Theo Tòa Tối cao, điều kiện phải có chứng chỉ thư ký tòa án mới được tuyển vào ngành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều kiện này sẽ bít cửa các cử nhân luật muốn vào ngành tòa án.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng điều này không phù hợp và cần phải điều chỉnh.
Không đồng tình ý kiến của Tòa Tối cao Nghị quyết 49 về Chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị xác định: “Xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”. Quyết định 549 ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định Trường ĐH Luật TP.HCM và Trường ĐH Luật Hà Nội là hai trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước. Vậy, cách tuyển sinh, tuyển dụng của TAND Tối cao liệu rằng có còn cơ hội nào cho các mục tiêu đã định hướng? Việc TAND Tối cao phản hồi kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho thấy dường như cơ quan này hiểu chưa đúng bản chất vấn đề và sự công bằng, bình đẳng trong tuyển dụng. Thực tiễn, cử nhân luật sau khi ra trường mới được học các chứng chỉ về nghiệp vụ tòa án trong 18 tháng tại Học viện Tư pháp hoặc Học viện Tòa án (HVTA). Trong khi đang là SV thì SV của HVTA được học đồng thời các chứng chỉ đã nêu. TAND Tối cao áp dụng phương thức “tuyển dụng mới” ngay lập tức loại trừ những cử nhân luật từ hơn 90 cơ sở đào tạo luật ngoài HVTA. Chỉ SV của HVTA vừa ra trường là được tuyển ngay và “hàng rào kỹ thuật” trong việc tuyển dụng của TAND Tối cao đã loại bỏ toàn bộ cử nhân luật khác. Ngành tòa án đặt ra một quy định trong tuyển dụng mà ai cũng thấy không ổn thì cần xem lại quy định đó. TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM |
PGS-TS VŨ VĂN NHIÊM, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật TP.HCM:
Tạo ra rào cản lớn
Tôi nghĩ không nên đặt ra điều kiện tuyển dụng thư ký tòa án như trên. Bởi lẽ chương trình đào tạo cử nhân luật của các cơ sở đào tạo luật hướng đến đào tạo kiến thức cơ bản, kiến thức nền. Các cử nhân luật sau khi tốt nghiệp có thể được tuyển dụng vào rất nhiều vị trí trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan trong hệ thống chính trị và những người sử dụng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế, chứ không chỉ ngành tòa án.
Do vậy, các cơ sở đào tạo luật không thể đưa vào chương trình đào tạo hàng trăm môn học nhằm trang bị kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu cho các ngành khác nhau.
Mặt khác, giả sử các cơ sở đào tạo luật có trang bị các kỹ năng, nghiệp vụ này thì xét về hiệu quả kinh tế và xã hội sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực khi buộc tất cả người học đều phải học nghiệp vụ này. Trong khi đó, chỉ một tỉ lệ nhất định được tuyển dụng vào ngành tòa án.
Cạnh đó, những quy định này thuộc về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn chỉ những người làm ở tòa án mới phải học. Nếu chỉ nhìn nhận dưới góc độ của ngành tòa án, quy định này có tính hợp lý nhất định. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc nhìn tổng thể và rộng hơn, nó tạo ra rào cản bất công và vô lý cho cử nhân luật tại các cơ sở đào tạo luật khi có nguyện vọng vào làm trong ngành tòa án.
Quy định này còn không phù hợp với thông lệ và truyền thống lâu nay (cả thông lệ, truyền thống quốc tế và ở Việt Nam). Thực chất, quy định này đang đặt ra “giấy phép con” trong việc tuyển dụng vào ngành tòa án.
Do vậy, sẽ hợp lý hơn nếu sau khi tuyển dụng thì ngành tòa án đào tạo cho họ những kỹ năng này. Các ngành khác cũng vậy, ví dụ như ngành kiểm sát sau khi tuyển dụng sẽ đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; cơ quan điều tra thì trang bị nghiệp vụ điều tra... Nói cách khác, ngành tòa án hay các ngành khác không nên đặt ra các điều kiện về kỹ năng, nghiệp vụ của ngành đó như một điều kiện trước khi tuyển dụng.
Nếu tiếp tục áp dụng là vi phạm
Thông báo số 607 tuyển dụng công chức (ngạch thư ký viên) chỉ áp dụng trong năm 2020 và chỉ trong một số địa phương. Nghĩa là từ năm 2021, việc tuyển dụng này chưa diễn ra và chưa có chủ trương chung của cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, nếu sau này TAND Tối cao lại tiếp tục có chủ trương với tiêu chuẩn tuyển dụng bắt buộc là đã được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, mà điều kiện “đã được đào tạo” thì chỉ có Học viện Tòa án (HVTA) và Học viện Tư pháp (các lớp đào tạo ba chung: thẩm phán - kiểm sát viên - luật sư) mới có giáo trình.
