Tài liệu phản động được cơ quan an ninh thu giữ của các hội nhóm phản động trên không gian mạng
LTS: Thời gian qua liên tục xuất hiện một số cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, hoặc thông tin về những vụ việc chưa có kết luận chính thức…, dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và đối tượng phản động, cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Chúng lập những tài khoản, website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng... để tung tin gieo rắc hoài nghi trong xã hội, nhất là những vấn đề nhạy cảm, kích động, lôi kéo người dân tụ tập trái phép, biểu tình, phá rối an ninh trật tự và có các hành vi phạm pháp. Báo SGGP trân trọng gửi đến bạn đọc loạt bài: “Nhận diện, đấu tranh với thông tin xấu, độc trên không gian mạng” để có cái nhìn rõ hơn những thông tin xấu, độc trên không gian mạng hiện nay. |
“Hội Những người cầm bút can đảm” thường có những bài viết xuyên tạc, đả kích chính quyền, lên án “tội ác” của chính quyền Việt Nam, cổ xúy thực hiện đa nguyên, dân chủ, cổ vũ số chống đối và kêu gọi yểm trợ thành viên của hội. Còn “Hội Những người cầm bút tự do” đặt ra mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam; viết bài có nội dung phản động, tán phát lên mạng Internet”. (Nguồn: Cơ quan an ninh) |
Nhận diện, đấu tranh với thông tin xấu, độc trên không gian mạng - Bài 2: Hoạt động chống phá tinh vi
Lập hội nhóm “kín”, vu cáo chính quyền
Trong các chuyên án được cơ quan an ninh đưa ra trước ánh sáng pháp luật thời gian qua, có thể thấy, phương thức hoạt động của các hội nhóm phản động hết sức tinh vi nên lôi kéo được một số đối tượng tham gia. Trong đó, số cầm đầu phản động lưu vong ở nước ngoài đã móc nối với số phần tử phản động trong nước thông qua các phần mềm mang tính bảo mật cao để liên lạc, phân công, giao nhiệm vụ, nhận sự chỉ đạo và kinh phí để tổ chức các hoạt động chống đối. Các hình thức hội họp, đào tạo, huấn luyện, chỉ đạo hoạt động đều được thực hiện qua các phần mềm này.
Điển hình có các nhóm “Đảng Cộng hòa Việt Nam”, “Đảng Duy Tân Việt Nam”, “Nhóm Biển xanh”, “Nhóm bảo vệ công lý và giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền”, “Nhóm du ca Sài Gòn”, “Vệ quốc quân”… Thành phần tham gia các hội nhóm “kín” phần lớn là đối tượng chống đối mới, tư tưởng lệch lạc hoặc đang có những vấn đề bất mãn xã hội.
Phương thức hoạt động của các hội nhóm “kín” thông qua mạng xã hội hoặc dùng các phần mềm có tính bảo mật cao để đăng tải các bài viết có nội dung xuyên tạc sự thật, kích động khiếu kiện tập trung đông người, gây rối tại cơ quan công quyền nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng, khuếch trương ảnh hưởng.
“Nhóm Đảng Cộng hòa Việt Nam” khởi lập từ đầu năm 2019 do các đối tượng Huỳnh Minh Tâm, Huỳnh Thị Tố Nga (ngụ tỉnh Đồng Nai) cầm đầu, đã móc nối với một số đối tượng hoạt động lưu vong có danh xưng “Đảng Cộng hòa” có nhiều hoạt động manh động qua các bài viết đả kích chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Các hội nhóm “kín” còn tìm cách thu thập và lập danh sách một số cán bộ chủ chốt, đảng viên và người thân liên quan trong các cơ quan Đảng, chính quyền tại nhiều địa phương phía Nam để viết bài tố cáo sai sự thật, đe dọa ám sát, hủy hoại tài sản cá nhân… Nguy hiểm hơn, “Nhóm Vệ quốc quân” do đối tượng Nguyễn Trung Thành (ngụ TPHCM) cầm đầu lôi kéo một số đối tượng ở nhiều địa phương tham gia viết bài đưa lên mạng xã hội các nội dung sai trái.
