Trong 12.300 DN tham gia khảo sát về PCI 2020, có 44,9% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức, phải "lót tay" cho cơ quan công quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh.

PCI 2020: Gần 45% doanh nghiệp phải lót tay khi làm thủ tục - Ảnh 1.

Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020 (PCI 2020), do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 15-4, cho thấy 44,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết phải chi trả chi phí không chính thức cho cơ quan công quyền khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh.

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo PCI 2020, ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế VCCI - cho biết cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đánh giá tích cực hơn về hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng, một loạt các chỉ số đo lường về tham nhũng được cải thiện. 

Cụ thể, trong 12.300 doanh nghiệp tham gia khảo sát về PCI 2020, có 44,9% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức, phải "lót tay" cho cơ quan công quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh, giảm 21,1% so với năm 2016 (có 66% doanh nghiệp phải trả chi phí "lót tay").

Gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp giảm, có tới 84,4% doanh nghiệp cho biết các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được. Tỉ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra giảm từ 51,9% (năm 2017) xuống 27,7% (năm 2020). 

Số doanh nghiệp đồng ý với nhận định việc chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu cũng giảm từ 54,9% (năm 2017) xuống 40% (năm 2020). Tỉ lệ doanh nghiệp lo ngại tình trạng chạy án nên không đưa vụ việc tranh chấp qua tòa án cũng giảm từ 31,6% (năm 2017) xuống còn 23% (năm 2020).

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo PCI 2020 là số cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có xu hướng giảm. Tỉ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% (năm 2016) xuống còn 3% (năm 2020).

Báo cáo PCI 2020 ghi nhận Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng điều hành kinh tế, với 75,09 điểm trên bảng xếp hạng PCI 2020.

Nhóm 10 tỉnh, thành phố xếp theo thứ tự có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất năm theo báo cáo PCI 2020 lần lượt là Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.