Tôi hẹn chú Thọ vào buổi chiều ở ngay trụ sở UBND phường 4, quận 8, TPHCM, nơi chú làm bảo vệ. Hôm trước buổi hẹn, chú còn chủ động liên lạc lại để xác định thời gian. Vừa gặp chú, chú liền bảo “chờ chút”, rồi chạy đi khoác vội chiếc sơ mi trắng tinh, đóng thùng hẳn hoi để “tiếp nhà báo”.
Hy sinh trước thềm thống nhất
Trung úy Nguyễn Đức Thọ (66 tuổi, Lữ đoàn đặc công 316, đơn vị Z23) là một trong những người lính đặc công tham gia trận đánh ngay chân cầu Rạch Chiếc, với nhiệm vụ giữ không cho địch phá cây cầu và mở đường cho xe tăng của quân giải phóng tiến về Dinh Độc Lập những ngày cuối tháng tư cách đây 46 năm.
Chú kể: “Tụi tui ngày thường ém quân chờ lệnh cho tổng tấn công. Đơn vị tôi nhận nhiệm vụ, cùng lúc những nơi khác đồng loạt tấn công. Anh em ai cũng háo hức chờ ngày giải phóng”.
Trong chiến dịch năm ấy, tất cả những ai tham gia đều đeo dải băng đỏ trên cánh tay trái, một ký hiệu để mọi người nhận ra nhau vì đây là trận đánh lớn, trận đánh quyết định, phải phối hợp lực lượng khắp các nơi. Và dải băng đỏ năm ấy, một màu đỏ của niềm tin chiến thắng và cũng là máu đỏ của các anh, các chú, các bác đã hy sinh…
Như câu thơ mà chú Thọ đã viết để tưởng nhớ đồng đội: “Phút thiêng liêng khi nhiệm vụ hoàn thành/Trong đội hình lại vắng mái đầu xanh”.
Trong những ngày cuối cùng áp sát Sài Gòn, Lữ đoàn đặc công 316 là đơn vị hy sinh nhiều nhất, 52 đồng chí đã ra đi cận kề giờ phút chiến thắng, họ đã mãi nằm lại nơi vàm Rạch Chiếc trước thềm độc lập.
“52 anh em đã mất, nhưng chỉ tìm được 9 người thôi. Còn lại thì nước ròng nước lớn ngày 2 lần, nên thi thể có thể trôi đi hoặc đã lắng sâu xuống đáy sông, không tìm thấy”, chú Thọ lắng lòng.
Thủ trưởng của Lữ đoàn đặc công 316 lúc đó, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn đặc công 316, kể lại: “Nhiều lúc vô đơn vị, tui hay nói với tụi nó, ghi sẵn lên áo bốn chữ “coi như chết rồi” thì không còn sợ làn tên mũi đạn, không sợ cái chết nữa. Mà hồi đó, tụi nó trai trẻ mười tám, hai mươi có biết sợ gì đâu, đứa nào cũng chiến đấu chỉ mong ngày giải phóng, đứa nào cũng dũng cảm lắm”.
Chiến tranh hy sinh, mất mát là điều không thể tránh khỏi, trận cầu Rạch Chiếc đánh từ tối 27 đến 30-4, trận đánh lớn nhất và gần Sài Gòn nhất, người lính đặc công năm ấy cũng ra đi với tinh thần hiên ngang nhất. “Hồi đó, đang đi học rồi tình nguyện nhập ngũ, lên đường vào Nam. Bao nhiêu người tình nguyện, bao nhiêu người hy sinh thì mình có là gì đâu. Lúc đó, chỉ mong ngày giải phóng rồi trở về nhà, dù chỉ một ngày bình yên trọn vẹn là đủ, vì mục tiêu là bảo vệ Tổ quốc mà”, cựu chiến binh Lại Ngọc Trãi (Lữ đoàn đặc công 316) chia sẻ.
Trung úy Nguyễn Đức Thọ, người trở về sau ngày chiến thắng oanh liệt, giờ lặng lẽ với mưu sinh nhưng trong lòng vẫn đau đáu về đồng đội: “Hòa bình, mình còn sống để trở về là đủ rồi! Đền ơn đáp nghĩa hay công nhận danh hiệu này kia, tui không nghĩ đến đâu, vì lúc đó ai cũng chỉ mong ngày chiến thắng, hòa bình cho đất nước. Có danh hiệu thì tui cũng chỉ dành cho đồng đội, vì nhiều anh em đã nằm xuống mà không tìm thấy thi thể”.
Viết tiếp cho hôm nay
Những vòng hoa trắng đặt trước bia tưởng niệm ở chân cầu Rạch Chiếc cùng nén hương nghi ngút khói, những người lính mái đầu bạc gần hết, kính cẩn tưởng nhớ đồng đội xưa.
Một chút nghèn nghẹn, chú Trãi kể với tôi: “Đánh từ tối 27, tới tối 28 tôi về cứ, vừa mệt vừa đói. Tôi với một ông bạn trong Z23 nói với nhau, còn trận ngày mai, ngày mốt nữa, chưa biết ai còn ai mất, nếu tôi mất thì sau này ông giỗ tôi, còn ông mất thì tôi giỗ ông. Chúng ta may mắn trở về thì sau này nương nhau mà sống”.
Hôm đến thăm bác Tư Cang, tôi hỏi: “28-4 này, bác có ra cầu Rạch Chiếc không?”. Giọng ông đã ngoài 90 mà vững chãi lắm: “Đi chứ sao không mày, tụi nó thuộc đơn vị của tao mà”. Những người lính năm ấy, những người may mắn trở về, mãi không quên đồng đội.