Nhóm “kín” này đưa ra phương châm “Bảo vệ chủ quyền, phát huy tinh thần yêu nước” để lôi kéo người khác tham gia phát triển tổ chức, hoạt động kích động biểu tình mang tính chất bạo lực, dùng bom xăng gây cháy nổ nơi công cộng, trang bị các vũ khí, phương tiện nhằm chống trả lực lượng của ta. Chúng thường dùng thủ đoạn tấn công người tham gia biểu tình để vu cáo do chính quyền đàn áp.
Liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn
Vài năm trước, trên mạng xã hội nổi lên một số tài khoản của một số đối tượng cầm đầu các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen với những hoạt động gây “bão mạng” có lượng người tham gia yêu thích, bình luận, chia sẻ lên đến hàng trăm ngàn lượt. Các đối tượng này sau đó đã bị cơ quan công an triệt phá, truy tố với nhiều tội danh khác nhau. Đây là cơ hội để các hội nhóm phản động nhảy vào tìm cách chiếm quyền sử dụng các tài khoản này cho mục đích lôi kéo người tham gia tổ chức, viết bài có nội dung xuyên tạc, kích động một bộ phận thanh niên, công nhân, sinh viên tham gia chống đối.
Nhằm củng cố lực lượng, phát triển hội nhóm sẵn có, số đối tượng cầm đầu tích cực tổ chức nhóm họp dưới nhiều hình thức, cấu kết các hội nhóm ở nước ngoài với trong nước qua các phần mềm bảo mật cao (whatsapp, Goto Meeting…) trên không gian mạng.
Phương thức trực tuyến này đã lôi kéo hàng trăm lượt người tham gia hội luận theo các chủ đề về chính trị, kinh tế, xã hội với nhiều nội dung xuyên tạc, bịa đặt, sai trái, gây tác hại xấu cho cộng đồng mạng, tạo cách hiểu không đúng về đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Từ đó, dễ bề xúi giục, lôi kéo một số đối tượng vì thiếu hiểu biết nghe theo và tham gia vào tổ chức hội nhóm phản động.
Bên cạnh đó, thông qua không gian mạng, các hội nhóm phản động đẩy mạnh hoạt động đào tạo kỹ năng, phương thức tập hợp lực lượng tham gia chống phá qua các bài viết được đăng tải trên các mạng xã hội và thực địa ở một số địa phương.
Các hội nhóm “kín” đã liên kết với nhau tổ chức các khóa huấn luyện trực tuyến với hàng chục lượt thành phần cộm cán tham gia, trong đó có một số đối tượng cầm đầu của các nhóm: “Hội anh em dân chủ”, “Viễn tượng Việt Nam”, “Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam”, “Nhóm Luật sư vườn rau Lộc Hưng”.
Các hội nhóm ngoài nước còn cấu kết với trong nước gia tăng các hoạt động lợi dụng mạng xã hội để tán phát các clip có nội dung kích động, xuyên tạc, vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp, bắt bớ “người biểu tình yêu nước”, đòi quốc tế can thiệp, hậu thuẫn. Số hội nhóm bên ngoài như: “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu cùng với Lisa Phạm thường xuyên phát tán các clip kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, thực hiện phương châm “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, tiêm nhiễm các tư tưởng chống đối cực đoan, quá khích cho số cơ sở nội địa thực hiện các hoạt động manh động, phá hoại, bạo loạn, khủng bố nhằm mục tiêu xóa bỏ chế độ ta.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, thời gian tới, các hội nhóm phản động tiếp tục lợi dụng mạng xã hội để đẩy mạnh rao giảng, kích động, vu cáo chính quyền, triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị trong nước để lôi kéo lực lượng tham gia chống đối. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các hội nhóm phản động này sẽ thường xuyên thay đổi bằng nhiều hình thức khác nhau trên không gian mạng, liên kết hoạt động hiệu quả hơn qua các phương tiện, kỹ thuật hiện đại hiện có ở trong nước và ngoài nước.
