp). Theo đó, cuối năm 2017, bà Cúc được dự án AMD hỗ trợ 300 con giống vịt biển nuôi lấy thịt. Bà Cúc cho biết sau 60 ngày nuôi, đàn vịt biển đạt trọng lượng trung bình 3 kg/con. Lứa vịt đầu tiên bà tuyển chọn gần 100 vịt mái để đẻ trứng, số còn lại cho xuất chuồng với giá bán 40.000-45.000 đồng/kg (lãi khoảng 20.000 đồng/con). “Tôi đã đầu tư mua lò ấp trứng tại nhà để nhân giống và đang hướng tới nuôi vịt biển theo hướng công nghiệp” - bà Cúc nói. ĐÔNG HÀ
Cồn Chim - vùng đất có hệ sinh thái đa dạng theo mùa Cồn Chim (thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh) có diện tích chỉ 62 ha với 70 hộ dân sinh sống. Mùa nước mặn ở đây bắt đầu từ rằm tháng 11 âm lịch hằng năm và kéo dài đến tháng 5 năm sau, nửa năm còn lại là mùa nước ngọt. Theo ông Nguyễn Văn Quời, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Cồn Chim, người dân vùng này sống khỏe dù hạn mặn khốc liệt. Tất cả cũng là nhờ biết nương theo ông trời để có sinh kế bền vững. “Chúng tôi sống thuận thiên theo mùa, mùa nước ngọt thì trồng lúa, mùa nước mặn thì nuôi trồng thủy sản, không đi ngược lại với thiên nhiên, không can thiệp thô bạo vào thiên nhiên” - ông Quời nói và cho biết sáu tháng nước ngọt thì bà con trồng lúa, sáu tháng nước mặn thì nuôi tôm, nuôi cua trên nền ruộng lúa. Còn theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, nhà nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, Cồn Chim là vùng đất có hệ sinh thái rất tuyệt vời và đa dạng theo mùa. “Biết cách sống thuận tự nhiên nên người dân Cồn Chim không còn sợ nước mặn. Câu chuyện Cồn Chim là một thực tiễn sinh động nhất của câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu “thuận thiên”. Và nếu thực hiện tốt Nghị quyết 120 thì sẽ có nhiều những Cồn Chim như thế được phục hồi ở ĐBSCL” - ThS Thiện chia sẻ. QUỐC DŨNG |
Ông NGUYỄN VĂN THỂ, Bộ trưởng Bộ GTVT:
Cao tốc TP.HCM - TP Cần Thơ hoàn thành trong nhiệm kỳ này
Bộ GTVT đã hoàn thành năm lĩnh vực quy hoạch giao thông cho miền Tây và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 4 này. Bộ cũng mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) với tàu có tải trọng 100.000 tấn.
Ba năm qua, bộ đã tập trung hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi để hình thành trục mới từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) tới Kiên Giang, tạo thêm tiềm năng, thế mạnh cho vùng để phát triển kinh tế.
Đến hết năm 2021, chúng tôi sẽ thảm nhựa và đưa vào khai thác đoạn cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận. Đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành trong năm 2023. Như vậy, cao tốc nối TP.HCM với TP Cần Thơ - trung tâm của vùng sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ này.
Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 về GTVT cho miền Tây, chúng ta sẽ đầu tư khoảng 57.000 tỉ đồng, tăng khoảng 96% so với nhiệm kỳ 2016-2020.
Ông LÊ QUANG MẠNH, Bí thư Thành ủy Cần Thơ:
Liên kết để phát huy sức mạnh toàn vùng
Thời gian qua, TP Cần Thơ phối hợp với Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành trung ương và các địa phương quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp. Qua đó, tăng cường liên kết, hợp tác một cách thực chất với các địa phương khác để phát huy hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của vùng.
TP cũng đã nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách nhà nước, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tạo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để phát triển bền vững.
Cần Thơ cũng tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực và giữa các tỉnh, thành với TP.HCM dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Cùng đó là chú trọng nâng cao tính liên kết về hạ tầng, chuỗi sản phẩm giữa các tiểu vùng sinh thái trong khu vực và giữa vùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM, tiểu vùng Mekong.
Ông LÊ QUÂN, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:
Xây dựng thành trung tâm năng lượng tái tạo
Chúng tôi xin kiến nghị trung ương tạo điều kiện cơ chế cho Cà Mau về vấn đề rừng và biển để làm sao khai thác tốt, phát triển được kinh tế ven biển, qua đó tái tạo rừng và bảo vệ rừng. Việc này rất quan trọng, hiện nay không có cơ chế nên các dự án cứ động vào rừng thì rất khó triển khai, chuyển đổi.
Cạnh đó là tạo cơ chế cho cả miền Tây và Cà Mau về vấn đề điện năng lượng tái tạo. Nếu cả miền Tây và Cà Mau trở thành trung tâm năng lượng tái tạo thì sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương, hạn chế phá rừng đầu nguồn và hạn chế tác động đầu nguồn của dòng sông Mekong. Việc phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời ven biển tạo ra hệ thống chắn sóng, giúp chủ động lấn biển.
Cùng với năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống đường cao tốc sẽ giúp các tỉnh miền Tây có động lực và nguồn lực tăng trưởng trong trung hạn.
Bà CAROLYN TURK, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ mạnh mẽ
Với tư cách là đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ mạnh mẽ đối với ĐBSCL và việc thực hiện Nghị quyết 120. Trong giai đoạn 2015-2020, chúng tôi đã huy động khoảng 2,2 tỉ USD cho các hoạt động trong khu vực, hầu hết trong số đó đều phù hợp với Nghị quyết 120.
Trong tương lai, chúng tôi sẵn sàng huy động thêm kiến thức và nguồn tài chính để thực hiện các tầm nhìn và mục tiêu của Nghị quyết 120. Chúng tôi đánh giá cao bước đi đột phá của Chính phủ trong việc thành lập hội đồng điều phối vùng và chúng tôi mong chờ sự hoạt động hiệu quả của hội đồng vùng.
Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ, thông qua quan hệ đối tác bền chặt, vì một ĐBSCL bền vững, thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.