Chiều 28/4, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam - Skilling up Việt Nam".

Phát biểu tại lễ phát động, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Trương Anh Dũng nêu rõ: "Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy sự phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, nhất là lao động có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội. Ngày nay, kỹ năng lao động, kỹ năng nghề được coi là yếu tố tạo nên sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia".

Theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng dự báo 20 - 30 năm nữa, thị trường lao động sẽ có sự thay đổi; nhiều ngành nghề mới ra đời, nhiều kỹ năng mới đòi hỏi người lao động phải được trang bị để thích ứng. Kỹ năng nghề hay lao động có kỹ năng là một đơn vị tiền tệ vì đó không chỉ đơn thuần là thái độ trang bị kỹ năng, kiến thức làm việc mà kéo theo đó là vấn đề kinh tế, năng lực cạnh tranh của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Trương Anh Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Trương Anh Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, giải pháp thúc đẩy nguồn lao động có kỹ năng. Bằng chứng rõ nhất là năm 2019, diễn đàn quốc gia về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó, Chỉ thị số 24/CT-TTg 2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động đã được ban hành, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngày 4/10 hàng năm cũng được Thủ tướng Chính phủ quyết định là ngày kỹ năng lao động Việt Nam để tôn vinh, lan tỏa lực lượng lao động có kỹ năng nghề...

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ đối với hoạt động của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong việc triển khai tổ chức cuộc thi này. Đây là cuộc thi có ý nghĩa lớn và lần đầu tiên được tổ chức. Một lĩnh vực mà xã hội chúng ta vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của hoạt động này đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước chúng ta".

Hội Nhà báo Việt Nam hàng năm tổ chức nhiều giải báo chí quan trọng của đất nước, có khoảng 15 giải báo chí có tính quốc gia và toàn quốc. Trong đó giải báo chí viết về kỹ năng lao động Việt Nam là lần đầu tiên Hội Nhà báo tham gia. Hội Nhà báo Việt Nam tham gia cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hội Nhà báo với sự phát triển nguồn nhân lực, một vấn đề rất quan trọng của đất nước.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại lễ phát động cuộc thi. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại lễ phát động cuộc thi. Ảnh: Sơn Hải

“Cuộc thi lần này nhằm khẳng định vị trí vai trò của kỹ năng lao động trong đời sống phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức của người dân của doanh nghiệp và của xã hội về vị trí vai trò của kỹ năng lao động. Vấn đề chúng ta trao đổi hôm nay là vấn đề quan trọng của đất nước, nó liên quan đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, bắt đầu từ nguồn lực là con người”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên nhà báo cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội giáo dục nghề nghiệp. Khẳng định vai trò và giá trị to lớn của kỹ năng lao động trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Tuyên truyền nhằm khẳng định vai trò của kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp trong hội nhập quốc tế.

Từ đó sẽ có thêm nhiều bài viết liên quan đến phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong việc tiếp nhận những thay đổi của khoa học công nghệ với cách mạng 4.0 trong một thế giới đang có biến đổi sâu sắc.

Cùng với đó, tiếp tục nhấn mạnh tuyên truyền việc giáo dục kỹ năng trong nhà trường, trong các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến. Đề xuất các cơ chế chính sách để phát triển kỹ năng lao động trong nước.

Ra mắt các thành viên Ban tổ chức cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải

Ra mắt các thành viên Ban tổ chức cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: “Bên cạnh việc tuyên truyền về kỹ năng lao động, báo chí cũng tập trung tôn vinh những người lao động giỏi, báo chí phải phát hiện và tôn vinh những người lao động có kỹ năng lao động, có nhiều kinh nghiệm trong lao động sáng tạo. Các cá nhân điển hình, xuất sắc trong học tập, lao động công tác”.

Cuối cùng Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn đội ngũ những người làm báo sẽ hỗ trợ Hội Nhà báo Việt Nam cùng với Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp tuyên truyền lan tỏa thật tốt, thật sâu đậm cuộc thi, để cho các cơ quan báo chí, các cấp hội trong cả nước tham gia một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất.

Tại lễ phát động, buổi tọa đàm về nâng tầm kỹ năng lao động đã được diễn ra, các đại biểu tập trung trao đổi kinh nghiệm kiến thức của mình về nâng cao kỹ năng lao động. Ảnh: Sơn Hải

Tại lễ phát động, buổi tọa đàm về nâng tầm kỹ năng lao động đã được diễn ra, các đại biểu tập trung trao đổi kinh nghiệm kiến thức của mình về nâng cao kỹ năng lao động. Ảnh: Sơn Hải

Về hình thức tác phẩm tham dự

a) Loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.

b) Thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký báo chí, bài chân dung, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình.

Tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức thể hiện. Ngoài ra, còn một số vấn đề cụ thể cần lưu ý.

Về điều kiện tham dự cuộc thi:

Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí và các cá nhân quan tâm đến chủ đề cuộc thi là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài (viết bằng tiếng Việt) có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên và đáp ứng các điều kiện đều có thể gửi bài tham dự cuộc thi;

Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả. Số tác giả của một nhóm tối đa là 07 người;

Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo tạo điều kiện động viên, khuyến khích phóng viên, hội viên lựa chọn tác phẩm gửi dự cuộc thi.

Về thời gian và địa chỉ nhận tác phẩm tham dự cuộc thi:

Thời gian nhận tác phẩm: từ ngày 01.5.2021 đến hết ngày 31.8.2021 (theo dấu bưu điện).

Giải thưởng được xét theo từng loại hình báo chí, tổng số giải thưởng bao gồm:

- 04 giải A, mỗi giải 20 triệu đồng;

- 04 giải B, mỗi giải 15 triệu đồng;

- 08 giải C, mỗi giải 10 triệu đồng;

- 12 giải khuyến khích, mỗi giải 05 triệu đồng.

Ngoài ra Ban Tổ chức Cuộc thi có thể xem xét bổ sung thêm một số giải thưởng khác theo đề xuất của Hội đồng Giám khảo.

Mọi tranh chấp, thắc mắc về cuộc thi, quyết định của Ban Tổ chức Cuộc thi là quyết định cuối cùng.