Lần đầu tiên, đương kim Thủ tướng Chính phủ được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước
Những thông tin trên được ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH - cho biết tại cuộc họp báo trước thềm kỳ họp QH, ngày 23-3.
Quy trình nhân sự chặt chẽ
Thông tin về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 11, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, cho biết dự kiến chương trình họp tập trung trong thời gian 12 ngày, bế mạc vào ngày 8-4.
QH sẽ làm việc về công tác xây dựng pháp luật; công tác giám sát, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Sau đó, QH dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Theo ông Vũ Minh Tuấn, sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhiều vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH cho biết thêm thời gian qua, Bộ Chính trị đã tiến hành xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn những chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội Đảng; thống nhất cao cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại những chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bộ Chính trị cũng đề nghị Trung ương cho kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 QH khóa XIV theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thông tin thêm về nội dung trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết QH lần này sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước, không kiện toàn tất cả và đây là kiện toàn cho khóa XIV. Sau khi cuộc bầu cử diễn ra, đến tháng 7-2021, QH sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự cho khóa XV và việc tuyên thệ diễn ra bình thường theo quy định.
Theo lý giải của Tổng Thư ký QH, việc kiện toàn các chức danh là cần thiết, cũng là điều bình thường trong hoạt động của QH. Bởi QH khóa XIV vẫn trong nhiệm kỳ 5 năm, đến hết tháng 7-2021 mới chuyển giao cho nhiệm kỳ khóa XV.
"Việc kiện toàn sớm nhằm bảo đảm các vị trí nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò, triển khai Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đây cũng là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng Chính phủ được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, cho biết theo quy định, nhân sự Chủ tịch nước do Ủy ban Thường vụ QH giới thiệu, trình để QH bầu; nhân sự Chủ tịch QH do Ủy ban Thường vụ QH giới thiệu và nhân sự Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch nước giới thiệu. Tất cả việc này đều có quy trình, quy định rõ ràng, thực hiện các bước theo Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ nhưng trước đó đã có ý kiến, xem xét về chủ trương của Đảng. Sau khi giới thiệu nhân sự cho các chức danh chủ chốt, QH sẽ thảo luận tại đoàn. Sau đó, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tổng hợp các ý kiến, giải trình làm rõ, tiến hành bầu theo quy định.
Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo trước thềm kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIVẢnh: MINH PHONG
Đáp ứng mong mỏi của cử tri
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về hạn chế của QH khóa XIV là có một số đại biểu vi phạm và không làm tròn trách nhiệm trước cử tri, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng đây là điều đáng tiếc trong nhiệm kỳ QH khóa XIV. Theo ông, nhiệm kỳ khóa XIV là một trong những nhiệm kỳ có nhiều đại biểu QH giữ cương vị cao trong bộ máy Nhà nước, cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, bị xử lý kỷ luật.
Theo Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, 494 đại biểu QH khóa XIV đều đủ tư cách khi bước vào kỳ họp thứ nhất. Nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu đã xuất hiện một số sai phạm mà trong quá trình thẩm tra trước đó không phát hiện ra, đó là điều đáng tiếc. Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết QH đã có nghị quyết, Chính phủ cũng ra văn bản và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn để chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu QH khóa XV được chu đáo.
Trước một số thông tin cho rằng có tình trạng đưa "con ông cháu cha" vào danh sách những người giới thiệu ứng cử đại biểu QH khóa XV, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng dù là "con ông cháu cha" thì đều phải căn cứ theo tiêu chuẩn, điều kiện và theo Luật Bầu cử QH.
"Việc xem xét, cho ý kiến, kiến nghị về các trường hợp giới thiệu ứng cử còn đến 10 ngày trước khi diễn ra bầu cử QH khóa XV. Chúng tôi mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp và luôn tiếp thu về các ứng viên đại biểu QH sau khi công bố danh sách, để làm sao có một QH thực sự đổi mới, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân và cử tri cả nước" - ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nhiều kết quả nổi bật
Theo chương trình làm việc dự kiến, trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 11 QH khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Theo dự thảo báo cáo, Chính phủ đã quán triệt phương châm ngay từ đầu nhiệm kỳ là "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân".
Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ (tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%). Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ đã đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước.
Nhiệm kỳ 2016-2021, dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước ta. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Trước tác động của dịch bệnh, tăng trưởng năm 2020 đạt 2,91%, thuộc 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận: Kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chuẩn bị một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật trình QH còn chậm; việc tổ chức thi hành pháp luật còn bất cập. Trách nhiệm của một số bộ, cơ quan, địa phương trong phối hợp công việc chưa cao, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý; còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động tìm hướng đi mới, chưa phản ứng kịp thời trước những vấn đề phát sinh...
Xử lý tham nhũng: Không có vùng cấm
Theo báo cáo của VKSND Tối cao, nhiệm kỳ 2016-2021, cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND Tối cao kiên quyết điều tra, đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội, đúng pháp luật nhiều vụ án về kinh tế, tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng trong nhiệm kỳ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt những kết quả nổi bật. Đặc biệt, đã thể hiện rõ quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.
Xem xét một số trường hợp đặc biệt
Thông tin về số lượng đại biểu QH chuyên trách cho khóa XV tới khi một số trường hợp đã quá tuổi để giới thiệu tái ứng cử, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết Ủy ban Thường vụ QH, Đảng đoàn QH đã có văn bản đề xuất Ban Tổ chức Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị xem xét một số "trường hợp đặc biệt", trường hợp chuyên gia nhưng chưa có kết quả cụ thể. Bộ Chính trị và Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản quy định tiêu chuẩn đại biểu QH khóa XV nên những trường hợp chuyên gia, trường hợp đặc biệt tái cử phải thông qua ý kiến của các cơ quan này.