Ngày 28-4 mỗi năm, các chú, các bác lại ra cầu Rạch Chiếc để làm giỗ cho đồng chí, đồng đội một thời. Không chỉ là câu chuyện nghĩa tình của những người từng chiến đấu chung đơn vị, chứng kiến sự ra đi của đồng đội năm ấy, đó dường như là một vết sẹo vô hình mà chú Thọ mãi không quên: “Mỗi lần sắp tới ngày giỗ lại mơ thấy anh em, giấc mơ y hệt ngày đó, ai nấy trai trẻ, không hề biết sợ chết. Đặc công nước mà, lội sông ào ào, khỏe lắm”.
Những lần tôi ngồi cùng chú Thọ, những câu chuyện mà chú kể chỉ có đồng đội và mọi thứ kết nối bởi một sợi dây tình cảm thiêng liêng, vô hình nào đó.
“Một ông bạn cũng trong Lữ đoàn đặc công 316 ở Sóc Trăng, mất mấy năm trước, tui cũng tìm xuống tận nhà, không hiểu chuyển dời làm sao mà mộ phần thất lạc. Một ông nữa ở Phú Yên cũng mới mất, tui cũng ra ngoài đó tiễn ổng…”, chú Thọ giọng buồn.
Nói về mình, chú chỉ đơn giản thế này: “Lúc trở về sau đại thắng, tui không bị thương tích gì ở tay chân, chỉ bị sức ép của hỏa lực hất tung cả bụi dừa nước bay lên, tui cũng bị cuốn theo. Sau này di chứng cột sống đau ghê gớm, điều trị ở bệnh viện hơn 1 năm trời. Sau khi lành, tôi bắt đầu làm giấy tờ để anh em được ghi nhận công ơn, rồi tìm tới nhà người này người kia để kết nối lại. Nửa đêm mà anh em cần, gọi một cuộc điện thoại là xa mấy tui cũng tranh thủ tới liền. Đi như vậy mà khỏe re, không có thấy mệt mỏi, đau bệnh gì hết”.
Ngày 27-4, trước cái hẹn hàng năm của các chú, các bác, tôi xin được cùng chú Thọ ra thắp nhang tại bia tưởng niệm dưới chân cầu Rạch Chiếc. Nếu không đến đây, nghe các câu chuyện, thế hệ trẻ như tôi khó mà hình dung hết sự mất mát của chiến tranh và giá trị thiêng liêng của hòa bình, điều mà bác Tư Cang tâm niệm: “Hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ nhưng mà thế hệ hôm nay, mai sau cũng đừng quên chúng ta vẫn còn chủ quyền trên biển đảo nữa”.
Từng vòng hoa được thả theo con nước… hy vọng an ủi phần nào vong linh những người lính đã mãi nằm lại trong trận đánh năm ấy, nơi vàm Rạch Chiếc. Trong lúc cùng chú Thọ thắp nén nhang trước bia tưởng niệm ở chân cầu Rạch Chiếc, tôi bắt gặp vài người dân cũng đến viếng.
“Cũng phải mười mấy năm rồi, năm nào tôi cũng ra đây thắp nhang cho các chú. Mình là thế hệ sau này, thắp nén nhang để tri ân và tưởng nhớ công ơn người ngã xuống. Còn trận đánh lịch sử nơi này, có nhiều sách và báo đài đã viết”, anh Lê Phúc Hiền (43 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ.
Là người thường xuyên tìm tư liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu sau bậc đại học chuyên ngành lịch sử, khi cùng trao đổi về những hy sinh, mất mát để có được ngày thống nhất, anh Tấn Duy (26 tuổi) chia sẻ: “Những nhân chứng và câu chuyện như thế này mới chính là yếu tố chạm vào trái tim của người khác, bởi họ là người đi qua cuộc chiến. Đó là sự thật hơn hết thảy. Mỗi lần cùng các chú, các bác viếng nghĩa trang, nhà tưởng niệm để tưởng nhớ đồng đội, tự nhiên sẽ thấy trái tim mình rưng rưng, hiểu được vì sao mà có một thời, một thế hệ đã dũng cảm chiến đấu, để rồi hòa bình, lại nghĩa tình với đồng đội như thế”.
Với công việc của một người cầm bút, tôi từng nghe những ý kiến: “Sao phải nhắc hoài về quá khứ, hiện tại và tương lai chẳng phải hơn sao?”. Khó có thể tranh luận đúng hay sai, nhưng cũng là một người trẻ, tôi nghĩ mình cần phải kể và viết về những ký ức hôm qua đã làm nên giá trị hòa bình, độc lập hôm nay. Nếu chúng ta không viết, không nói thì làm sao người trẻ hôm nay hiểu một cách đầy đủ về ngày hôm qua. Hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc này, đâu phải tự nhiên mà có được…
Khi tôi xin phép sẽ đi cùng bác Tư Cang và các chú đến thắp nén nhang cho những người đã khuất ở chân cầu Rạch Chiếc vào sáng 28-4, bác Tư gật đầu, cười: “Đi được là quý lắm con. Đi để có vốn sống, có vốn mà viết về lịch sử”. Thật vậy, nếu chê sách vở quá khô khan câu chữ thì những địa điểm, những con người như vầy là một câu chuyện lịch sử giá trị và chân thật hơn bao giờ hết… Thời gian có quy luật của nó, cũng không biết sẽ còn được bao nhiêu ngày 30-4 có đủ các bác, các chú, nên mỗi giây phút trôi qua cũng sẽ là giá trị cho mai sau. |