Hòa mình trong ngày hội non sông đất nước, các cử tri trẻ trên cả nước háo hức, hồi hộp chờ đón ngày bầu cử để được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, trực tiếp bầu ra người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào cơ quan quyền lực Nhà nước.
Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho “Ngày hội non sông” tại các địa phương trên cả nước đang được thực hiện với tinh thần khẩn trương.
Với những cử tri trẻ lần đầu được tham gia bầu cử, sự kiện trọng đại bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc hơn.
Tại quận Hà Đông, Hà Nội, Bí thư Quận đoàn quận Hà Đông Hoàng Thị Huyền Trang cho biết, theo thống kê, trên địa bàn có gần 3.000 cử tri trẻ lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu.
Thời gian qua, thực hiện tốt vai trò xung kích của đoàn thanh niên, quận Đoàn đã thực hiện nhiều phần việc, công trình cụ thể nhằm giúp cử tri trẻ nhận biết đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình với lá phiếu bầu cử.
Em Hoàng Minh Hiếu (học sinh trường THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Thông qua chương trình gặp mặt cử tri trẻ của quận Hà Đông diễn ra mới đây, em đã biết thêm về cách thức bầu cử, độ tuổi bầu cử và có thể biết được tầm quan trọng về lá phiếu của mình".
Vui mừng, háo hức và hồi hộp về lần bầu cử đầu tiên, em Nguyễn Thị Phương Nga (học sinh trường THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Với một người học sinh, đang ngồi trên ghế nhà trường, em mong muốn tìm được người đại biểu có thể đổi mới về chính sách về giáo dục để có thể giúp cho các bạn trẻ, tương lai đất nước ngày một tốt hơn".
Em Lường Thị Thùy Linh (học sinh Trường THPT Cư M'gar, Đắk Lắk) cho biết: "Em chưa được đi bầu cử bao giờ. Năm nay em đủ tuổi, đúng thời điểm diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Đây là sự kiện lớn mà 5 năm mới tổ chức một lần, nên em rất háo hức chờ đến ngày được cầm lá phiếu trên tay, thực hiện quyền công dân".
Em Đặng Thị Huyền (sinh viên năm nhất, trường Đại học Công Nghiệp TP HCM) bày tỏ sự vui mừng khi vào ngày 23/5 tới đây, sẽ được đi bỏ phiếu để bầu người đại biểu của nhân dân. Huyền chia sẻ: "Là cử tri trẻ thông qua các phương tiện thông tin báo chí, em hiểu rõ hơn nữa về tầm quan trọng của sự kiện chính trị trọng đại này, giúp em nhận thức rõ được vai trò trách nhiệm cử tri đối với lá phiếu của mình, đây là lá phiếu đầu tiên nên em sẽ nghiên cứu thật kỹ danh sách ứng cử viên để lựa chọn ra người xứng đáng nhất".
Em Ma Quang Linh, sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (Hà Nội) háo hức và mong chờ tới ngày này. Linh cho biết, vào ngày hội toàn dân, Linh sẽ bỏ phiếu ở địa phương là xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang: “Đây là lần đầu em được đi bỏ phiếu vì cách đây 5 năm trước em chưa đủ tuổi. Lần này được đi bỏ phiếu em cảm thấy rất là tự hào vì đây là nghĩa vụ cũng là quyền lợi của công dân trên 18 tuổi của nước Việt Nam".
Em Chẩu Thu Phương (21 tuổi), sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Thái Nguyên) chia sẻ: "Qua tìm hiểu em đã ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của bản thân trước ngày hội của toàn dân. Vì thế, đã chủ động tìm hiểu thông tin các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đây chính là cơ sở để em lựa chọn ứng cử viên khi đi bỏ phiếu".
Với trọng trách và niềm tự hào của cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu, các cử tri trẻ cùng với cử tri cả nước sẽ bầu ra được những đại biểu thực sự xứng đáng, thực sự xuất sắc, đủ đức đủ tài, ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình trước nhân dân, trước đất nước.
Đây cũng là điều mong muốn của các bạn trẻ gửi trọn niềm tin vào các đại biểu thông qua từng lá phiếu của mình.
Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, công dân từ đủ 18 tuổi tính đến ngày bầu cử 23/5/2021 sẽ được xác định là đủ tuổi để được ghi vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Do đó, Ngày hội non sông sẽ có rất nhiều cử tri đủ 18 tuổi lần đầu được cầm lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ trong ngày hội toàn dân.
Theo quy định của pháp luật cách tính tuổi công dân để đi bỏ phiếu, tuổi của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ấn định.
Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào thông tin ghi trong Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử. Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng sinh dương lịch của năm sau.
Trong trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.