1. Về Củ Chi vào những ngày tháng tư, vẫn là cái nắng chói chang của vùng đất thép và có thể thấy, quê hương “thành đồng Tổ quốc” hôm nay không ngừng phát triển. Một thời bom đạn giờ là những di tích, là những mẹ Việt Nam anh hùng mà tôi đã gặp trong hành trình. Mẹ nhắc nhớ ký ức, trong đó có một giá trị cao hơn mọi giá trị, đó chính là giá trị sống mà các mẹ mang lại cho cuộc đời này.
Dưới cây cau trước nhà, mẹ Võ Thị Ba (91 tuổi, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) đứng chờ sẵn khi hay tin chúng tôi đến thăm. Dáng mẹ gầy như những năm tháng ngóng tin con, nhưng bước chân mẹ vẫn vững vàng lắm. Dắt chúng tôi vào nhà, mẹ chợt nói: “Gặp nhau mừng một ngày vui”.
Ở tuổi xưa nay hiếm, ký ức những ngày kháng chiến hay ngày thống nhất với mẹ, hẳn đã nằm lại đâu đó trong mùa xuân lịch sử năm ấy. Giờ thì mẹ lắc đầu, cười: “Mẹ già rồi, hay quên lắm”. Nhìn lên bàn thờ và di ảnh các anh, tôi hỏi: “Mẹ có nhớ các anh không?”. Nhìn lên, những đứa con mẹ thương đứt ruột nhưng vẫn nén nước mắt để tiễn lên đường làm nhiệm vụ, tên của các anh, mẹ nhớ rõ: “Thằng lớn là Nguyễn Văn Nam, thằng nhỏ là Nguyễn Văn No”.
Anh Nguyễn Văn Nam tham gia kháng chiến từ năm 15 tuổi và mất ở tuổi 18 đẹp nhất, trong kháng chiến chống Mỹ ngay trên quê hương Củ Chi. Anh Nguyễn Văn No hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam. Ngày anh No lên đường nhập ngũ, chị Nguyễn Thị Út (em gái anh No) kể: “Má với tôi đứng trước cửa nhà, cầm cây đèn dầu, thấy xe quân đội chở quân đi ngang nhà, giảm tốc độ, chạy chậm chậm để người thân ra tiễn, má kêu tôi: “Dòm coi có thằng No không?”. Tới xe thứ 2 thì có anh Chín (anh No) của tôi, trời tối thui đâu có kịp nhìn thấy mặt mũi gì, chỉ nghe giọng anh trên xe nói vọng xuống - Thưa má, con đi!”.
Hết 3 tháng quân trường, anh No về thăm nhà. Trở lại đơn vị, anh viết thư gửi về gia đình thông báo nhập ngũ. Đó là năm 1983. “Năm 1985, cũng gần xuất ngũ rồi, có tin của người quen từ chiến trường bên đó báo về là anh Chín mất. Má lúc đó như quỵ luôn…”, kể tới đây, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt chị Út. “Hồi đó, mỗi lần viết thư về nhà, anh Chín viết hay lắm!”, chị Út nói tiếp.
Dường như trong phần ký ức nửa nhớ nửa quên, mẹ vẫn không quên câu chuyện: “Mẹ đứng trước nhà, cầm cây đèn dầu rồi vẫy vẫy tay tiễn nó”. “Hồi anh đi, chắc mẹ lo dữ lắm?”, tôi hỏi. Mẹ nói: “Lo chớ, người ta nói chiến trường bên đó vẫn chưa yên, cũng bom đạn, nhưng nó tình nguyện lên đường thì mình không cản con, ai cũng mong muốn hòa bình mà…”.
2. Khi quê hương thôi tiếng súng sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, biên giới Tây Nam vẫn chưa bình yên, mẹ lại tiễn các anh lên đường trọn nghĩa với non sông. Cũng có con mất ở chiến trường biên giới Tây Nam, mỗi lần nhắc về anh Ba (liệt sĩ Mai Văn Y), mẹ Nguyễn Thị Em (87 tuổi, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) lại nhớ thương: “Nó hy sinh bên Campuchia. Bữa đó là gần tết, thằng bạn nó bên đó báo tin về với gia đình, má thằng bạn nó gặp tui ở chợ, bả cứ ngập ngừng: “Thôi, hổng dám nói, nói ra sợ bà ăn tết không nổi”. Cuối cùng, tui cũng hay nó mất, tui xách giỏ về luôn, năm đó cả nhà khỏi ăn tết”.
Nhìn lên di ảnh của anh cùng tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, nước mắt mẹ Em lăn dài: “Giải phóng hết trơn rồi mà vẫn còn mất mát, nó hy sinh sau ngày giải phóng mà”. Cầm tay mẹ đang rờ lại đường nét gương mặt anh qua di ảnh, tôi hỏi: “Mẹ có nhớ ngày mẹ tiễn anh đi không?”. “Hồi đó mẹ lo lắm đó bây, chiến trường mà, nhưng vẫn tiễn nó đi, vì quê hương, đất nước”, mẹ Em nhẹ giọng kể.
