Theo đó, Chủ tịch UBND TP đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) về tái lập đường Lê Lợi (một phần đoạn đường này từ đường Pasteur tới Nguyễn Huệ) để các phương tiện tham gia giao thông trước dịp 30.4 tới. Phần đường còn lại tại khu vực này và các khu vực đang tổ chức thi công dọc trục đường Lê Lợi tiếp tục rào chắn đảm bảo mỹ quan đô thị và sẽ bàn giao trước ngày 31.12 để phục vụ công tác tái lập toàn tuyến đường. Rào chắn sẽ được tháo dỡ toàn bộ sau khi hoàn tất công tác chỉnh trang tái lập trục đường Lê Lợi, Ban Quản lý đường sắt đô thị chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thi công tái lập tuyến đường này, phải thực hiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm (cấp thoát nước, điện, viễn thông, chiếu sáng...) đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và tiến độ nêu trên.
Để công tác tái lập được đồng bộ, đảm bảo mỹ quan đô thị cho khu vực trung tâm thành phố, ông Nguyễn Thành Phong giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với MAUR, Sở GTVT, Sở Xây dựng, UBND Q.1 và đơn vị tư vấn khẩn trương nghiên cứu đề xuất phương án phân luồng giao thông, thiết kế cảnh quan và kế hoạch thi công tái lập tuyến đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến khu vực Chợ Bến Thành), báo cáo đề xuất trình UBND TP trong quý 2.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng đồng ý công nhận kết quả chấm điểm của Hội đồng thi tuyển cho phương án đoạt giải cao nhất về “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành”; Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức trao giải cuộc thi theo quy định, tổng hợp các ý tưởng tối ưu nhất từ cuộc thi để đưa vào nội dung nhiệm vụ đầu bài kêu gọi đầu tư, sau khi chọn được nhà đầu tư sẽ giao nhà đầu tư tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thiết kế đô thị và không gian ngầm toàn tuyến phố thương mại của trục đường Lê Lợi và khu vực nhà ga ngầm Bến Thành.
Khu vực đường Lê Lợi, trung tâm TP.HCM bị rào chắn xây dựng tuyến metro số 1 bắt đầu từ giữa tháng 10.2016, kéo theo rất nhiều hệ lụy cho người dân.
Trong suốt hơn 4 năm rào chắn phục vụ thi công ga ngầm Bến Thành, từ một tuyến đường thông thoáng, sầm uất, san sát cửa hàng, tấp nập người qua lại, đường Lê Lợi đã trở thành một trong những điểm đen ùn tắc giao thông của TP. Không những thế, loạt cửa hàng, hộ kinh doanh tại khu vực này gần như “đứng hình” ngồi chờ metro xong để giải tỏa lô cốt, tiếp tục buôn bán.
Do đó, thông tin đường Lê Lợi chuẩn bị được giải phóng khỏi lô cốt nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân. Theo dự kiến kế hoạch đầu tư chỉnh trang tuyến đường Lê Lợi, kết nối cùng đường Nguyễn Huệ tạo thành không gian đi bộ tại khu vực trung tâm của UBND TP, sau thời gian dài “đóng băng” để phục vụ thi công tuyến metro số 1, đường Lê Lợi sẽ được hồi sinh, cùng với trục đường Nguyễn Huệ tạo thành không gian đi bộ kết hợp mua sắm, thương mại sầm uất.