Nội dung Tuyên bố chung của Hội nghị ACDFM-18 một lần nữa thể hiện quan điểm đã được nêu trong Tuyên bố Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 6/2020) và Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (tháng 9/2020) - hai hội nghị do Việt Nam chủ trì trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Điều này cũng cho thấy nhiều nước trong khu vực ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, theo đó, các dân tộc, cộng đồng quốc tế có lợi ích chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông; việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ thiện chí, trách nhiệm UNCLOS 1982 là thiết yếu.
Dư luận quốc tế thời gian qua đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc liên tiếp có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, trong đó có các cuộc tập trận quy mô lớn và kéo dài ở Biển Đông.
Đặc biệt, Trung Quốc đã thông qua Luật cảnh sát biển (còn gọi là Luật hải cảnh, có hiệu lực từ ngày 1/2/2021) với điều khoản cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc "được quyền xua đuổi, bắt giữ, thậm chí sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền nước ngoài" hoạt động tại vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền, cho phép lực lượng này sử dụng “tất cả các phương tiện cần thiết” để ngăn chặn hoặc ngăn ngừa các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.
Việc Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh mới đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Luật hải cảnh mới của Trung Quốc, mô tả đó là "mối đe dọa chiến tranh."
Thượng nghị sỹ Francis Tolentino, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines, nhấn mạnh: “Theo luật pháp quốc tế, chẳng hạn như UNCLOS 1982, việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp đều bị cấm.”
Người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (MSA), Phó Đô đốc Aan Kurnia cảnh báo Luật hải cảnh mới của Trung Quốc làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột, đồng thời cho thấy "Trung Quốc ngày càng lấn lướt ở Biển Đông."
[Hội thảo ARF lần 3 về tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển]
Bộ Quốc phòng Nhật Bản phê phán Luật hải cảnh của Trung Quốc có thể làm lung lay trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại luật này có thể làm leo thang các tranh chấp trên biển và được viện dẫn để khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, vốn đã bị phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) bác bỏ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bày tỏ “quan ngại về ngôn ngữ trong luật mới, vốn gắn một cách rõ ràng khả năng sử dụng vũ lực, kể cả sức mạnh vũ trang của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, với việc thực thi các yêu sách của Trung Quốc cũng như các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đang diễn ra ở biển Hoa Đông và Biển Đông."
Ông Price cho rằng ngôn ngữ diễn đạt trong Luật hải cảnh của Trung Quốc "ngụ ý mạnh mẽ rằng luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng trên biển."
Tiến sỹ Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng ngôn ngữ không rõ ràng trong Luật hải cảnh của Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm trong các vùng biển tranh chấp. Sự lỏng lẻo của các điều khoản trong luật có thể “bị lạm dụng” và khiến cho tình hình căng thẳng leo thang.
Theo ông, Luật hải cảnh của Trung Quốc có ngôn ngữ mơ hồ, cần được định nghĩa phù hợp, chẳng hạn như “vùng nước thuộc quyền tài phán quốc gia."
Sự mập mờ này có thể cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực ngay cả khi lực lượng này hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của nước khác.
Chuyên gia cao cấp Anthony Bergin từ Viện Chính sách Chiến lược Australia cũng cảnh báo rằng với luật mới được ban hành, các tàu hải cảnh của Trung Quốc có thể ngăn chặn các hoạt động hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng biển của họ.
Trang tin của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) trụ sở tại Singapore đăng bài viết cho rằng Luật hải cảnh mới của Trung Quốc gây bất lợi cho an ninh khu vực bởi nó vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các cuộc đàm phán về COC, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Theo bài viết, Luật hải cảnh mới của Trung Quốc rất có khả năng đi ngược lại một trong những nguyên tắc quan trọng nhất được ghi rõ trong UNCLOS, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung về việc sử dụng đại dương vì mục đích hòa bình và không sử dụng vũ lực.
Trong khi đó, trang mạng asiasentinel.com nhận định, với việc quân sự hóa lực lượng hải cảnh, Trung Quốc sẽ "gia tăng các động thái phớt lờ các quyền hợp pháp và lịch sử của các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này."
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc đang tìm cách tạo khung pháp lý cả ở trong nước lẫn ngoài nước để tăng quyền hạn cho lực lượng hải cảnh nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp thuộc ISEAS-Yusof Ishak, nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại tàu thuyền các nước khác trong những vùng biển trên sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, ngăn cản tự do hàng hải và đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Việc Trung Quốc trao cho lực lượng hải cảnh quyền được sử dụng vũ lực trong nhiều trường hợp hơn chắc chắn sẽ tiềm ẩn rủi ro gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang.
Nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu về Biển Đông cũng cho rằng Luật hải cảnh của Trung Quốc rõ ràng đang đặt ra “vấn đề lớn," có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông.
Có thể thấy rằng các động thái đơn phương của Trung Quốc, đặc biệt là việc ban hành Luật hải cảnh mới, đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, bởi việc đơn phương đi ngược lại trật tự pháp lý trên biển, trái với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Trong vấn đề này, Việt Nam luôn khẳng định quan điểm mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn kêu gọi các nước có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, không có các hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Lập trường thượng tôn pháp luật cùng những đóng góp tích cực của Việt Nam trong vấn đề này đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ, chia sẻ bởi quan điểm của Việt Nam đã thể hiện thiện chí của một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế./.