Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiều 22-6, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội đã tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Cùng tham dự buổi tiếp xúc có các ĐB Quốc hội tổ 2 gồm các ĐB Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 7.
Quy hoạch nuôi chim yến, phát triển du lịch Cần Giờ
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, yêu cầu lãnh đạo huyện Cần Giờ rà soát các vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến thẩm quyền của huyện, như nuôi chim yến, phát triển du lịch… Từ đó, huyện cần phối hợp với đơn vị liên quan lập quy hoạch phát triển các ngành nghề này.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng trao đổi về nhiều vấn đề cử tri đề cập. Liên quan đến ý kiến về tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương đối với TPHCM, đồng chí thông tin, tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại 18%, trong khi Hà Nội là 35%. So với trước đây, tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại ngày càng giảm, từ mức 33% (năm 2003) giảm dần còn 18% như hiện nay.
“TPHCM được giữ lại ít quá”, đồng chí Nguyễn Thiện bày tỏ và cho hay, vấn đề này Bộ Chính trị, Quốc hội đã nhìn thấy. Từ đó, TPHCM được giao trong năm nay trình đề án tăng tỷ lệ để lại ngân sách TPHCM để TPHCM có điều kiện phát triển.
Song, khi xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ (%) ngân sách để lại cho TPHCM mà chỉ đề cập tăng tỷ lệ ngân sách để lại “để TPHCM phát triển” thì không đạt yêu cầu. TPHCM còn phải làm rõ, khi tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM thì sẽ nộp về Trung ương nhiều hơn.
Đồng chí phân tích, năng suất lao động của TPHCM cao gấp 3 lần cả nước. Cùng đó, một đồng vốn đầu tư công của TPHCM sẽ khuyến khích được 9 đồng vốn đầu tư của tư nhân, trong khi mức bình quân cả nước là 5 đồng. TPHCM đã tính toán và cho thấy, với năng suất lao động, hiệu quả thu hút đầu tư đã nêu, khi để lại cho TPHCM nhiều hơn thì TPHCM sẽ nộp (ngân sách) về Trung ương được nhiều hơn.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay, TPHCM đang chuẩn bị kỹ lưỡng đề án để báo cáo Ban Kinh tế Trung ương và xin ý kiến các bộ - ngành về phương án “ngân sách để lại cho địa phương có hiệu quả kinh tế cao thì khi kinh tế TPHCM đã phát triển, nộp cho Trung ương sẽ nhiều hơn”.
“Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc chắn sẽ thực hiện. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện dự án tiếp theo như thế nào cần được công khai để người dân được rõ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo quyết định của Thủ tướng, khi triển khai thực hiện dự án phải đảm bảo các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, quy hoạch giao thông, đồng thời thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường (theo báo cáo đánh giá tác động môi trường). Cùng với đó là phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Unesco về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ…
Về vấn nạn cát tặc, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, TPHCM đã ký kết với các địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và bổ sung 2 tàu tốc độ cao cho Biên phòng TP truy quét cát tặc... Từ đó tình trạng này thời gian qua đã giảm hơn một nửa. Kết quả bước đầu là đáng ghi nhận, song đồng chí cũng nhấn mạnh, tình trạng khai thác cát trái phép là không thể chấp nhận được và cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh.
Cử tri nóng lòng chờ cầu Cần Giờ
Trước đó, tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu nhiều ý kiến đề xuất cụ thể phát triển huyện Cần Giờ. Đặc biệt, nhiều cử tri quan tâm đến dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (Thủ tướng vừa đồng ý điều chỉnh diện tích từ 600 ha lên gần 2.900 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng - PV).
Cử tri Bùi Thế Hiền cũng đánh giá rất cao việc mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Cử tri cho rằng, dự án này sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Song cử tri cũng đề nghị cần giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện, vì đây là dự án quy mô lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, an ninh quốc phòng.
Cùng với đó, cử tri đề nghị quan tâm nâng cấp, thảm nhựa đường Rừng Sác, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như thu hút du khách đến huyện. Đồng tình, cử tri Trần Thị Kim Liên (xã Bình Khánh) kiến nghị sớm nâng cấp đường Rừng Sác, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án cầu Cần Giờ. Đây là cây cầu nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ được phê duyệt đã lâu, người dân rất nóng lòng chờ nên kiến nghị sớm triển khai xây cầu. Khi cây cầu hoàn thành sẽ giúp huyện Cần Giờ phát triển về kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, từ đó sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân và làm thay đổi diện mạo của huyện.
Ngoài ra, cử tri Lê Hồng Phúc (xã Thạnh An), đề nghị lãnh đạo TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định công nhận xã Thạnh An là xã đảo; kiến nghị TPHCM xem xét đưa toàn bộ diện tích cù lao Phú Lợi (trung tâm xã Thạnh An) ra khỏi ranh rừng phòng hộ, để tạo quỹ đất phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đề nghị TPHCM có chủ trương cho tận dụng bãi bồi thực hiện dự án lấn sông Thêu, sớm đầu tư 10 công trình phát triển xã đảo Thạnh An… nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của xã Thạnh An nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung.
Chia sẻ với PV Báo SGGP về dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Nguyễn Quyết Thắng cho biết dự án này trước đây rộng khoảng 820 ha, trong đó có 600 ha là phần lấn biển và phần còn lại là trên bờ. Hiện dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ chỉnh mở rộng lên gần 2.900 ha, với tên gọi dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh hơn 217.000 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư). Dự án này được thực hiện nhằm xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn... Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ. Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, dự án này là một điểm nhấn, mang tầm vóc khu vực. Toàn bộ diện tích của dự án là lấn biển, trong đó có phần diện tích vốn là đất trên bờ, bị sạt lở từ nhiều năm trước. Vì vậy, việc thực hiện dự án này là “lấy lại đất đã bị sạt lở trước đây”. Về cầu Cần Giờ, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT, thông tin, cầu Cần Giờ là cầu dây văng một trụ tháp, thể hiện ý tưởng kiến trúc phác họa hình tượng cây đước, đặc trưng của huyện Cần Giờ. Cầu sẽ được thiết kế sử dụng lan can hình sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu. Ý tưởng chiếu sáng nghệ thuật cho cầu Cần Giờ cũng sẽ được thiết kế kèm theo. Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài hơn 7,4 km, vượt sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè (tại xã Phú Xuân) và huyện Cần Giờ (tại đường Rừng Sác). Theo ông Bùi Hòa An, dự kiến đầu năm 2022, TPHCM sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đến cuối quý 1-2022 sẽ triển khai dự án. Nếu theo hợp đồng 3 năm thì dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu năm 2026. |