Nhận diện, đấu tranh với thông tin xấu, độc trên không gian mạng - Bài 3: Đấu tranh, vô hiệu hóa
Phá rã nhiều hội nhóm phản động
Lực lượng an ninh và cơ quan chức năng đã phát hiện, đấu tranh, làm rõ, phá rã hàng chục hội nhóm phản động hoạt động trái phép. Trong đó, bắt và xử lý một số đối tượng cộm cán như: Trần Kim Anh, Mai Thị Dung, Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lưu Văn Vinh, Nguyễn Hữu Thiên Ân…
Đồng thời, tiến hành gọi hỏi, đấu tranh răn đe, cảm hóa, bàn giao công an các địa phương quản lý, giáo dục hàng trăm đối tượng. Nhiều hội nhóm thành lập mới trên không gian mạng bị lực lượng chức năng phá rã như: “Hội anh em dân chủ”, “Phong trào con đường Việt Nam”, “Hội dân oan”, “Lao động Việt”, “Tổng hội sinh viên độc lập Việt Nam”… “Nhóm vì môi trường” do các đối tượng Trần Văn Bang, Nguyễn Thị Bích Ngà, Lê Bảo Nhi vừa tạo tài khoản Facebook “Tran Bang”, phát thông báo thành lập nhóm kêu gọi mọi người ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung đã bị phát hiện, ngăn chặn, không cho huy động nguồn lực, phát triển tổ chức, mở rộng hoạt động chống phá.
Nếu như thời gian trước, nhiều hội nhóm chống đối lập ra trên Internet phải tổ chức tụ tập để ra mắt, căng băng rôn biểu ngữ, tuyên bố thành lập, có trụ sở trong nước như “Hội anh em dân chủ”, “Hội Nhà báo độc lập”…, thì nay các đối tượng chỉ ra thông báo thành lập trên các mạng xã hội, không cần trụ sở, cương lĩnh, điều lệ cụ thể.
(thứ 2 từ trái sang) bị xét xử về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu,
vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Ảnh: THỤC HÂN
Nhiều hội nhóm lợi dụng tính năng tạo nhóm (group), tạo trang (fanpage) trên các mạng xã hội để tiếp cận người dùng mạng xã hội là thanh niên, sinh viên, công nhân lao động. Một số hội nhóm còn sử dụng bí danh, bí số cho các thành viên nhằm tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Số chống đối tìm mọi cách đối phó, trá hình các hình thức hội họp, hội thảo, huấn luyện, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng các địa phương trong cả nước đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, vô hiệu hóa hoạt động thành lập, công khai hóa hội nhóm trên không gian mạng của một số đối tượng phản động trong nước.
Các hội nhóm “Cánh Én Việt”, “Đảng Cộng hòa Việt Nam” nhanh chóng bị đấu tranh, phá rã; nhiều đối tượng cộm cán phản động bị truy tìm, bắt giữ. Lực lượng chức năng các địa phương cũng vận động, cảm hóa, giáo dục hàng trăm đối tượng vì thiếu hiểu biết, không nhận rõ được âm mưu, thủ đoạn lôi kéo của các hội nhóm phản động đã vào tham gia bình luận, chia sẻ các bài viết có nội dung xuyên tạc, kích động chống đối đăng tải trên các group, fanpage.
Một số hội nhóm lúc đầu thành lập, hoạt động dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, hoạt động xã hội, thiện nguyện nhằm thu hút lực lượng tham gia, sau đó đăng tải những bài viết có nội dung xấu, chống đối, kích động khiếu kiện, tập trung đông người cũng sớm bị lực lượng chức năng đấu tranh, vô hiệu hóa. Qua đó, góp phần cảnh báo cộng đồng mạng cần tỉnh táo, cảnh giác với hoạt động của các hội nhóm phản động, không nhận lời tham gia các group, fanpage mà mình chưa biết rõ.
