Hơn 70 năm qua, Hội những người viết báo Việt Nam ra đời tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đến hôm nay, Đại hội lần thứ XI HNBVN sắp họp tại Hà Nội, là hành trình báo chí Việt Nam thực hiện tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh về báo chí, truyền thông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam khởi đầu bằng việc xuất bản Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925 ở nước ngoài. Một phần tư thế kỷ sau, tại An toàn khu Việt Bắc, nơi Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo, điều hành cuộc kháng chiến toàn dân chống thực dân Pháp đang lăm le đặt lại ách thống trị của chúng lên đầu dân tộc Việt Nam vừa giành lại độc lập, tự do, Bác Hồ thành lập tổ chức chính trị, nghề nghiệp của những người làm báo với tên gọi ban đầu Hội những người viết báo Việt Nam, từ năm 1959 đổi là Hội Nhà báo Việt Nam.

Hơn bảy thập niên là hành trình vẻ vang dù có những lúc thật sự gian nan, mấy thế hệ nhà báo Việt Nam thuộc mọi loại hình báo chí, cùng tất cả những ai quan tâm đến báo chí, truyền thông cùng thực hiện những lời chỉ bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

Quang cảnh Lễ khánh thành Bia Di tích Lịch sử Quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 20/04/2005 tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên.

Quang cảnh Lễ khánh thành Bia Di tích Lịch sử Quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 20/04/2005 tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên.

Khởi nguồn từ một xóm nghèo

Tháng 5 năm 1949, không lâu sau ngày chúng ta đánh thắng cuộc tấn công tổng lực của quân đội thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc, mà chúng cho là nơi đóng “các cơ quan đầu não của Việt Minh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo các nhà báo Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Thành Lê... mở Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng tại thôn Gò Pao, xã Tân Cương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại bức thư gửi lớp học, thông qua chỉ mười mấy dòng Bác Hồ khái quát nhiệm vụ, mục đích, tôn chỉ, đối tượng, nội dung, hình thức cùng phong cách tác nghiệp của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ viết (trích lược): Nhiệm vụ của báo chí là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng đi đến những mục đích chung: kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Tôn chỉ của báo chí là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Đối tượng của báo chí là đại đa số dân chúng. Nội dung báo chí do đó phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát; hình thức sắp đặt tốt, cách in sáng sủa. Không chính trị suông. Không đăng tin vịt. Không dùng tiếng nước ngoài nếu tiếng Việt có sẵn từ nội dung tương ứng. Muốn viết báo hay nhà báo không thể cứ ngồi trong phòng giấy, mà cần đi thực tế, về với người dân. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài. Luôn gắng học hỏi, cầu tiến bộ.

Cả một giáo trình báo chí, tóm gọn trong 150 từ!

Dòng sông hội tụ các anh tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm khẳng định: Hội Nhà báo là tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là làm cho hội viên đoàn kết, giúp nhau nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, gìn giữ hòa bình thế giới.

Từ những ngày đất nước đang phải đối mặt muôn vàn khó khăn, non sông cách trở Bác Hồ nhận định: “Báo chí ta có địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý. Bạn rất quan tâm. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách thể hiện”. (Nói tại Đại hội lần thứ III HNBVN, 1962).

Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam, họp ngày 24 và 25/3/2000 tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội.

Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam, họp ngày 24 và 25/3/2000 tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội.

Hơn 70 năm qua, được tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh dẫn đường, qua 10 nhiệm kỳ Hội Nhà báo Việt Nam từng bước lớn mạnh, trở thành một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp hàng đầu của đất nước, được bạn bè nể trọng, có tiếng nói trên diễn đàn nghề nghiệp quốc tế. Tôi muốn dùng lại một hình ảnh từng viết về báo chí Việt Nam: Hành trình đó tựa một dòng sông khởi nguồn bằng con suối nhỏ tại chiến khu, từ núi rừng xuôi về biển cả. Trong bảy thập niên dòng sông ấy tưới mát nền báo chí Việt Nam cả nước, vào tận rẻo đất tột cùng Đất Mũi Cà Mau, trong nội đô Sài Gòn, chờ đến ngày non sông thống nhất báo chí thuộc nhiều khuynh hướng nghề nghiệp lại quy tụ về một mối, thành dòng sông lớn là Hội Nhà báo Việt Nam hôm nay.

