Thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng vẫn tiếp tục được dùng để khám chữa bệnh BHYT
Cấp, đổi thẻ nhanh
Theo ông Trần Quốc Túy, Phó trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), thời gian cấp thẻ BHYT mới sẽ không quá 5 ngày khi nhận đủ hồ sơ; cấp lại thẻ BHYT nhưng không thay đổi thông tin trên thẻ chỉ trong ngày; cấp lại thẻ BHYT nhưng có thay đổi thông tin trên thẻ sẽ cấp lại trong vòng 3 ngày...
Ông Túy cho biết thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn hơn, hình thức đẹp hơn (bằng với kích thước thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM) bảo đảm thuận tiện khi cất giữ, bảo quản trong ví, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT. Giấy của thẻ BHYT cũng dày hơn và được ép plastic để tăng độ bền, độ cứng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng lâu dài, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng, bay mờ mực in trong quá trình sử dụng.
Khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Đặc biệt, trong trường hợp mất, hỏng thẻ, người dân sẽ được cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn ở bất cứ cơ quan BHXH nào khi đi KCB ngoại tỉnh hoặc du lịch, công tác, học tập ở tỉnh khác. Mặt sau của thẻ cũng chỉ dẫn cụ thể hơn về cách sử dụng thẻ BHYT giúp người tham gia nắm được cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn và giải đáp mọi vướng mắc.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, dù ban hành mẫu thẻ BHYT mới nhưng các thẻ BHYT cũ vẫn còn hiệu lực. Người dân không cần phải đổ xô đi làm thẻ BHYT mới. Với người tham gia BHYT đã có thẻ giấy, sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ.
Bảo đảm đầy đủ quyền lợi
Ông Nguyễn Hoàng Sinh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đang khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội) cho biết những ngày qua, ông nghe nhiều thông tin về việc cấp thẻ BHYT mới. "Chiếc thẻ hiện nay cũng có hình thức nhỏ gọn, phù hợp để đem theo bên người như các loại giấy tờ tùy thân khác. Tuy nhiên, do chất liệu thẻ BHYT vẫn làm bằng giấy nên dễ bị rách, hỏng, nhất là đối với người cao tuổi là đối tượng có bệnh mạn tính phải đi khám chữa bệnh định kỳ. Tôi đã cố gắng giữ gìn nhưng vẫn không tránh được việc thẻ sờn, rách do sử dụng quá nhiều" - ông Sinh nói.
Chị Trần Thị Nhung ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho biết dù chiếc thẻ BHYT mới có nhỏ gọn hơn, phù hợp với thời đại 4.0 nhưng do chưa có ảnh nên khi đi KCB, bệnh nhân vẫn phải trình giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ khác gây bất tiện. Chị Nhung mong rằng sắp tới tấm thẻ BHYT có thể tích hợp luôn trong thẻ căn cước công dân.
Ông Trần Đình Liệu cho biết cả nước hiện có gần 87 triệu người tham gia BHYT, chiếm gần 89% dân số. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có hơn 95% dân số có BHYT. Trong năm 2021 sẽ có khoảng 10 triệu thẻ BHYT được cấp theo mẫu mới, tương đồng với việc cấp mới thẻ hằng năm.
Để tránh lãng phí, địa phương nào còn phôi thẻ cũ (tức là thẻ cũ còn hạn sử dụng) vẫn dùng thẻ cũ, địa phương nào hết phôi thẻ cũ thì BHXH Việt Nam sẽ cấp phôi mới và phần mềm mới.
"Trong giai đoạn chuyển đổi sang thẻ BHYT mới, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng tiếp tục được dùng để KCB BHYT. Cơ quan BHXH vẫn bảo đảm đầy đủ các quyền lợi cho người bệnh" - ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Trường hợp nào cần làm thẻ mới?
Theo ông Trần Đình Liệu, chỉ những người hết hạn thẻ, thẻ bị rách nát, người tham gia BHYT mới, người cần thay đổi thông tin về nơi khám chữa bệnh ban đầu, thẻ bị sai sót, cần làm lại thẻ... thì mới phải làm thẻ BHYT theo mẫu mới. Quyền lợi KCB của người bệnh có thẻ BHYT mới hay thẻ BHYT cũ đều giống nhau, không có gì khác biệt.