Bài 1: Ngang nhiên mạo danh báo chí, bất chấp hậu quả
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các phóng sự, bản tin giả, mạo danh chương trình của Đài truyền hình và ngang nhiên tung lên các trang mạng xã hội, fanpage, website, facebook... nhằm mục đích tiếp cận, xây dựng lòng tin ở người tiêu dùng, lừa đảo để quảng cáo sản phẩm, bán hàng trục lợi...
Hiện tượng quảng cáo mạo danh các cơ quan báo chí, lợi dụng uy tín của các đài truyền hình bằng việc cắt ghép hình ảnh, logo, chèn hình ảnh MC, BTV... nhằm đánh lừa người tiêu dùng để bán hàng trục lợi...đang diễn ra ngày càng phức tạp. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên không dễ kiểm soát bởi chúng được dàn dựng hết sức tinh vi, thậm chí có cả những phóng sự, clip thực hiện khá bài bản cứ như phóng viên Đài truyền hình đang giới thiệu sản phẩm thật. Vấn đề này, nếu không có những chế tài đủ mạnh thì sẽ để lại những hậu quả xấu cho người dân, người tiêu dùng và cho toàn xã hội. Báo Nhà báo và Công luận đã tìm hiểu thực trạng này.
Tràn lan các “bản sao” giả mạo các Đài Truyền hình
Thời gian gần đây trên mạng xã hội và một số website liên tục xuất hiện các đoạn clip ngắn đóng mác phóng sự, hoặc chương trình truyền hình, quảng cáo ngắn sai sự thật, được lồng ghép tinh vi hòng quảng cáo trục lợi từ việc bán sản phẩm... Với đặc điểm chung của các clip này là có người dẫn chương trình với gu ăn mặc chỉn chu, phông nền hoặc logo nhận diện, thiết kế cũng giống những kênh truyền hình nổi tiếng của các đài truyền hình lớn. Nếu không tinh mắt và quan sát kỹ sẽ rất dễ bị nhầm lẫn là “hàng thật” nhưng thực tế đó là những kênh mạo danh nhằm mục đích phát đi quảng cáo về những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc hàng hóa kém chất lượng. Qua theo dõi có thể nhận thấy các đối tượng chủ yếu hướng đến bán các loại sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đông y gia truyền…
Bên cạnh đó, hình ảnh của một số BTV khá nổi tiếng trên truyền hình cũng đã bị một số fanpage cắt ghép, các bác sĩ nổi tiếng cũng được chèn vào hòng tạo dựng niềm tin đối với người xem. Thậm chí, các trang mạng này còn lấy lại cả logo, hình ảnh của trường quay thời sự và dán thông tin sản phẩm quảng cáo của mình lên đó...Tinh vi hơn, nhiều phóng sự cắt ghép hình ảnh, âm thanh của nhà đài để tạo ra sản phẩm cho mình, nghĩa là cả đoạn clip của nhà đài nhưng không lấy toàn bộ mà cắt nhỏ, lồng ghép clip của đối tượng xen lẫn vào...nhằm che mắt người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Nhà báo và Công luận, hiện nay tình trạng bị mạo danh nhiều nhất có lẽ là chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Theo thông tin từ Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC), thời gian qua, tình trạng giả mạo tài khoản Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đài Truyền hình quốc gia Việt Nam. Bên cạnh việc xác nhận và công bố công khai một số tài khoản giả mạo các đơn vị thuộc VTV như Kênh VTV1, Kênh VTV3, Trung tâm Tin tức VTV24, VAFC cũng khuyến cáo người xem nên cẩn trọng khi tiếp cận các nguồn tin, tránh lan truyền, chia sẻ các thông tin giả mạo. VAFC sẽ phối hợp với VTV chuyển các cơ quan chức năng xem xét để xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cũng theo thông tin mà đơn vị này cung cấp, gần đây nhất có một kênh YouTube đã cắt ghép hình ảnh MC, giả mạo logo Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN) để quảng cáo thực phẩm chức năng An Thần Đan, gây hiểu nhầm cho người xem, ảnh hưởng uy tín của Kênh Truyền hình QPVN. Qua xác minh, VAFC xác nhận, nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng An Thần Đan trong video clip đó không phải do Kênh Truyền hình QPVN thực hiện. VAFC khuyến cáo người tiêu dùng, trước khi mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trên các website, cần thận trọng tìm hiểu kỹ. VAFC sẽ phối hợp với Truyền hình QPVN chuyển vụ việc đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp mới đây nhất cho thấy việc các đối tượng xấu thực hiện các kênh giả mạo các Đài truyền hình uy tín nhằm “đánh lừa” công chúng đang trở thành vấn nạn đáng báo động. Người tiêu dùng trở thành “con mồi” hướng đến của các đối tượng xấu, có hành vi vi phạm pháp luật. Bởi hiện nay đã có nhiều người xem lấy số điện