Qua 10 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ có những quyết định chính trị nghiệp vụ cập nhật dưới sự chỉ đường của Đảng và quản lý của Nhà nước nhằm tổ chức, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của hội viên. Nhiệm kỳ sau tiếp nối công việc nhiệm kỳ trước, đề ra những chủ trương mới, việc làm mới, không một lúc rời xa định hướng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch là “tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức nhân dân thực hiện mục đích chung kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công” - diễn đạt theo ngôn từ ngày nay là đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc.

Với tất cả sự khiêm nhường, chúng ta có thể tự hào: trong sự phát triển của báo chí nước ta về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội, lúc nào cũng hiển hiện vai trò của Hội Nhà báo. Báo chí thực hiện nghiêm túc định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, làm diễn đàn tin cậy của nhân dân qua những phương tiện truyền thông từng bước tiến lên hiện đại, không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay. Chúng ta ghi nhớ và cố gắng thực hiện lời của Bác Hồ cách đây ba phần tư thế kỷ: “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo” (1949). Đó chính là căn cốt chính trị, lý giải tại sao ta sắp xếp lại báo chí mấy năm gần đây, và thông qua đó sàng lọc phần nào số hội viên chưa hội đủ các quy chuẩn về đạo đức và tay nghề.

Những hạt sạn lớn bằng tảng đá

Bên cạnh những mặt ưu điểm và thành tích là cơ bản, hoạt động báo chí trong đó có công việc Hội Nhà báo còn một số khuyết điểm, hạn chế. Có những cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa coi trọng phát hiện nhân tố mới, nêu gương điển hình tiên tiến, biểu dương người tốt việc tốt, định hướng dư luận…, lại sa đà thông tin mặt trái của xã hội thiếu tính nhân văn, phản cảm, qua việc thiên về thông tin mặt trái của cuộc sống, tin tức vô bổ, giải trí rẻ tiền nhằm câu khách, vụ lợi. Có những người viết báo chỉ cần nổi tiếng để “lưu danh thiên cổ” (chữ Bác Hồ dùng). Từ đó họ vô hình trung trở thành cái loa chuyển tiếp những luận điệu của những kẻ nuôi ý đồ chống phá đất nước, gây mơ hồ trong sự nhận diện đúng sai, bạn thù. Bên cạnh những thành tích, ưu điểm chúng ta đã đạt được, đấy chỉ là những hạt sạn, nhưng buồn thay có không ít hạt sạn to tày tảng đá, khiến có lúc dư luận chông chênh, người dân bức xúc, giảm lòng tin vào báo chí.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ tại Lễ khánh thành Bia Di tích Lịch sử Quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 20/04/2005 tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ tại Lễ khánh thành Bia Di tích Lịch sử Quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 20/04/2005 tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên.

Đó là nỗi đau của những người làm báo chân chính, đi ngược tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh đậm tính nhân văn, với kỳ vọng báo chí cách mạng bất kỳ lúc nào, ở đâu cũng là tiếng nói của nhân dân, là diễn đàn để người dân chia sẻ với cộng đồng suy nghĩ, cống hiến, kinh nghiệm thành công, thất bại của mình. Báo chí ta phải là chỗ dựa để người dân mỗi khi cuộc sống gặp trắc trở thì tìm đến chia sẻ băn khoăn, nhờ báo chí giúp giải tỏa nỗi niềm.

“Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”

Trách nhiệm và vinh dự của Hội Nhà báo Việt Nam trong hành trình 70 năm qua là kiến tạo môi trường thuận tiện, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ của hội viên. Làm sao có thể qua một bài viết kể xiết những công việc Hội ta đã làm từ ngày ra đời đến nay vì những người làm báo, vì hội viên của mình.

Chúng ta đã tổ chức biết bao lớp học dài và ngắn hạn, bao cuộc tọa đàm, hội thảo chính trị - nghiệp vụ, giao lưu với các ngành, trao đổi giữa các địa phương, đối thoại với bạn bè quốc tế. Hồi đất nước còn bị các nước ngoài “phong tỏa”, gây khó khăn cho ta trong việc mở rộng quan hệ quốc tế, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức những lớp học tiếng nước ngoài, mời các thầy giáo giỏi về dạy vào ban đêm và cuối tuần, thực hiện mong muốn của Bác Hồ: “Nhà báo ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người” (1949).

