Tình trạng người nhập cảnh trái phép làm lây lan dịch ra cộng đồng, ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn khiến có cảnh báo nguy cơ đợt dịch thứ 4. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách: cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa để chống dịch như chống giặc.
Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến đề xuất một số giải pháp sau đây.
Đại tá Nguyễn Thế Anh (chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Kiên Giang):
Có thêm tai mắt của nhân dân sẽ bịt các lỗ hổng
Đơn vị vừa hoàn thành chuyến khảo sát vòng quanh đảo và khảo sát toàn bộ vùng biển Phú Quốc để rà soát các điểm chốt chặn, phát hiện các địa điểm gần bờ có khả năng là điểm cập bờ của những người nhập cảnh trái phép.
Sau khi khảo sát bổ sung chốt chặn cố định và các tổ công tác lưu động, lực lượng biên phòng xác định phải phối hợp với cả lực lượng cảnh sát biển, hải quân đang đóng quân ở Phú Quốc để tăng tần suất tuần tra kiểm soát vùng biển rộng tới hơn 1.500km2 quanh đảo.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tăng cường phát động phong trào quần chúng tham gia hỗ trợ. Có thêm tai mắt của quần chúng nhân dân (cả ngư dân trên biển và bà con đất liền) và quyết tâm cao thì chúng ta sẽ bịt được các lỗ hổng như vừa qua.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Duy Tỉ (tư lệnh Vùng 5 hải quân):
Nhiều người hám lợi vẫn bất chấp
Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19, lực lượng Vùng 5 hải quân đã tăng cường phối hợp với các lực lượng cảnh sát biển tuần tra, tuyên truyền giáo dục ngư dân không tham gia tiếp tay đưa người từ Campuchia vào Việt Nam làm lây lan dịch bệnh. Tuy vậy, dù phần lớn bà con ngư dân rất có ý thức chấp hành tốt nhưng do hám lợi, gần đây nhiều người vẫn bất chấp.
Trước những khó khăn khách quan và thực tế, theo tôi, ngoài việc tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát của các lực lượng, giải pháp hiệu quả nhất là phải sử dụng tai mắt của quần chúng. Làm sao để mỗi người dân là "đôi mắt" góp phần giúp ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.
Hiện tỉnh Kiên Giang có đội tàu đánh cá hơn 10.000 chiếc hoạt động ngày đêm trên biển, nên việc huy động ngư dân cùng chống dịch chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả. Từ đó góp phần cùng nỗ lực chung nhằm ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.
PGS.TS Trần Đắc Phu (cố vấn Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế):
Lỡ nhập cảnh trái phép, nên khai báo y tế
Nguy cơ dịch xâm nhập từ Campuchia vào Việt Nam là rất lớn do số ca mắc ở Campuchia đang gia tăng rất nhanh, người Việt đi lại Campuchia nhiều kể cả đường bộ và đường biển. Như 3 ca mắc ở Hải Phòng và TP.HCM là người vừa nhập cảnh trái phép từ Campuchia về nước, do người bệnh có triệu chứng và đã đi khám bệnh, được phát hiện và khoanh vùng sớm. Từ đó chưa ghi nhận người lây nhiễm trong số 142 người có tiếp xúc và liên quan.
Thế nhưng nếu những người nhập cảnh trái phép này không có triệu chứng, khi tiếp xúc, đi lại sẽ lây lan ra nhiều người, nguy cơ rất khó lường.
Việc phòng chống dịch liên quan nhiều yếu tố, nhiều ngành, có thể có những tình huống rất bất ngờ. Tôi kêu gọi bà con đã trót nhập cảnh trái phép nên đi khai báo y tế và cách ly, vừa đảm bảo an toàn cho mình vừa đúng pháp luật và tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Ông Đoàn Tấn Bửu (phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp):
Tôi cảm ơn người dân biên giới
Đồng Tháp có 50,5km biên giới, qua 8 xã giáp với tỉnh Prey Veng, Campuchia. Đây là tuyến biên giới có nhiều nguy cơ, nhất là hiện nay đang có ổ dịch ở huyện Peam Chor cách biên giới Việt Nam khoảng 30km.
Các lực lượng bảo vệ biên giới đang ngày đêm canh phòng cẩn mật. Ngoài ra người dân biên giới khi thấy có người lạ với dấu hiệu nghi ngờ, họ liền báo cho cơ quan chức năng. Từ đó chúng tôi mới có thể làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi thật sự cảm ơn những nghĩa cử, tinh thần đề cao cảnh giác của người dân đã giúp ích rất nhiều cho công tác phòng chống dịch bệnh ở biên giới.
Ông Đặng Quang Tấn (cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):
Kêu gọi người dân giám sát, thông báo
Tôi nghĩ thời điểm này các cửa khẩu quốc tế chính, đường mòn lối mở có thể nhận biết đều đã được kiểm soát. Riêng trên biển hoặc những đường mòn khó xác định thì hiện có tình trạng đưa người về nhập cảnh trái phép và dẫn tới nguy cơ lây dịch cho cộng đồng.
Ngoài sự tích cực của lực lượng chức năng, chúng tôi kêu gọi sự vào cuộc của mỗi người dân để phát hiện sớm trường hợp nhập cảnh trái phép. Người trong khu dân cư, người trong tổ COVID-19 cộng đồng hoặc chủ khách sạn, nhà nghỉ... đều có thể tham gia giám sát, thông báo ngay trong trường hợp phát hiện người đi làm ăn ở nước ngoài nay đột ngột có mặt tại khu vực mình sinh sống, quản lý.
