Sáng 24-3, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.
Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Quốc hội cũng đã phê duyệt đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Về công tác lập pháp, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Trong đó có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
"Nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia", bà Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiệm kỳ qua, hoạt động lập pháp của Quốc hội còn một số hạn chế. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều. Một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động.
Một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn phương án đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau…
Nguyên nhân, theo bà Ngân, là do đất nước đang trong quá trình phát triển, tình hình thế giới, khu vực thay đổi nhanh, khó đoán định, dẫn đến việc chưa dự liệu đầy đủ, toàn diện. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị dự án, dự thảo, chưa có cơ chế phù hợp để thu hút hiệu quả ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách...
Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội đánh giá 7 chuyên đề giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ qua liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới. Trong đó cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn" đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.
Dù vậy, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật.
Một số nội dung chất vấn và trả lời chất vấn còn chưa tập trung vào vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách vĩ mô, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành hoặc chưa đi vào trọng tâm, mới tập trung vào báo cáo thực trạng, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân và giải pháp khắc phục…