Sẵn sàng đặt giá thầu chi phí quảng cáo lên cao gấp đôi, ba lần để được phủ sóng khắp YouTube, các kiểu "thần y" tràn lan hiện nay không chỉ ám ảnh mà còn là mối nguy hại lớn cho người dân khi bị lừa bởi các chiêu trò "siêu quảng cáo" thuốc.
Thoái hóa cột sống, sỏi thận, u xơ, u nang..., tất cả loại bệnh lâu năm đều có phương pháp chữa trị cam kết dứt hẳn - là những lời mời chào chữa bá bệnh của một loạt "thần y" trên YouTube hiện nay.
Người hết bệnh ở đâu không biết nhưng người bị tác hại đã xuất hiện ngoài đời, cụ thể là ngày 15-3 vừa qua một bệnh nhân nữ điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư vì suy gan do tin dùng các loại thuốc trên mạng.
Nhà tôi ba đời... phủ sóng YouTube
Chi phí quảng cáo video trên YouTube hiện nay được Trung tâm Google Ads thông báo với mức phí 130 đồng/1 view, đồng nghĩa với việc các đối tác phải chi trả 130 đồng khi có 1 người xem video.
Nhưng để có thể phủ sóng hầu hết các kênh YouTube hiện nay, quảng cáo của các "thần y" phải đặt giá thầu chi phí mỗi lần xem (CPV) cao đến gấp đôi, gấp ba để cạnh tranh với CPV của những đối thủ khác. Có thể thấy lợi nhuận thu về của các bài thuốc chữa bách bệnh là không nhỏ.
Gia đình có con nhỏ nên anh Trần Văn Toàn (ngụ Q.3, TP.HCM) thường xuyên mở YouTube cho con xem mỗi khi chăm bé ăn. Bức xúc với hàng loạt quảng cáo cứ xuất hiện, anh chia sẻ:
"Một clip hoạt hình, giải trí cho tụi nhỏ thôi mà có tận 2, 3 cái quảng cáo xen ngang, bản thân mình nghe còn ám ảnh, huống chi các con". Gia đình chị H. mỗi khi thấy quảng cáo có bà đội mũ đen lại bị ám ảnh.
Nắm bắt được tâm lý của người xem, những video quảng cáo thuốc "thần dược" ngày càng được đầu tư chuyên nghiệp hơn với vô số hình thức như: một lương y mặc áo blouse trắng đứng trước quầy dược liệu với rất đông bệnh nhân ngồi chờ chữa trị, hoặc tự nhận là "thần y" gây ám ảnh với trang phục thổ cẩm dân tộc giới thiệu mình có bài thuốc gia truyền ba đời.
Hay tinh vi hơn khi còn làm thành một phóng sự quảng bá về thuốc với đủ các logo cơ quan truyền thông lớn được gắn trong clip, tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho bệnh nhân, chỉ cần một cuộc điện thoại sẽ được gửi thuốc đến tận nhà, trong khi thầy thuốc và bệnh nhân không hề gặp nhau.
Thống kê từ YouTube, có hơn 2 tỉ người dùng đăng nhập mỗi tháng, mỗi ngày mọi người xem hơn 1 tỉ video, có thể thấy được lợi nhuận khủng thu về từ nền tảng này đã tạo nên vô vàn kênh bán thuốc với đủ chiêu thức lừa đảo.
Vỏ bọc uy tín, chất lượng dởm
Thị trường dược phẩm vẫn luôn sôi nổi suốt thời gian qua, đi cùng với sự phát triển của mạng xã hội thì hình thức kinh doanh của các đối tượng cũng bắt nhịp theo. Từ các group kín quảng cáo rầm rộ hiệu quả của thuốc trên Facebook, để lấy lòng tin hơn từ khách hàng, các đối tượng dần chuyển sang hình thức video quảng cáo một cách bài bản.
Tất cả cũng chỉ là vỏ bọc bên ngoài cho sản phẩm không được kiểm định và đáp ứng chất lượng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Thành Thượng (giảng viên khoa y dược Trường cao đẳng Vĩnh Long) cho biết muốn cấp thuốc trước tiên bệnh nhân phải được thăm khám trực tiếp để nhận định bệnh, để xác định xem bệnh ở biểu (các bệnh ở bên ngoài, thường xuất hiện tại gân, xương, cơ nhục, kinh lạc) hay ở lý (bệnh ở bên trong, thường thuộc các tạng phủ), thể hàn (lạnh) hay thể nhiệt (nóng), hư chứng (tạng phủ trong cơ thể bị hư suy) hay thực chứng (bệnh chưa ảnh hưởng tới tạng phủ trong cơ thể).
Bác sĩ đặc biệt nhấn mạnh: Bệnh nhân không đến khám trực tiếp mà uống qua giới thiệu trên những trang mạng là cực kỳ nguy hiểm, bởi mỗi thể bệnh đều có những phương pháp điều trị riêng.
Bệnh hàn thì dùng thuốc nhiệt, bệnh nhiệt thì dùng thuốc hàn, bệnh hư phải dùng thuốc bổ, bệnh thực phải dùng thuốc tả, nếu dùng sai hoặc quá liều có thể dẫn đến ngộ độc, suy gan, suy thận.
Trước những cách thức lừa đảo tinh vi như hiện nay, người dân nên nâng cao cảnh giác, hiểu biết về việc sử dụng thuốc đúng cách. "Khi uống thuốc Đông y nên kiêng một số loại thực phẩm như đậu xanh, giá đỗ, rau cải xanh làm giảm mất tác dụng của thuốc" - bác sĩ Thượng nói.
Coi chừng đồ giả nguy hiểm
Những nguyên liệu thường được dùng làm giả các vị thuốc được bác sĩ Nguyễn Thành Thượng cảnh báo như:
- Hoài sơn làm giả bằng khoai mì xông lưu huỳnh (lưu huỳnh thường xông đông dược để chống mối mọt, ẩm mốc giúp dược liệu mềm mại, dẻo, làm dược liệu sáng đẹp hơn. Lưu huỳnh nếu tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ gây ung thư).
- Hồng hoa trộn với hoa khác và nhuộm chất màu, khi vào cơ thể hóa chất sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.
- Bạch phục linh làm giả bằng bột và tẩm "canxi cacbonat" để thuốc không tan trong nước.
- Sâm Ngọc Linh (tam thất đội lốt sâm ngọc linh).