Tất cả mọi người đều tích cực, chung tay phòng chống, chúng tôi tin là sẽ sớm ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập.
Thượng tá Cao Văn Tuấn (chính trị viên đồn biên phòng Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp):
Xây dựng tổ tự quản đường biên
Thực tế quân số của đồn biên phòng không thể rải ra khắp tuyến biên giới mà phải nhờ vào người dân. Chúng tôi tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của người dân để bảo vệ biên giới, cũng như không để mầm bệnh xâm nhập, lây lan cộng đồng.
Để phát huy vai trò của người dân, chúng tôi áp dụng nhiều hình thức như tuyên truyền, cử lực lượng ngày đêm xuống cùng ăn cùng ở với người dân, đến từng nhà vận động người dân nêu cao cảnh giác với người xâm nhập trái phép. Chúng tôi xây dựng các tổ tự quản đường biên giới và giữ gìn an ninh trật tự, phân công mỗi đảng viên xuống phụ trách 100 hộ gia đình.
Ông Lê Quốc Vinh (xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp):
Có cho tiền triệu cũng báo biên phòng
Giờ có ai cho người dân chúng tôi 5 hay 10 triệu đồng, biểu đưa qua Campuchia thì cũng hổng ai chịu. Trái lại một lát sau là có biên phòng xuống hốt lên đồn. Khi gặp tình huống đó, tụi tui chia nhau ra, một người giữ chân, một người thông báo cho bên đồn biên phòng. Gần chạy xẹt qua báo, ban đêm ban hôm thì điện thoại báo. Chứ lỡ dịch bệnh thì đâu phải mình mình mà cả ấp, cả xã, cả nước đều khổ.
Ông Nguyễn Minh Đông (giám đốc Cảng HKQT Phú Quốc):
Sân bay Phú Quốc siết chặt quy trình khai báo y tế
Để ngăn COVID-19 từ người nhập cảnh lậu, tôi cho rằng cần phải siết chặt hơn ở các khâu biên giới. Với sân bay Phú Quốc, chúng tôi đang tổ chức chặt chẽ về quy trình khai báo y tế, kiên quyết từ chối khách vào nhà ga nếu không thực hiện đúng quy định về đeo khẩu trang, khai báo y tế...
Đồng thời, sân bay lắp đặt máy đo thân nhiệt giám sát khách đi, đến. Bên cạnh đó, dự kiến tuần sau sân bay triển khai thêm nhân sự ở trước cửa nhà ga để hỗ trợ, hướng dẫn hành khách, đặc biệt những người lớn tuổi khai báo y tế online. Trường hợp nếu quá đông khách khai báo y tế bằng giấy sẽ được nhân viên nhập lại trên online, đảm bảo 100% hành khách rõ ràng thông tin khi di chuyển bằng máy bay.
C.TRUNG ghi
Ông Nguyễn Tiên Hồng (phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng):
Khoanh vùng - dập dịch - truy vết - cách ly
Khi dịch bất ngờ bùng phát, TP đã tiến hành song song và hiệu quả cùng lúc trong việc tìm kiếm ca mắc mới bằng phương châm "khoanh vùng - dập dịch - truy vết - cách ly" với nhiều hành động. Trong đó có việc đẩy nhanh năng lực xét nghiệm (khi cần thiết còn tiến hành xét nghiệm gộp) và thiết lập các cơ sở điều trị để chạy chữa cho người mắc.
Khi có ca bệnh, lập tức xác định mốc "dịch tễ" trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. Huy động đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết thật nhanh theo các "mốc dịch tễ" phát hiện được và áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp truy vết; tổng hợp và lọc nhanh nhất các đối tượng F1, nhanh chóng cách ly, ngăn chặn nguy cơ bùng dịch.
Để làm được điều này, Đà Nẵng đã tận dụng tối đa sức mạnh y tế địa phương bao gồm các đơn vị trực thuộc, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để sẵn sàng tham gia tiếp nhận điều trị bệnh nhân khi bệnh viện khác bị phong tỏa. Ngoài ra, năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng cũng được sự giúp đỡ của Bộ Y tế giúp tăng thần tốc từ 700 đến 1.300 mẫu/ngày.
Sự quyết liệt tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế và cả xã hội là mấu chốt thành công trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
TRƯỜNG TRUNG ghi
Ông Quang Phú (quận Hải Châu, Đà Nẵng):
Lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng có chịu trách nhiệm không?
Thực tế tôi thấy tại Đà Nẵng chỉ trong thời gian ngắn đã dập ngay được dịch, mà lúc đó dịch rất phức tạp, là nhờ không chỉ sự quyết tâm của địa phương mà có cả sự ủng hộ của trung ương và sự chi viện của các tỉnh. Trong khi đó, tại Hải Dương hiện nay thời gian đã quá dài mà vẫn còn ca nhiễm trong cộng đồng, các ca nhập lậu vẫn qua đường biên về các địa phương.
Tôi cho rằng việc đặt vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng trong tình hình như vậy là cần thiết. Lưu ý rằng Đà Nẵng cũng có sông có biển, giao thông nối liền các tỉnh, với địa hình như vậy không quyết liệt sẽ khó chặn đứng ca nhiễm lây lan.
Theo tôi, sự quyết liệt của lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng trong việc chống dịch phải như chống giặc.