Sở TN-MT vừa trình UBND TP.HCM phương án thu hồi khu đất 'vàng' 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10, TP.HCM) theo đúng quy định pháp luật.

Khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong bị GSG sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai /// Ảnh: SỸ ĐÔNG
Khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong bị GSG sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Như Thanh Niên số ra ngày 26.4 phản ánh, Thường trực UBND TP.HCM đã chỉ đạo thu hồi khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10) khi hết thời hạn thuê đất để xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia; nhưng đến nay thời hạn này đã trôi qua 4 tháng.
Theo quyết định của UBND TP.HCM về việc cho thuê đất, Công ty CP giày Sài Gòn (viết tắt GSG) được tiếp tục thuê khu đất 419 Lê Hồng Phong rộng hơn 10.936 m2 để làm văn phòng, nhà kho và nhà xưởng sản xuất giày, túi xách đến hết ngày 31.12.2020. Tính đến nay, thời hạn thuê đất đã trôi qua 4 tháng.
Trước đó, từ năm 2016, GSG không còn sản xuất ngành nghề theo đúng mục đích được cho thuê đất. Đáng nói, GSG bất chấp quy định pháp luật về đất đai, đã lấy đất được thuê (chỉ với giá “tượng trưng” 100.000 đồng/m2/năm) cho nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân thuê lại để hưởng chênh lệch.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Sở TN-MT và báo cáo của UBND Q.10, sai phạm của GSG kéo dài qua nhiều năm; thậm chí sau khi có quyết định xử phạt và chỉ đạo quyết liệt của Thường trực UBND TP.HCM về việc phải chấm dứt ngay hành vi cho các DN (trong đó có Công ty TNHH Thành Bưởi) thuê làm bến bãi, bởi việc này vi phạm quy định pháp luật về sử dụng đất của nhà nước; nhưng trên thực tế sai phạm vẫn tiếp diễn đến nay.

Năng lực của doanh nghiệp thuê đất “vàng” đến đâu ?

GSG được thành lập ngày 16.7.2004 trên cơ sở cổ phần hóa DN nhà nước Công ty giày Sài Gòn (thuộc Bộ Công nghiệp); đến ngày 26.7.2007 thì đăng ký trở thành công ty đại chúng, chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán từ 20.4.2010.
Sau khi ngừng hoạt động sản xuất vào năm 2016, công ty tái cơ cấu nhưng trong các năm tiếp theo, nguồn thu chủ yếu từ việc cho thuê lại mặt bằng.
Trước ngày hết hạn thuê khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong (ngày 31.12.2020), GSG bất ngờ đổi tên gọi Công ty CP giáo dục G Sài Gòn và lên phương án tăng vốn điều lệ để trả nợ và làm thủ tục xin gia hạn thời gian thuê đất. Đầu năm 2020, khi UBND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch khu đất 419 Lê Hồng Phong sang đất giáo dục để bàn giao cho Q.10 xây trường học đạt chuẩn quốc gia, thì GSG lại chuyển sang định hướng kinh doanh giáo dục. Tháng 7.2020, GSG đổi tên thành Công ty CP giáo dục G Sài Gòn, ngành nghề chính là giáo dục từ nhà trẻ đến THPT, đào tạo nghề, trung cấp và cao đẳng, dịch vụ hỗ trợ giáo dục, cho thuê văn phòng, nhà xưởng...
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Công ty CP giáo dục G Sài Gòn có 3 cổ đông lớn là bà Trần Thủy Tiên nắm giữ 26,7%, bà Nguyễn Thị Xuân Mai nắm giữ 15,63% và ông Nguyễn Đoàn Duy Thanh nắm giữ 9,9%, hơn 100 cổ đông nhỏ nắm giữ 44,8%.
Sau đó 2 tháng (tháng 9.2020), đại hội đồng cổ đông Công ty CP giáo dục G Sài Gòn thông qua nghị quyết về phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 32 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng. Dù giá thị trường của cổ phiếu công ty tại thời điểm tháng 6 và tháng 7.2020 chỉ dao động ở mức 4.000 đồng/cổ phần, nhưng HĐQT Công ty CP giáo dục G Sài Gòn vẫn đề xuất giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ ở mức 10.000 đồng/cổ phần (cao hơn giá thị trường 150%). Sau khi xác định tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược, HĐQT Công ty CP giáo dục G Sài Gòn dự kiến có 3 nhà đầu tư chiến lược tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ gồm: ông Lê Dương (2,8 triệu cổ phiếu), ông Nguyễn Thành Sơn (2 triệu cổ phiếu) và bà Nguyễn Thị Mai (2 triệu cổ phiếu).
Theo tìm hiểu, ông Lê Dương là đại diện pháp luật chi nhánh Công ty TNHH Thành Bưởi Sài Gòn (thuộc Công ty TNHH Thành Bưởi). Dữ liệu từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN cho thấy chi nhánh Công ty TNHH Thành Bưởi Sài Gòn hoạt động từ tháng 4.2020, đăng ký tại địa chỉ số 4 Phan Chu Trinh, P.9, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng.
Báo cáo tài chính của Công ty CP giáo dục G Sài Gòn thể hiện trong giai đoạn khó khăn, ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi, cho vay 9 tỉ đồng, hiện công ty còn nợ ông Thành 3 tỉ đồng. Ngoài ra, cổ đông lớn của công ty là ông Nguyễn Đoàn Duy Thanh cũng cho mượn hơn 17 tỉ đồng. Về phương án sử dụng số tiền 68 tỉ đồng từ tăng vốn điều lệ, Công ty CP giáo dục G Sài Gòn sẽ dành 20 tỉ đồng để trả nợ cho ông Lê Đức Thành và ông Nguyễn Đoàn Duy Thanh. Với 48 tỉ đồng còn lại, công ty bổ sung nguồn vốn làm thủ tục pháp lý xin tiếp tục được thuê đất và giải ngân sửa chữa, cải tạo, mua sắm thiết bị và kinh doanh giáo dục theo phương án xã hội hóa.

