Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi làm việc quan trọng với Ngân hàng nhà nước vào cuối tuần qua để nghe báo cáo về các vấn đề nóng của ngành như: thao túng tiền tệ, tín dụng bất động sản, chứng khoán...
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiểm soát tín dụng vào bất động sản phục vụ nhu cầu thực của người dân /// Ảnh Gia Hân
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiểm soát tín dụng vào bất động sản phục vụ nhu cầu thực của người dân
ẢNH GIA HÂN
Theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) ngày 19.4, báo cáo trước Thủ tướng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN vẫn kiên định mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ là soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, theo bà Hồng, NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ…
Kết quả cho thấy, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung; đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ, và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.
Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, tránh đầu cơ - ảnh 1

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tín dụng vào bất động sản có tăng nhưng chậm lại so với năm ngoái

ẢNH VIỆT ANH

Tuy nhiên, để phòng ngừa rủi ro phát sinh đối với hệ thống, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng ngày 14.4 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích…

Quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân

Liên quan đến tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, theo Thống đốc, việc xử lý các ngân hàng mua 0 đồng là việc khó, chưa có tiền lệ, đòi hỏi sự đồng thuận, thống nhất và sự quyết tâm cao mới có thể thực hiện được. Bởi vậy, NHNN mong Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo.
Cũng theo bà Hồng, trong thời gian qua, với sự ra đời của Nghị quyết số 42 của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu có tiến triển và kết quả tốt, nếu như không có đại dịch Covid-19 xuất hiện thì kết quả sẽ theo đúng lộ trình tại Nghị quyết, tuy nhiên do tác động của đại dịch nên nợ xấu có xu hướng tăng lên.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN cần rà soát công việc, xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để xử lý, đảm bảo phải có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới.
Về điều hành tín dụng, Thủ tướng yêu cầu tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán. Đối với tín dụng vào bất động sản, cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.
Còn đối với lĩnh vực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, làm quyết liệt nhưng chắc chắn trên nguyên tắc đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn tiền gửi của người dân, phối hợp các bộ ngành tạo cơ chế phù hợp thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia tái cơ cấu đảm bảo hiệu quả. Có giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc xử lý nợ xấu đảm bảo tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ.
Việt Nam không thao túng tiền tệ 
 Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự việc ngày 16.4, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” trong đó Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định trong giai đoạn năm 2020 không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ. Đây là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, trách nhiệm của một số bộ ngành, nhất là NHNN để Hoa kỳ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam. Trong thời gian tới, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ trong tổng thể Kế hoạch hành động để hướng đến cán cân thương mại hài hoà bền vững giữa hai nước.