Quy định này sẽ phát sinh nhiều xung đột, vướng mắc trong các cơ chế đào tạo (cử nhân luật) và hình thức tuyển dụng công chức của ngành tòa án. Nghiêm trọng hơn, hình thức tuyển dụng công chức ngạch thư ký này đã vượt quá các quy định trong Luật Tổ chức TAND và Luật Cán bộ, công chức.
PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trưởng Khoa luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:
Bất bình đẳng trong tuyển dụng
Theo tôi, với việc đặt ra điều kiện tuyển dụng như trên, TAND Tối cao đã tạo ra rào cản, loại bỏ những sinh viên (SV) mới tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo luật không học tại HVTA. Bởi lẽ TAND Tối cao chắc chắn biết rằng SV mới tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo khác HVTA chưa được đào tạo nghiệp vụ trên.
Có thể nói, đây là “kỹ thuật” loại bỏ ứng viên mới tốt nghiệp đến từ cơ sở đào tạo khác HVTA và ưu ái cho người tốt nghiệp tại HVTA. Điều kiện tuyển dụng trên tạo ra sự bất bình đẳng giữa những cá nhân mong muốn làm việc tại tòa án, nơi có trọng trách là bảo vệ công lý.
Ngoài ra, học viên mới tốt nghiệp tại HVTA không chắc đã giỏi hơn những cử nhân tại các cơ sở có truyền thống đào tạo pháp luật lớn trong cả nước. Để biết được chất lượng tiềm năng của ứng viên, chúng ta nên đối chiếu điểm thi đầu vào ở cùng giai đoạn tại các cơ sở đào tạo, trong đó có HVTA. Bản thân tôi tin rằng điểm đầu vào của học viên học tại HVTA không cao hơn SV tại cơ sở đào tạo khác ở cùng giai đoạn tuyển sinh.
Như vậy, những SV giỏi, xuất sắc mới tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo khác thực chất đã bị tước đi cơ hội để phục vụ trong ngành tòa án chỉ vì thiếu điều kiện “đã được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án, nghiệp vụ xét xử”.
Thực tế, các cơ sở đào tạo pháp luật hiện nay không có chức năng đào tạo nghiệp vụ và tập trung vào đào tạo cơ bản. Tôi mong rằng TAND Tối cao sẽ tạo điều kiện cho những người tài có thể phục vụ cho đất nước trong ngành tòa án như TAND Tối cao đã từng làm.
Một cử nhân luật có thể là một thẩm phán giỏi, mặc dù khi vào ngành họ chưa được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án, nghiệp vụ xét xử. Ngược lại, chưa chắc người đã được đào tạo nghiệp vụ trên sẽ thành một thẩm phán giỏi.
Vì vậy, ngành tòa án không nên đặt ra điều kiện này khi tuyển công chức. Một khi ứng viên đã được tuyển dụng vào ngành tòa án rồi, việc đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án, nghiệp vụ xét xử là điều dễ dàng.
PGS-TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG, Trưởng Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM:
Có thể áp dụng nhưng phải có điều kiện
Điều 36 Luật Cán bộ, công chức về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định: Người có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Điều 38 Luật Cán bộ, công chức quy định về nguyên tắc tuyển dụng: Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật; đảm bảo tính cạnh tranh; tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm; ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.
Căn cứ các quy định trên thì việc TAND Tối cao đưa ra thêm tiêu chuẩn về môn học nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án là phù hợp với yêu cầu về vị trí việc làm của ngành.
Đó cũng là sức ép đòi hỏi các SV luật cần tự xác định rõ định hướng nghề nghiệp cho tương lai, để từ đó trang bị kiến thức chuyên môn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, TAND Tối cao cần đưa ra các yêu cầu chung về môn học “nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ xét xử” để hướng dẫn cho các cơ sở đào tạo và sau đó công nhận môn học này.
Từ đó, tạo điều kiện công bằng cho SV luật tốt nghiệp tại các trường luật thi tuyển vào ngành tòa án.
Để tạo cho việc tuyển dụng minh bạch, cạnh tranh và công bằng, chứng chỉ nghiệp vụ thư ký tòa án không nên giao về cho một tổ chức chuyên biệt nào đào tạo, mà trao quyền rộng rãi cho các cơ sở được cấp phép đào tạo luật.