Hết thời hạn thuê đất phải giao lại cho nhà nước

Theo báo cáo kiểm toán năm 2020 của Công ty CP giáo dục G Sài Gòn, đơn vị kiểm toán nhìn nhận năm 2020 công ty kinh doanh có lãi 190 triệu đồng, nhưng khoản lỗ lũy kế hơn 70,1 tỉ đồng làm cho nguồn vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán ngày 31.12.2020 bị âm hơn 30,7 tỉ đồng và nợ phải trả gần 36 tỉ đồng. Từ niên độ 2016 đến nay, công ty đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh để tái cơ cấu và tổ chức lại công ty. “Vấn đề này cho thấy sự tồn tại các yếu tố có thể gây nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty”, báo cáo kiểm toán nêu.
Liên quan đến việc cho thuê mặt bằng bên trong khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong, PV Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại và đến trụ sở công ty để trao đổi với người có trách nhiệm, nhưng ông Nguyễn Quốc Đại, Chủ tịch HĐQT Công ty CP giáo dục G Sài Gòn, từ chối làm việc trực tiếp và hẹn trả lời bằng văn bản. Ngày 10.4, PV đã gửi 6 câu hỏi nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, năm 2018, Thanh Niên đã từng vào cuộc phản ánh những sai phạm, khuất tất trong việc GSG sử dụng đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong không đúng mục đích gây nhiều bức xúc trong dư luận. Lãnh đạo Q.10 thời điểm đó đã đặt ra nghi vấn “lợi ích nhóm” trong việc sử dụng đất “vàng” này, đồng thời bày tỏ quan điểm cần sớm thu hồi dứt điểm, giao cho địa phương quản lý, xây dựng trường học, bởi nhiều cụm liên phường của Q.10 chưa có trường THCS, học sinh phường này đi “học nhờ” phường khác.
Trao đổi với PV Thanh Niên về quan điểm xử lý đối với khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ngày 22.4 khẳng định sẽ thu hồi toàn bộ khu đất để giao cho Q.10 xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Về kiến nghị của Công ty CP giáo dục G Sài Gòn muốn đầu tư theo hình thức xã hội hóa, ông Hoan nói TP.HCM hoan nghênh nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, và khuyến khích đầu tư trên khu đất của DN tạo lập. Còn đối với dự án trường THCS tại khu đất 419 Lê Hồng Phong, TP.HCM xác định đây là dự án đầu tư công, xây dựng trên đất công, TP.HCM có nguồn lực thực hiện nên không thể xã hội hóa.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan khẳng định về nguyên tắc, đất công hết thời hạn thuê đất thì phải giao lại cho nhà nước để sử dụng theo đúng quy hoạch. “Mặt khác, DN này (Công ty CP giáo dục G Sài Gòn - PV) không có chức năng làm trường học, nếu không khéo sẽ biến tướng, lấy đất công chuyển mục đích làm chuyện khác không đúng chức năng trường học thì không được. Cho nên dứt khoát phải thu hồi”, ông Hoan khẳng định thêm.
Ngày 26.4, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Sở TN-MT vừa trình UBND TP.HCM phương án thu hồi khu đất “vàng” 419 Lê Hồng Phong theo đúng quy định pháp luật.