Sự tham gia của giới nghệ sĩ cũng như nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện vào hoạt động cứu trợ, từ thiện đang được dư luận quan tâm.

Từ thiện cũng phải biết cách tôn trọng người nhận - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Quyền Linh trong chuyến cứu trợ miền Trung vừa qua - Ảnh: NVCC

Làm thế nào để những hoạt động thiện nguyện trong cộng đồng không chỉ dừng ở cứu trợ lúc ngặt mà có những bước đi lâu dài, bền vững hơn?

Chị Võ Thị Hoàng Yến - giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển Việt Nam - người làm công tác xã hội (CTXH) dày dạn kinh nghiệm, có mặt trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 của tạp chí Forbes Việt Nam, đã chia sẻ: "Khi lũ lụt xảy ra, tôi và các bạn làm công tác cộng đồng đều rất trăn trở, chia sẻ với nhau về bất cập trong gây quỹ, cách hỗ trợ thiết thực. Băn khoăn nhất là vấn đề minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình".

Giúp mọi người với tinh thần tôn trọng

* Một số cá nhân chia sẻ rằng họ "không thể giải trình" các khoản thu - chi và người đóng góp cần thông cảm cho họ...

- Có thể giải trình được nếu các bạn làm việc có hệ thống. Không thể cứ ôm một số tiền lớn đến địa phương, thấy ai tội nghiệp thì đưa tiền. Làm vậy thì không thể giải trình được. Còn khi mình làm có hệ thống, đưa người theo ghi chép cụ thể thông tin người nhận thì vẫn giải trình được chứ sao không.

* Vai trò của công ty kiểm toán quan trọng đến mức nào?

- Khi trung tâm của tôi làm từng dự án thì chắc chắn phải kiểm toán vì nhà tài trợ yêu cầu. Kiểm toán giúp đảm bảo chúng tôi làm đúng hoạt động mình cam kết. Đồng thời, các tổ chức cũng phải bỏ tiền ra để thuê công ty kiểm toán định kỳ, có thể là mỗi năm hoặc 3-4 năm một lần, để minh bạch toàn bộ hoạt động.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bà Nguyễn Phương Linh (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững):

Nuôi dưỡng văn hóa từ thiện lành mạnh trong cộng đồng

 

nguyen phuong linh

Bà Nguyễn Phương Linh

Tôi nghĩ trong thời gian gần đây, văn hóa từ thiện ở Việt Nam có nhiều biến chuyển tích cực khi văn hóa từ thiện nhân đạo cộng đồng không bó hẹp trong các không gian làng xã, tôn giáo, chùa chiền nữa mà được kích hoạt bằng tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ cùng nhau trong trách nhiệm cộng đồng. Việc một số cá nhân và tổ chức được cộng đồng trao sự tin tưởng và đóng góp là những dấu hiệu rất tốt.

Tuy nhiên, ở cấp độ khác, khi công chúng có sự quan tâm nhiều hơn đến việc làm từ thiện thì từ thiện phát triển là con đường cho "cần câu" chứ không chỉ là cho "con cá". Cộng đồng sẽ đòi hỏi việc làm từ thiện của cá nhân hay tổ chức đứng ra quyên góp cần bám sát nhu cầu của người được thụ hưởng; hành động từ thiện có các nguyên tắc đạo đức, chuẩn mực để đảm bảo hiệu quả, đánh giá được tác động, không những minh bạch và còn đòi hỏi giải trình.

Để đi con đường dài, công chúng cần nhận biết không chỉ nên làm từ thiện nhân đạo, từ thiện phát triển cần được kích hoạt, đây là việc làm chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả.

Từ thiện phát triển thường là tiến trình dài hơi để cải thiện đời sống và khả năng tự lực, phát triển của cộng đồng dễ bị tổn thương, cộng đồng thiểu số - nhóm thụ hưởng, chứ không chỉ là hoạt động cho nhận. Tiến trình này đòi hỏi nhiều tư duy, công sức, nỗ lực của cả người huy động, đóng góp và nhận sự hỗ trợ.

Ngoài ra, việc kết nối các bên liên quan trong sự hợp tác, tin tưởng sẽ rất tốt cho việc nuôi dưỡng văn hóa từ thiện lành mạnh trong cộng đồng. Từ phía Nhà nước phải có chính sách khuyến khích và hỗ trợ, tạo điều kiện cho công tác từ thiện phát triển.