thoại trên clip gọi điện trực tiếp để liên hệ mua sản phẩm và đáng lo ngại là họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền đặt hàng và đinh ninh rằng sản phẩm đã được quảng cáo trên Ti vi, nhất lại là Đài truyền hình Quốc gia thì như chiếc tem bảo hành, mặc nhiên đó là sản phẩm tốt, chất lượng...Không ít người sau khi xem đã tin tưởng vào các bài thuốc, thậm chí cả những bài thuốc “thần kỳ”, chữa bách bệnh...Nhiều người còn giới thiệu cho người thân, bạn bè đến mua mà không hề biết rằng phóng sự này không phải do êkíp của đài truyền hình thực hiện và cũng chưa từng được phát trên bất kỳ kênh sóng nào của Đài Truyền hình Việt Nam.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo
Có thể khẳng định như vậy khi theo dõi các clip, phóng sự mạo danh này. Mặc dù các clip quảng cáo giả mạo chưa từng được phát trên bất kỳ kênh sóng nào của các đài truyền hình, song chúng vẫn được ngụy tạo như một chương trình chính thống rồi xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội và nhiều website để quảng cáo thuốc điều trị bệnh, chữa bệnh…Tất nhiên, trên thực tế, đã từng có nhiều đối tượng bị cơ quan công an triệu tập vì hành vi giả mạo VTV, phát tán thông tin sai sự thật. Tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng với nhiều hình thức khác nhau, ngày càng tinh vi hơn.
Theo các chuyên gia, sự bất chấp đạo đức xã hội, bất chấp quy định pháp luật để đưa những tin giả, tin sai sự thật, mạo danh đài truyền hình để quảng cáo, trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Nếu người quảng cáo gây ảnh hưởng dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình... Thậm chí, xét về mặt đạo đức, đây còn là hành vi của tội ác, bởi chỉ vì lợi nhuận kinh doanh, lợi ích kinh tế mà lừa dối, thu hút người dân mua sản phẩm bất chấp tính mạng của họ.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, về phía khách hàng, trong trường hợp sau khi xem đoạn quảng cáo và tìm đến mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những nơi quảng cáo sai sự thật với số tiền lớn, họ có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa dối khách hàng của cá nhân, tổ chức đó gửi cơ quan công an.
Xét ở một góc độ khác, về phía các cơ quan báo chí, lĩnh vực sở hữu trí tuệ vẫn được coi là lĩnh vực mới mẻ, phức tạp và có nhiều tranh cãi tại Việt Nam hiện nay. Gốc rễ của tình trạng mạo danh là vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với logo, nhãn hiệu và tên thương mại của các Đài Truyền hình nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung. Bởi vậy, điều trăn trở lớn nhất chính là việc nâng cao ý thức pháp luật về nhãn hiệu, bản quyền của xã hội nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng là yêu cầu bức thiết của thực tiễn. Dĩ nhiên, tuyên truyền, phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ không phải việc một sớm một chiều mà mỗi cơ quan báo chí cũng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật thường xuyên, liên tục. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ, từ đó có đủ căn cứ để nghiêm trị theo pháp luật nhằm răn đe, giáo dục đồng thời tránh những hành vi tương tự, bất hợp pháp...
-------------------------------------------
Theo một số chuyên gia, để giải quyết dứt điểm tình trạng mạo danh đài truyền hình để quảng cáo trục lợi thì bản thân các đơn vị bị mạo danh phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn, tăng cường quản lý Nhà nước cũng như cần có những quy định chặt chẽ hơn, tăng mức chế tài xử phạt.
Hiện tượng quảng cáo mạo danh các cơ quan báo chí, lợi dụng uy tín nhà đài của các đối tượng xấu thực chất không phải mới mẻ. Tuy nhiên không dễ kiểm soát bởi chúng được dàn dựng hết sức tinh vi, nếu không có những chế tài đủ mạnh thì sẽ để lại những hậu quả xấu cho người dân, người tiêu dùng và cho toàn xã hội.
Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số - Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: "Hiện nay các nền tảng quảng cáo thông thường như báo chí, truyền hình hay trang tin, mạng xã hội mà các doanh nghiệp vẫn quảng cáo, thì ở bất kỳ đơn vị nào cũng đều có bộ phận kiểm duyệt quảng cáo. Bộ phận kiểm duyệt không đồng ý cho xuất bản một sản phẩm clip gắn logo của một nhà đài nào đó thì không có cách nào họ “lên sóng” được".
