Việc bầu Chủ tịch Quốc hội sẽ theo hình thức bỏ phiếu kín và ứng viên duy nhất được giới thiệu để bầu là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Ông Vương Đình Huệ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV  /// Ảnh: Gia Hân
Ông Vương Đình Huệ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV
ẢNH: GIA HÂN
 
Trước đó, tại phiên họp chiều 30.3, ông Vương Đình Huệ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch Quốc hội (QH) khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021), Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân vừa được QH miễn nhiệm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội thứ 2 được giới thiệu làm Chủ tịch Quốc hội

Ông Vương Đình Huệ năm nay 64 tuổi, là Bí thư Thành ủy Hà Nội thứ 2 được giới thiệu bầu làm Chủ tịch QH, sau Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ông Huệ quê ở Nghệ An, là Ủy viên T.Ư Đảng 4 khóa (từ khóa X đến khóa XIII); Ủy viên Bộ Chính trị 2 khóa (khóa XII và XIII); là đại biểu (ĐB) QH các khóa XIII, XIV.

Miễn nhiệm nữ Chủ tịch QH đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

Chiều 30.3, QH đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch QH khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Có 429/449 ĐB có mặt tán thành, 15 ĐB không tán thành và 5 ĐB không biểu quyết thông qua nghị quyết này. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi QH bầu được Chủ tịch QH và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia mới. Bà Ngân là nữ Chủ tịch QH đầu tiên của Việt Nam, cũng là người đã 3 lần đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao trong cả 3 lần QH lấy phiếu tín nhiệm năm 2013, 2014 và 2018.
Ông Vương Đình Huệ xuất thân là giảng viên Trường đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, là GS-TS kinh tế. Từ khi tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng vào năm 2006, ông trải qua các cương vị: Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trên cương vị phó thủ tướng, ông Huệ được ghi công trong việc kiềm chế nợ công; tham mưu cho Chính phủ và QH ban hành Nghị quyết 42 năm 2017 về xử lý nợ xấu, sửa đổi luật Các tổ chức tín dụng. Ông Huệ cũng có nhiều đóng góp trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng năng lực cho các ngân hàng… Ông cũng từng là Trưởng ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương.
Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Huệ xuất hiện ở nhiều nơi và chỉ đạo xử lý nhiều việc cụ thể, như vụ nhà 8B Lê Trực, bãi rác Nam Sơn. Hà Nội cũng đã công bố được 6 đồ án quy hoạch đô thị trung tâm và định hướng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Nếu được bầu làm Chủ tịch QH ở cuối nhiệm kỳ XIV, khi không còn các nhiệm vụ lập pháp hay quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trọng trách đầu tiên của ông Huệ là trên cương vị Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia góp phần vào việc lựa chọn ra những ĐB “thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức”, phụng sự lợi ích của cử tri, đất nước.

Chính trị gia nhiều kinh nghiệm

Chia sẻ với báo chí bên hành lang QH về ứng viên Chủ tịch QH mới, nhiều ĐB bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng rất lớn. ĐB Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, cho rằng quá trình công tác ở nhiều cương vị, ông Huệ thể hiện là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, am hiểu tài chính ngân sách, ngoài ra có kinh nghiệm hoạt động nghị trường, trả lời chất vấn cũng như xây dựng pháp luật. “Tất cả yếu tố đó hội tụ để tạo nên một Chủ tịch QH đáp ứng lòng tin yêu, mong mỏi của người dân, giải đáp các vấn đề mang tính chất chiến lược, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển với kinh nghiệm cũng như hoạt động chính trị lâu năm…”, bà Hải nói.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng với ứng viên Chủ tịch QH Vương Đình Huệ. “Một nhà chính trị từng đứng đầu một đơn vị hành chính đặc biệt là thủ đô Hà Nội, nơi là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, là Bí thư Thành ủy Hà Nội tuy không lâu nhưng đồng chí Vương Đình Huệ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tầm nhìn, tư duy, chính sách”, ông Vân nói và kỳ vọng với tân Chủ tịch, QH sẽ có chuyển biến trong phương thức hoạt động, nhất là hoạt động lập pháp; quan tâm nhiều hơn tới hậu giám sát hay chuyển biến trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Ông Vương Đình Huệ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch QH ở cuối nhiệm kỳ XIV - nhiệm kỳ được đánh giá là “rất thành công”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Dù vậy, trong từng khâu hoạt động của QH (lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước) vẫn còn nhiều vấn đề mà chính các ĐBQH khóa XIV vẫn còn lo lắng, nhất là việc đảm bảo sự liêm chính, minh bạch của QH. Đây không chỉ là kỳ vọng mà còn là áp lực với ông Huệ, nếu ông tiếp tục được bầu làm Chủ tịch QH khóa XV.
 
Đề cử ông Vương Đình Huệ để bầu chủ tịch Quốc hội - Ảnh 1.
Ông Vương Đình Huệ trong một lần phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: QUOCHOI.VN