Đó là thông tin được đưa ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên do Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN) và 2 công ty thành viên là Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (mã MCH), Công ty cổ phần Masan MEATLife (mã MML) tổ chức sáng 1-4, với chủ đề “Cùng đến nóc nhà Đông Dương”.
Ông Nguyễn Đăng Quang: Masan sẽ xây dựng một mô hình hiệu quả để phục vụ người tiêu dùng và tạo nên chuỗi giá trị to lớn
Kết thúc năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group đạt 77.218 tỷ đồng, tăng 106,7% so với mức 37.354 tỷ đồng năm 2019; lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt 1.234 tỷ đồng. Cùng với đó, MCH đã đánh dấu cột mốc quan trọng: doanh thu thuần lần đầu tiên đạt mức 1 tỷ USD, doanh thu thuần và EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) tăng trưởng lần lượt 27,2% và 22,4% so với năm 2019. Doanh thu thuần năm 2020 của MML là 16.119 tỷ đồng tăng 16,8% so với năm 2019, biên EBITDA đạt mức 11,7%.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group chia sẻ, sau 25 năm thành lập (1-4-1996 - 1-4-2021) với mục tiêu “Phụng sự người tiêu dùng”, việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hiện đại đã gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của Masan, từ mức chỉ chiếm 1% ngân sách tiêu dùng lên mức gần 25%.
Đề cập về kế hoạch 5 năm tới, ông Quang cho biết, Masan sẽ xây dựng một mô hình hiệu quả để phục vụ người tiêu dùng và tạo nên chuỗi giá trị to lớn. Mục tiêu này hướng đến việc giúp người tiêu dùng tiết kiệm 5-10% chi phí cho việc mua các hàng hóa thiết yếu; nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận 5-10%; đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% so với hoạt động hiện tại của họ.
"Công thức thành công của Masan là hàng ngày nâng cao đời sống vật chất của người tiêu dùng Việt Nam, và điều này sẽ được tưởng thưởng bằng doanh thu, lợi nhuận với giá trị cao không ngừng", ông Quang nói khi được cổ đông hỏi về giá trị của Masan.
Ông Trương Công Thắng: The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 8 tỷ USD vào năm 2025
Chia sẻ về chiến lược xây dựng nền tảng Point of Life (POL), ông Danny Le - Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan cho biết, nền tảng này góp phần gia tăng lợi ích cho cả người tiêu dùng, nhà sản xuất và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với việc hiện đại hóa kênh bán lẻ truyền thống, đẩy mạnh thương mại tích hợp từ offline đến online (O2O) giữa bán lẻ hiện đại và các nền tảng thương mại điện tử, thúc đẩy các dịch vụ tài chính ở Việt Nam, Masan đặt mục tiêu phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng trên một nền tảng “tất cả trong một”, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Năm 2020, Masan đã thành lập Công ty cổ phần The CrownX - nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp - nắm giữ lợi ích của Masan tại MCH và VinCommerce (VCM). Trong đó, MCH là một trong những công ty hàng tiêu dùng có thương hiệu lớn nhất Việt Nam, tập trung vào xây dựng thương hiệu mạnh và phát triển sản phẩm mới.
VCM là hệ thống bán lẻ hiện đại có quy mô toàn quốc, dẫn đầu về số lượng điểm bán tại Việt Nam. Ngoài ra, việc mua lại VCM đã mang lại sức mạnh đáng kể với Masan MEATLife (MML). Các sản phẩm MEATDeli hiện đã có mặt tại hơn 1.200 cửa hàng VinMart+.
Dây chuyền chế biến thịt mát MEATDeli
Ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần The CrownX cho biết, The CrownX sẽ là nơi hệ thống bán lẻ VCM, MCH, thịt có thương hiệu MML và dịch vụ tài chính Techcombank liên kết và hợp lực để tạo thành một nền tảng kinh doanh thông suốt.
Vì vậy, The CrownX được coi là chương đầu tiên trong hành trình “Point of Life” mà Masan đang xây dựng. The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 8 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, Masan Consumer đóng góp 3 tỷ USD và VinCommerce đóng góp 5 tỷ USD. The CrownX cũng hướng đến sở hữu 25 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu, phục vụ 30 - 50 triệu khách hàng thân thiết, 10% doanh thu đến từ kênh online.
Để tăng cường sự hiện diện và nhận biết của người tiêu dùng đến sản phẩm, ông Thắng cho biết, năm 2020, Masan Consumer là công ty chi tiền quảng cáo nhiều thứ ba. Năm 2021, công ty sẽ chi ngân sách cho quảng cáo nhiều nhất thị trường và duy trì vị trí trong 5-10 năm tới nhằm tăng cường cơ hội để giới thiệu sản phẩm ra đến người dùng.