Tuổi xuân của anh mãi nằm lại ở chiến trường năm ấy, “gia tài” của mẹ là các anh chị em khác trong gia đình, cùng những lá thư anh gửi về từ chiến trường. Và ký ức của mẹ dù nhớ dù quên, nhưng đứa con không về luôn khiến mẹ khôn nguôi. “Thằng đó (ý nói liệt sĩ Mai Văn Y) sợ ma lắm. Hồi đó, ở nhà đào hầm nuôi giấu một lúc 10 cán bộ, buổi tối nghe sột soạt dưới đó, nó nói nhà có ma. Tui mới la - ma thằng cha mày, ngủ đi. Vậy mà nó xung phong đi, chẳng thấy nao núng gì…”, mẹ nhớ lại.
Chồng mẹ cũng là liệt sĩ, ông hy sinh khi mẹ chưa đầy 40 tuổi. Một tay mẹ Em nuôi 8 đứa con rồi lại tiễn từng đứa lên đường. “Người ta nói tui đúng là mẹ anh hùng, chồng mất ở vậy nuôi con chứ hông có đi bước nữa. Lúc đó, thiệt tình là không có nghĩ gì hết trơn, chỉ mong con lớn khôn, hòa bình, yên ổn vậy là đủ rồi. Còn có phong mẹ anh hùng hay không thì đâu có nghĩ tới làm gì, con mình tự nguyện đăng ký đi thì mình tiễn con lên đường, nói cho con yên lòng là mẹ ổn. Ở đây cũng nhiều người tình nguyện đi lắm chứ đâu có riêng gì gia đình nào”, mẹ Em nói.
Sau này, mẹ Em cũng lặn lội khắp nơi để tìm hài cốt con trai với ước nguyện đưa con về với quê hương, gần với tổ tiên ông bà và cái chính là để mẹ được gần hơn một chút với núm ruột của mình. Nhưng mộ liệt sĩ Mai Văn Y vẫn chưa tìm được. Còn mẹ Ba cũng đau đáu, bởi anh Nguyễn Văn Nam mất ở Củ Chi nhưng mẹ vẫn không thể lập mộ cho anh. “Hồi đó má kể, hay tin là má chạy lên liền mà đâu có kịp. Địch nó càn qua rồi san phẳng luôn, thành ra chỉ nhớ ngày mà làm giỗ anh chứ không có mộ phần”, chị Út kể.
3. Câu chuyện mùa xuân đại thắng, độc lập và thống nhất ngày hôm nay một phần được viết nên bởi các mẹ và các anh chị đã ngã xuống hôm qua. Thế hệ trẻ, những người chỉ hiểu về cuộc chiến qua sách vở và qua những lời kể của các mẹ, cũng muốn góp một chút sức mình, để sống xứng đáng với người nằm xuống.
Mỗi lần đến Đền Bến Dược - Củ Chi, tôi lại bắt gặp những gương mặt trẻ tìm đến đây, có thể là những nhóm đoàn viên thanh niên các đơn vị, nhưng nhiều khi là những người rất trẻ, đến đây với mục đích tìm hiểu về quá khứ, để nhắc nhớ và tri ân. Trong những câu chuyện về tri ân ấy, nhiều đơn vị ở thành phố nhận phụng dưỡng, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng và họ làm điều đó không phải là nghĩa vụ.
Chị Bùi Thị Tố Như, Bí thư Đoàn Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM, bày tỏ: “Tôi nghĩ, công tác đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng là việc mà người trẻ cần quan tâm và hướng tới. Và mỗi chuyến thăm hỏi, trò chuyện với các mẹ sẽ giúp người trẻ chúng tôi bồi đắp lòng yêu nước, thông qua câu chuyện mẹ kể, thông qua câu chuyện về những người con đã hy sinh của mẹ. Tôi nghĩ, qua mỗi chuyến thăm, mỗi người trẻ sẽ thêm hiểu giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay, từ đó sẽ sống có trách nhiệm và phấn đấu góp phần giữ vững nền hòa bình, độc lập của đất nước ở mỗi vai trò, vị trí công tác của mình”.
Thế hệ người trẻ hôm nay và mai sau, hãy khoan nói chuyện là chủ nhân tương lai của đất nước, mà trước hết cần viết tiếp tuổi xuân mà các anh chị để lại. Không ít lần tham gia các chuyến đi về nguồn và thăm các mẹ Việt Nam anh hùng, Lương Thị Kiều (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM) chia sẻ: “Những chuyến đi như thế không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm, mà còn đem lại những bài học về lịch sử chân thật và giá trị nhất. Các mẹ là minh chứng của một thời mà mọi người sẵn sàng hy sinh những điều quý giá nhất để đất nước hòa bình, độc lập”.
Nơi đâu trên dải đất hình chữ S này cũng có gia đình, thân nhân liệt sĩ. Ở TPHCM, có khoảng 5.400 bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng chỉ hơn 200 mẹ còn sống. Huyện Củ Chi là nơi có nhiều mẹ Việt Nam anh hùng nhất thành phố, với gần 1.300 mẹ và đến nay chỉ 45 mẹ còn sống… Trong chiến tranh, giặc đã ném xuống vùng đất này khoảng 240.000 tấn bom đạn các loại. Bình quân mỗi người dân Củ Chi phải “gánh” tới 1,5 tấn bom. Sức tàn phá ghê gớm như thế nhưng không lay chuyển được ý chí người dân Củ Chi, trong đó có các mẹ, những người “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”. |