Lật tẩy các chiêu trò
Người tham gia các mạng xã hội hiện nay không khó bắt gặp những tài khoản trên Facebook, Zalo, Viber, YouTube và mời chào tham gia vào các group, fanpage có những hoạt động, bài viết tích cực, cổ vũ tinh thần vì cộng đồng, những gương sáng, việc làm hay của những tấm lòng thiện nguyện diễn ra hàng ngày ở khắp nơi.
Cùng với đó là các bài viết tranh luận, đấu tranh, phản đối trực diện với những luận điệu xuyên tạc, chống đối của một số đối tượng trong các hội nhóm phản động đăng tải trên các mạng xã hội. Các tài khoản Facebook “Cờ Đỏ”, “Tôi yêu Tổ quốc”, “Cờ đỏ TP Hồ Chí Minh”, “Hào khí Việt Nam”… đã có nhiều bài viết lật tẩy những chiêu trò núp bóng hoạt động môi trường, từ thiện của các đối tượng trong các hội nhóm phản động để đăng tải nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật, có dụng ý xấu. Bài viết “Núp bóng từ thiện để tạo danh tiếng trong quá trình chống phá” của tác giả Linh Nguyễn đăng tải trên tài khoản Facebook “Hào khí Việt Nam” lật tẩy chiêu trò của Trương Châu Hữu Danh, một đối tượng chuyên viết bài có nội dung chống phá, vu khống nhiều cán bộ cũng như cơ quan công quyền nhà nước.
Hay trong bài viết khác cũng trên tài khoản này, một tác giả đã mạnh dạn lên án hành vi của Trần Quyết Thắng (Hà Tĩnh) được báo chí và cộng đồng mạng biết đến qua chương trình quyên góp xe đạp tặng học sinh nghèo. Thực chất, Trần Quyết Thắng là người từng tham gia khóa huấn luyện của Voice, một chi nhánh của Việt Tân tại Đông Nam Á, từ nước ngoài về Việt Nam tháng 3-2016, móc nối với một số đối tượng trong nước kích động, gây rối biểu tình.
Tương tự, một bài viết đăng tải trên tài khoản Facebook “Cờ đỏ TP Hồ Chí Minh” mới đây đã có những lời lẽ đấu tranh trực diện với luận điệu xuyên tạc sự thật trong bài viết “Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố tuyệt thực cho đến chết” đăng trên VOV Tiếng Việt, được các hội nhóm phản động chia sẻ, bình luận trên không gian mạng…
Trên các mạng xã hội Zalo, Viber, YouTube thời gian qua cũng đã đưa lên nhiều bài viết định hướng dư luận, đối kháng lại với các thông tin xấu, độc trên không gian mạng của các hội nhóm phản động. Qua đó, giúp cư dân cộng đồng mạng nhận biết rõ hơn âm mưu, thủ đoạn của các hội nhóm phản động và cảnh giác khi có những tương tác trên không gian mạng về các vấn đề xã hội quan tâm hiện nay. Đây cũng là cách thể hiện sự chung tay, góp sức cùng toàn xã hội đấu tranh với những thông tin xấu, độc đang diễn ra hết sức phức tạp trên không gian mạng hiện nay.
“Qua công tác đấu tranh chống phản động trong nước thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương đã phối hợp phá rã nhiều hội nhóm phản động hoạt động trên không gian mạng. Trong đó có các hội nhóm “Quốc hội tự xưng”, “Hội Rồng tiên”, “Nhóm đoàn kết vì Đồng Tâm”. Lực lượng chức năng xử lý, bắt giữ hàng chục đối tượng cộm cán; đồng thời cảm hóa, giáo dục hàng trăm đối tượng là thanh niên, sinh viên, công nhân lao động tham gia các hội nhóm phản động nhưng chưa có hoạt động chống phá”. |