Do vậy, ông Chung cho rằng, trong vấn đề này, các nền tảng như: facebook, youtube...sẽ phải tăng cường kiểm duyệt quảng cáo đó. Nhưng quan trọng hơn những đơn vị bị đánh cắp bản quyền đó phải có ý kiến, có phản ánh đến các cơ quan chức năng liên quan.
"Tôi thấy vai trò quan trọng để giải quyết dứt điểm tình trạng này là các lực lượng chức năng, trong đó là sự phối hợp của cả quản lý thị trường, công an, thanh tra các ngành… là những đơn vị có chức năng xử lý hàng lậu, hàng quảng cáo không đúng sự thật. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết để không bị lừa, mua phải sản phẩm không rõ ràng", ông Hoàng Đình Chung chia sẻ.
Còn theo anh N.T.H, một biên tập viên - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thì cho rằng: Thường những đơn vị quảng cáo này làm dịch vụ, đơn vị chuyên làm dịch vụ quảng cáo, những người này tự dựng video, chúng ta vẫn quen gọi là editor. Giả dụ bạn đang có 1 sản phẩm thuốc, thực phẩm giúp giảm béo muốn bán, bạn cần có logo của VTV1 chẳng hạn những editor sẽ làm y nguyên theo yêu cầu của bạn.
“Thông thường đối với đài như chúng tôi, khi phối hợp quảng cáo với một đơn vị, doanh nghiệp nào đó thì bao giờ cũng phải đầy đủ các yêu cầu về giấy tờ theo quy định. Như giấy phép về an toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy phép về nhập khẩu, lưu thông ra thị trường. Thường các thực phẩm chức năng thì do Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y Tế cấp. Ngoài ra, còn phải giấy phép quảng cáo, giấy phép này cũng khá quan trọng, vì trong đó nêu rõ sản phẩm đó như thế nào, công dụng, thành phần… mọi thứ đều rất rõ ràng. Những đơn vị muốn quảng cáo trên đài chúng tôi cũng là những doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm, hiểu được quy định pháp luật về quảng cáo truyền hình”, anh N.T.H chia sẻ.
Khi chế tài xử lý còn chưa đủ mạnh...
Theo tìm hiểu của phóng viên, thường ở các đài lớn sẽ có bộ phận gọi là ban pháp chế hay ban kiểm tra, lực lượng này luôn tăng cường kiểm tra rà soát, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý những đơn vị vi phạm một cách kịp thời xử lý theo quy định. Tuy nhiên hiện nay bộ phận này ở nhiều nhà đài còn mỏng, trong khi lượng kênh lớn, video vi phạm len lỏi ở nhiều nền tảng nên việc quản lý xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chế tài xử lý còn chưa đủ mạnh khiến những đơn vị bị hại không mặn mà với việc phản ánh, tố cáo.
Trao đổi về vấn đề này luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương – hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự cho biết, việc gắn logo mạo danh đài truyền hình để quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại mà không được sự đồng ý sẽ là vi phạm pháp luật.
Ngoài mức phạt tiền, người vi phạm còn buộc tháo gỡ quảng cáo, thậm chí là phạt tù. Cụ thể, tại Khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định “quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép” là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Nếu người quảng cáo gây ảnh hưởng dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Luật sư Phương phân tích cụ thể từng mức độ. Theo đó, về xử phạt hành chính với hành vi tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, cắt ghép logo, hình ảnh để mạo danh cơ quan, tổ chức khác có thể bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về “Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định”; “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa đoạn quảng cáo vi phạm”.
Còn đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ thực hiện trong trường hợp người có hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, tùy mức độ, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm...
Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương: “Để giải quyết vấn nạn này, pháp luật cần có những quy định chặt chẽ hơn, tăng mức chế tài xử phạt và đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến với người dân để nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân”.
Có thể nói, thực trạng mạo danh Đài truyền hình để quảng cáo trục lợi đã diễn ra nhiều năm nay nhưng dường như chưa có dấu hiệu giảm hay chấm dứt, thậm chí ngày càng tinh vi và phức tạp. Để giải quyết triệt để cần những giải pháp tổng lực từ vấn đề chế tài cần đủ mạnh, từ sự nỗ lực lên tiếng bảo vệ sở hữu trí tuệ, bản quyền của các đơn vị báo chí, đài truyền hình và cần lắm sự tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề này.