Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam” vào 10h ngày 25/3.
Đường sắt Việt Nam ra đời từ năm 1881, trải qua 140 năm hình thành và phát triển, đường sắt đã khẳng định vị thế của một loại hình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của đất nước.
Từng được coi là phương thức vận tải ra đời sớm và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên, đến nay, hệ thống hạ tầng đường sắt không những lạc hậu, xuống cấp do không được đầu tư đúng mức mà còn phải đối mặt với tình trạng xâm lấn hành lang an toàn giao thông.
Đường sắt tụt hậu cũng là một sự lãng phí nguồn lực của đất nước. Điều này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp về chiến lược phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050: Hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước. Bộ GTVT phải thấy nóng ruột, để làm sao thúc đẩy cuộc cách mạng về đường sắt.
Nhằm thông tin, phân tích nguyên nhân về thực trạng hạ tầng và những thách thức hiện hữu của đường sắt Việt Nam, từ đó bàn về giải pháp phát triển ĐS bền vững, hôm nay, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam” với sự tham dự của các vị khách mời:
- Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.
- Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính
- Ông Phan Lê Bình, Chuyên gia về kỹ thuật hạ tầng.
- Ông Lê Hồng, Chuyên viên cao cấp của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.