Nước ta có nguy cơ cao xuất hiện đợt dịch COVID-19 thứ 4, các địa phương phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Sáng 26-3, tại hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các điểm tiêm chủng tại hơn 700 điểm cầu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch tại các nước trong khu vực còn phức tạp. Vì thế nước ta có nguy cơ cao xuất hiện đợt dịch thứ 4, các địa phương phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát thành công 3 đợt dịch COVID-19. Đợt dịch thứ 3 tại Hải Dương có số nhiễm khá cao. Đến nay vẫn có một số ca mắc rải rác.
Bộ trưởng lo ngại có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4, nguy cơ này ở mức cao và mang tính hiện hữu. Lý do vì tình hình dịch trên thế giới và các nước trong khu vực còn phức tạp, trong khi đó nước ta có đường biên trải dài, rộng.
"Tại biên giới Tây Nam gần như không có đường biên, chỉ có cột mốc trên cánh đồng. Quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn. Việc nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp", ông Long chỉ rõ.
Ngay trong sáng 26-3, Việt Nam ghi nhận hai ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc, sau đó đi về Hải Phòng, TP.HCM. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương có trường hợp nhập cảnh lập tức cách ly người bệnh tại địa phương.
Đây là trường hợp xác định được nhưng có thể có trường hợp nhập cảnh trái phép khác không phát hiện được và có thể có người không có dấu hiệu về mặt lâm sàng, có thể thành nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng.
"Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị, phòng khi xảy ra dịch thì các địa phương không bỡ ngỡ, luống cuống. Xử lý càng nhanh, càng hạn chế mức độ ảnh hưởng với cộng đồng" - bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, trước tình hình dịch bệnh phức tạp trong khu vực và thế giới, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền và bằng mọi giá phải ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép. Chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Về vấn đề tiêm chủng, thời gian qua Bộ Y tế đã cố gắng đàm phán với các hãng vắc xin trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã có trao đổi với các nước trong hợp tác nghiên cứu sản xuất vắc xin và sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng hiện tại việc thử nghiệm giai đoạn này còn khó khăn.
Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vắc xin trên toàn thế giới. Lô vắc xin được cung cấp qua COVAX (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng 3 tuần.
Về lo ngại những phản ứng không mong muốn sau tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mọi loại vắc xin, từ vắc xin cũ đến vắc xin phát triển thời gian gần đây đều có một số phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường như sưng, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ... sẽ hết nhanh và tỉ lệ này khá cao.
Một số nước châu Âu dừng tiêm vắc xin để đánh giá khả năng có thể có tình trạng đông máu. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã tuyên bố không có liên quan nào giữa vắc xin AstraZeneca và tình trạng đông máu. Vì vậy, một số nước đã quay trở lại tiêm vắc xin này.
Sáng 26-3: Bộ Y tế xác nhận 2 ca mắc COVID-19 ở TP.HCM và Hải Phòng, là người nhập cảnh lậu
Ngoài các ca COVID ở TP.HCM và Hải Phòng, Bình Dương cũng ghi nhận một ca nghi mắc là người Trung Quốc từng đi biên giới Campuchia - Ảnh: BÁ SƠN
Theo Bộ Y tế, hai ca mắc mới là các ca nhập cảnh trái phép về TP.HCM và Hải Phòng. Cụ thể:
Bệnh nhân nữ, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Trà Ôn, Vĩnh Long. Ngày 22-3, bệnh nhân nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tàu cá tại Phú Quốc, sau đó về TP.HCM bằng đường biển và đường bộ.
Ngày 24-3, bệnh nhân đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện FV, TP.HCM. Ngày 25-3, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Bệnh nhân nữ, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ngày 22-3, bệnh nhân cùng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tàu cá tại Phú Quốc với bệnh nhân kể trên. Cùng ngày, bệnh nhân cùng một người khác lên chuyến bay VJ458 di chuyển từ Phú Quốc về sân bay Nội Bài, sau đó đi xe riêng về Hải Phòng.
Ngày 24-3, bệnh nhân đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng. Ngày 25-3, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, người đi cùng bệnh nhân có kết quả âm tính.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục tìm kiếm những người đi cùng tàu cá nhập cảnh lậu với hai bệnh nhân kể trên.
TP.HCM phong tỏa nơi có ca COVID-19 trong đêm
Tới 0h ngày 26-3, lực lượng chức năng xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang phong tỏa khách sạn Quốc Thái (địa chỉ 90 đường số 7, KDC Trung Sơn, huyện Bình Chánh) do có liên quan đến ca dương tính virus SARS-CoV-2 mới nhất.
Người dân khu vực cho biết khoảng 21h30 tối 25-3, lực lượng chức năng địa phương cùng các đơn vị y tế đến khách sạn này rồi đưa tất cả mọi người bên trong đi, sau đó tiến hành các biện pháp khử trùng tại đây.
Lực lượng chức năng phong tỏa một khách sạn tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Hơn 42.200 người được tiêm vắc xin
Trong ngày 25-3, Bộ Y tế cho biết đã có trên 2.400 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19. Tính đến 16h ngày 25-3, tổng cộng đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trên 42.200 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.