Chiều nay 1-4, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VGP
Ngày mai 2-4, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII, sinh năm 1954, quê Quảng Nam, là cử nhân kinh tế.
Trước khi làm Thủ tướng, ông đã đảm nhiệm các chức vụ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; phó tổng Thanh tra Chính phủ; phó chủ nhiệm thường trực rồi bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; phó thủ tướng thường trực Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 1-2011. Đến tháng 1-2016, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và tái đắc cử ủy viên Bộ Chính trị.
Tháng 4-2016, ông Phúc được bầu và trở thành Thủ tướng thứ 9 của Việt Nam tính từ năm 1945 đến nay.
Phát biểu nhậm chức cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới. Tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, khắc phục hạn chế, yếu kém, vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Hôm 24-3, tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von "trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ".
Ông nhấn mạnh giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" để làm việc với địa phương, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
Điểm lại những thành tựu nổi bật của Chính phủ nhiệm kỳ qua, Thủ tướng nhận định Chính phủ đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp… Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong phòng chống đại dịch COVID-19.
Ông cũng đã sử dụng từ khóa "đột phá" để nhấn mạnh những điểm nổi bật trong ưu tiên chỉ đạo điều hành của nhiệm kỳ vừa qua.
Trong đó, Chính phủ đã đột phá về hoàn thiện thể chế, đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính dẫn dắt cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành.
Được biết, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Với phương án này, đây là lần đầu tiên một Chủ tịch nước được bầu từ một người giữ chức Thủ tướng trước đó.