Campuchia ghi nhận 96 ca COVID-19 mới, phần lớn ở tỉnh Kandal giáp biên giới Việt Nam, và ca tử vong thứ 8 vì COVID-19 ở nước này trong ngày 26-3. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao thứ hai liên quan đến sự kiện cộng đồng ngày 20-2 ở Campuchia.
Ca tử vong thứ 8 là ông Thorn Chanthoeun, cảnh sát giao thông 55 tuổi tại thủ đô Phnom Penh. Ông Chanthoeun được đưa đến bệnh viện Hữu nghị Khmer - Soviet vì có triệu chứng nặng lúc 15h30 ngày 25-3 và qua đời chỉ 30 phút sau đó.
Chính phủ Campuchia ngày 26-3 công bố thông tin về ca tử vong của ông Chanthoeun, theo báo Khmer Times. Bệnh viện cho biết ông Chanthoeun nhập viện trong tình trạng khó thở, bất tỉnh sau khi lên cơn đau tim. Ông được xác định mắc COVID-19.
Bộ Y tế Campuchia ngày 26-3 cho biết đã ghi nhận 96 ca mắc mới liên quan đến sự kiện cộng đồng ngày 20-2. Trong số các ca mới có 73 ca ở tỉnh Kandal giáp với Việt Nam, bao gồm 40 người Trung Quốc, 33 người Campuchia, 7 người Việt Nam và 1 người Thái Lan.
Phnom Penh cũng báo cáo 20 ca nhiễm mới, bao gồm 17 người Campuchia và 3 người Trung Quốc, và 3 ca mới ở các tỉnh thành khác. Đến nay, Campuchia có 1.968 ca COVID-19 trên toàn quốc, bao gồm 1.444 ca liên quan đến sự kiện cộng đồng ngày 20-2.
Hiện Campuchia đã tiếp nhận 3 loại vắc xin ngừa COVID-19, gồm 600.000 liều vắc xin của Sinopharm (từ Trung Quốc), 320.000 liều vắc xin của AstraZeneca (từ Ấn Độ thông qua chương trình COVAX) và 1,5 triệu liều của Sinovac (từ Trung Quốc).
Người Trung Quốc trốn cách ly, Campuchia thiệt hại 250 triệu đô
Chuyên gia kinh tế Campuchia ước tính "sự kiện 20-2", ngày mà 4 công dân Trung Quốc hối lộ để trốn khỏi khu cách ly ở Phnom Penh và đi khắp nơi rồi lây bệnh cho nhiều người khác, đã khiến đất nước chùa tháp thiệt hại ít nhất 250 triệu USD.
Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và tài chính, ông Meas Sok Sensan, từ chối đưa ra con số cụ thể thiệt hại kinh tế do đợt bùng phát dịch nói trên, theo báo Khmer Times ngày 25-3.
"Chúng tôi vẫn chưa có đánh giá hoặc dữ liệu về mức độ ảnh hưởng của nó. Dự kiến tới cuối năm nay mới có con số cụ thể", ông Sok Sensan giải thích.
Cũng theo ông này, Chính phủ Campuchia và các đối tác có công thức để tính toán thiệt hại, song đang ưu tiên cho các giải pháp phục hồi kinh tế.
"Sự kiện 20-2" là ngày mà 4 công dân Trung Quốc nhiễm COVID-19 hối lộ người giám sát để trốn cách ly khỏi khách sạn Sokha ở Phnom Penh. Những người này sau đó đến nhiều địa điểm khác tại Campuchia và làm bùng phát dịch tại nước này, theo Khmer Times.
Ông Chheng Kimlong, một chuyên gia thuộc Viện tầm nhìn châu Á (trụ sở tại Campuchia), ước tính "sự kiện 20-2" đã gây thiệt hại cho nước này khoảng 250 triệu USD.
Theo vị chuyên gia này, con số 250 triệu USD thiệt hại chỉ mới là tác động đến nền kinh tế chính thức. "Nếu tính toàn bộ nền kinh tế, gồm cả chính thức và phi chính thức, con số chắc chắn cao hơn 250 triệu USD".
Nếu Campuchia có thể kiểm soát đợt dịch này trong tháng 5-2021, hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào tháng 7 hoặc tháng 8-2021. Tuy nhiên, nếu chính phủ nước này không kiểm soát được đại dịch trong 2-3 tháng tới, thiệt hại kinh tế sẽ còn lớn hơn, theo ông Kimlong.
Theo khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 24-3, đại dịch COVID-19 đã khiến hầu bao của 35% người Campuchia bốc hơi từ 26-50%. Trong tổng số người khảo sát ở cả thành thị và nông thôn Campuchia, có 77% thừa nhận thu nhập của gia đình họ đã bị sụt giảm vì COVID-19.