Mười năm sau, khi hòa bình đã lập lại trên nửa nước, Người lại nhắc nhở: “Trong nghề làm báo ta có những kinh nghiệm của ta nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm các nước anh em. Muốn thế những người làm báo cũng cần biết ít nhất một thứ tiếng nước ngoài” (1959). Chúng ta sớm tổ chức Giải thưởng Báo chí Toàn quốc, tiền thân của Giải Báo chí Quốc gia hiện nay, tham gia phát động, điều hành bao Giải thưởng chuyên ngành, Giải thưởng của các địa phương, Liên hoan phát thanh, truyền hình… với mong muốn nâng cao chất lượng báo chí, trình độ chính trị nghiệp vụ của những người làm báo.

Trả lời phỏng vấn của báo chí trong bối cảnh Cách mạng tháng Tám vừa thành công, thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương”. Một khi cây bút nằm trong tay các nhà văn hóa, trí thức, những người viết báo chân chính, thì “ngòi bút của các bạn là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, 1947). Với những người làm báo thuộc bất kỳ loại hình nào, Bác Hồ đều nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy người làm báo cần trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ, văn hóa; nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, hòa mình trong nhân dân (1962).

Luật Báo chí và Quy định Đạo đức người làm báo

Như vừa nói, thật khó lòng kể hết những việc Hội Nhà báo Việt Nam đã làm 70 năm qua, có việc thành công có việc dang dở. Nổi bật và xuyên suốt  nhiều nhiệm kỳ, rõ nhất là từ Đại hội lần thứ IV của Hội năm 1985 đến Đại hội lần thứ XI năm 2021, theo thiển nghĩ của chúng tôi, có hai sự kiện lớn: Tham gia soạn thảo rồi cùng các cơ quan chức năng từng bước kiện toàn Luật Báo chí Việt Nam; và ban hành Quy ước đạo đức báo chí Việt Nam dựa vào hai nguồn: “Những nguyên tắc quốc tế về đạo đức báo chí” do Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa thuộc Liên Hợp Quốc (UNESCO) thông qua sau nhiều năm nghiên cứu; và Tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh đậm sắc thái Việt Nam. Luật Báo chí tạo cơ sở pháp lý cho các nhà báo dựa vào mà tác nghiệp đúng với đạo đức nghề nghiệp. Quy định đạo đức phản ánh nghĩa vụ của nhà báo tự nguyện thực thi những điều chưa phải pháp quy.

Bìa sách

Bìa sách "Sự hưng vong của OIJ” do Giáo sư Kaarle Nordenstreng chủ biên, mới xuất bản đầu năm 2021.

Luật Báo chí đầu tiên sau Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 mở đầu thời kỳ đổi mới được chuẩn bị khẩn trương, Quốc hội nhiệm kỳ VIII thông qua cuối năm 1988 với đa số gần như tuyệt đối, sau hai năm thảo luận nảy lửa ở hội trường, tại các địa phương và trên các phương tiện truyền thông, trong bối cảnh hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng. Các thế lực chống chủ nghĩa xã hội và cả một số ít người có tấm lòng trong sáng nhưng thiếu thông tin cập nhật muốn đưa nền báo chí nước ta đi theo mô hình báo chí Tây Âu, trong đó có điểm chốt là mọi người đều có quyền ra báo, không cần phải có giấy phép do các nhà chức trách cấp. Bác Hồ sớm bác bỏ quan điểm ấy: “Báo chí phải phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí, và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng” (1959).

Ngày nay, sau hơn 40 năm nhìn lại, chúng ta dễ hình dung tình trạng nào diễn ra cho báo chí, truyền thông nước ta hồi đó, trong hoàn cảnh báo chí dù trưởng thành về chính trị nhưng đang gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống, nếu ta đi theo lối mòn của báo chí phương Tây đang lâm vào khủng hoảng triền miên.

Có thể nói Luật Báo chí Việt Nam chính thức ban hành đầu năm 1981, được sửa đổi, bổ sung năm 1990 và nâng cao, hoàn tất dưới dạng Luật Báo chí năm 2016 với nhiều điểm mới, trong đó có luật hóa tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam cùng Quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, dựa trên nguyên lý: Bất luận cơ quan báo chí nào, thể hiện qua phương tiện kỹ thuật cổ truyền hay hiện đại, do Trung ương hay các cấp, các ngành, các địa phương chủ quản, đều là diễn đàn của nhân dân, tồn tại do dân và vì dân. Đó là định hướng và cơ sở tạo nên bước phát triển mạnh ngày nay.

