Tới dự và phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế lao động tổ chức sáng 28-4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Công đoàn Việt Nam tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện “Tháng công nhân”, giải quyết những vấn đề công nhân, người lao động quan tâm, bức xúc.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung giải quyết những vấn đề người lao động đang bức xúc ảnh 1
Văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sáng 28-4 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1886 – 1-5-2021), đồng thời phát động “Tháng công nhân” và phối hợp với Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn - vệ sinh lao động phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung giải quyết những vấn đề người lao động đang bức xúc ảnh 2
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân thế giới, trong đó có đóng góp của giai cấp công nhân Việt Nam và ý nghĩa to lớn của Ngày Quốc tế lao động 1-5. 

Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.

Năm 2021 cũng là năm thứ 10 các cấp công đoàn triển khai “Tháng công nhân” theo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Cũng theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hoạt động "Tháng công nhân" qua 9 năm tổ chức đã dần đi vào chiều sâu, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là những lao động yếu thế, gặp nhiều khó khăn, công nhân tại các khu công nghiệp. 

Qua các chương trình “Mái ấm công đoàn”, “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”, “Phúc lợi đoàn viên”... số công nhân, lao động được chăm lo ngày càng nhiều hơn, tăng dần qua từng năm. Đến nay đã có hàng chục triệu lượt công nhân, lao động được thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe… trong dịp "Tháng công nhân" với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã phát động "Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021" với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và tham gia của an toàn vệ sinh viên”. 

Tại buổi lễ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ LĐTBXH đã có nghi thức phát động “Tháng công nhân” và “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2021”.

Triển khai "Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2021", Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; triển khai các phong trào thi đua và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19.

Năm 2021 là năm thứ 2 "Tháng công nhân" và "Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động" được đồng thời phát động nhằm tăng cường nguồn lực, sức mạnh, giúp hoạt động được gắn kết, hướng tới hiệu quả thiết thực.

Phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi lời thăm hỏi đến toàn thể cán bộ công nhân, viên chức và người lao động trên cả nước. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung giải quyết những vấn đề người lao động đang bức xúc ảnh 3
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Công đoàn Việt Nam cần đổi mới cách thức hoạt động, đi sâu, đi sát với đời sống của đoàn viên, công nhân lao động, “vui với niềm vui của người lao động, buồn với nỗi buồn của người lao động”. Công đoàn cần có cách làm sáng tạo, hiệu quả hướng tới thực hiện nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân lao động. 

Chủ tịch nước cũng yêu cầu các cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, doanh nghiệp định kỳ tổ chức gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với công nhân, lao động, giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân quan tâm, bức xúc, trong đó tập trung giải quyết những tồn tại nhiều năm như vấn đề nhà ở của công nhân, khu công nghiệp, nhà trẻ, trường học, văn hoá giải trí... Cần có sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp với công đoàn để thực hiện có hiệu quả các thiết chế công đoàn. 

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Công đoàn Việt Nam tổng kết, đánh giá toàn diện, chính xác kết quả 10 năm thực hiện “Tháng công nhân” để thực hiện hiệu quả hơn trong những năm tới và triển khai sâu rộng cuộc vận động thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, người lao động.

“Khơi dậy trong đoàn viên lao động cả nước tinh thần đổi mới, sáng tạo, khát khao cống hiến”- Chủ tịch nước nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu công đoàn biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có sáng kiến, thành tích nổi bật, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.

Chủ tịch nước cũng kêu gọi công nhân, người lao động cả nước không lơ là với dịch Covid-19, thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay để cùng cả nước thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.