Góp phần tỏa sáng vị thế Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Báo của ta có một địa vị quan trọng trên trường quốc tế”. Hội Nhà báo tuy không có chức năng làm công tác đối ngoại, ngay từ những ngày vừa thành lập, đã chủ động giao lưu, hoạt động cùng đồng nghiệp các nước ngoài.

Ít lâu sau ngày Hội những người viết báo chào đời năm 1950, chúng ta vui mừng đón tiếp đồng nghiệp đầu tiên từ châu Âu đến thăm vùng căn cứ kháng chiến. Đó là nhà báo Léo Figuères - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội Pháp, Chủ nhiệm báo L’Avant Garde (Tiền phong). Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn; được chuyện trò với các đồng chí Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm thú nhiều làng xóm, gặp một số đơn vị bộ đội, dân quân của ta tại chiến khu.

Trở về Pháp, Léo Figuères đi diễn thuyết nhiều nơi, thuật lại những điều mắt thấy tai nghe ở Việt Nam, công bố lên báo chí bài Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn, và lớn tiếng kêu gọi nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh xâm lược do nhà cầm quyền của họ gây nên ở Việt Nam. Hãng thông tấn AFP ngày 27/8/1950 đưa tin: “Chính phủ Pháp ra lệnh bắt Léo Figuères, cựu nghị sĩ cộng sản vùng Đông Pyrénées, vừa từ vùng căn cứ Việt Minh ở Đông Dương về. Ông bị khởi tố về tội công bố lên báo chí bài phỏng vấn ông Hồ Chí Minh, gây nên cuộc tranh luận sôi nổi tại Quốc hội Pháp”.

Một sự kiện đối ngoại quan trọng nữa: Tháng 7 năm 1950, hai nhà báo Trần Lâm và Thép Mới được Hội cử đi dự Đại hội lần thứ III của Tổ chức quốc tế các nhà báo (ta quen gọi tắt  theo tiếng Pháp là OIJ) họp tại Helsinki - thủ đô nước Phần Lan từ 15 đến 17 tháng 9 năm ấy. Tại Đại hội này, Hội những người viết báo Việt Nam được công nhận là thành viên chính thức của OIJ. Từ đấy, các nhà báo nước ta như Xuân Thủy, Lưu Quý Kỳ, Đào Tùng, Phan Quang lần lượt tham gia Ban lãnh đạo OIJ. Hội Nhà báo Việt Nam nay là thành viên của Hiệp hội báo chí các nước Đông Nam Á (CAJ), có nhiều hoạt động được bạn bè quốc tế trân trọng.

Đầu năm 1979, cuộc chiến của quân dân Việt Nam chống ngoại xâm, bảo vệ biên giới phía Bắc bùng nổ. Chủ tịch đương nhiệm OIJ Kaarle Nordenstreng - Giáo sư Trường Đại học Tampere Phần Lan, triệu tập phiên họp đặc biệt của Ban Chấp hành OIJ tại Hà Nội. Các nhà báo nước ngoài được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tiếp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời phỏng vấn. Sau đó toàn thể Ban Chấp hành(1) bay vào Nam chủ trì Hội nghị Ban chấp hành OIJ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/2/1979. Thay mặt 180.000 hội viên thuộc 160 quốc gia, Hội nghị ra “Tuyên bố từ Thành phố Hồ Chí Minh” kịch liệt lên án quân đội Trung Quốc xâm lăng bờ cõi, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Một tuần sau, trở lại thủ đô Phần Lan, Ban lãnh đạo Tổ chức báo chí quốc tế OIJ lại tổ chức “Hội nghị quốc tế đoàn kết với Việt Nam” họp từ 6 đến 8/3/1979 tại thủ đô Helsinki, quyết liệt lên án chủ nghĩa bành trướng.

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (1950-2020), chúng ta cúi đầu tưởng niệm các nhà báo cách mạng tiền bối từng vào tù ra tội trước ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Chúng ta thương tiếc bao nhà báo anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống các chiến trường qua mấy cuộc chiến tranh giữ nước và cứu nước. Chúng ta biết ơn các nhà báo nước ngoài đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp “kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công” - nói như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4/2021