Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Tham dự còn có lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các chuyên gia, nhà khoa học…
Tìm kiếm giải pháp đột phá
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gợi ý một số vấn đề thảo luận. Đồng chí khẳng định, đây là hội thảo quan trọng để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan Trung ương và địa phương về những giải pháp lớn phát triển TPHCM; là cơ sở để đặt ra những yêu cầu đối với đơn vị tư vấn lập quy hoạch phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin, trong hơn 45 năm qua, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2019, GRDP của TPHCM tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước. Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, TPHCM vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng và vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn TPHCM đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020.
“Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có hiệu quả và khẳng định một lần nữa sức mạnh nội tại của nền kinh tế TPHCM”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Với những điểm sáng nêu trên, đồng thời quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đã chủ động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và đề ra mục tiêu trung và dài hạn.
Để triển khai hiệu quả những định hướng đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM nhận thức cần phải phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của TPHCM. Đồng thời, tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển TPHCM trong bối cảnh mới và cụ thể các mô hình, giải pháp này như là một đầu bài trong nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, việc tổ chức hội thảo hôm nay là một trong số nhiều giải pháp để TPHCM lắng nghe các ý kiến, hiến kế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của TPHCM, đưa TPHCM hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Với tinh thần cầu thị, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng mong muốn nhận được nhiều góp ý, hiến kế về nhiệm vụ lập quy hoạch TPHCM; làm thế nào để công tác quy hoạch lường hết những khó khăn, thách thức của dịch bệnh tác động đến tăng trưởng kinh tế TPHCM. Ngoài ra, các quan điểm, chiến lược, định hướng phát triển của TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần được định hình và thể hiện như thế nào để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội…
Đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng theo chiều sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, hội thảo đã nhận được hơn 80 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường Đại học, các sở ngành, quận huyện, Bộ tư lệnh Quân Khu 7, các doanh nghiệp gửi về.
Các tham luận đề cập đến khát vọng, triển vọng phát triển kinh tế TPHCM giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung các bài viết thể hiện sự phát triển của TPHCM cần theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh, trong đó cần tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đồng thời, định hướng cơ cấu kinh tế TPHCM trên quan điểm kinh tế vùng, thể hiện vai trò hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ.
Các tham luận khẳng định chỉ có con đường phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp để đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng theo chiều sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đưa ra triển vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo và mô phỏng kinh tế - tài chính bằng việc phát triển điện toán lượng tử hay ứng dụng AI vào triển khai đô thị thông minh, xã hội số.
Ngoài ra hội thảo cũng ghi nhận một số định hướng chiến lược về phát triển TP Thủ Đức, xứng tầm là cực tăng trưởng mới của một “thành phố trong lòng thành phố” và trong mối liên kết các đô thị vùng Đông Nam bộ. Cùng với đó, hội thảo cũng ghi nhận một số bài tham luận đề cập đến kinh tế tuần hoàn, trong đó gợi ý một số chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại TPHCM hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đây là nguồn tài liệu quý giá bước đầu để TPHCM làm dữ liệu đầu vào, phục vụ cho nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Chiếc áo chật" hạn chế sự năng động sáng tạo của TPHCM
Trong đó, TS Trần Du Lịch cho rằng, giữ vững vị thế, vai trò đầu tàu của TPHCM là vấn đề mang tầm quốc gia chứ không phải chuyện riêng của TPHCM. Theo TS Trần Du Lịch, Việt Nam có phát triển được hay không, nằm ở chỗ có, hay không, tận dụng được động lực này – phát triển đầu tàu TPHCM.
Trước thực tế TPHCM đang giảm dần tốc độ tăng trưởng, TS Trần Du Lịch cho rằng TPHCM phải xem lại khả năng chống chịu trước những khả năng bất thường của kinh tế. Bất cập lớn nhất vẫn là hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng – mà theo TS Trần Du Lịch là quá chậm trễ để giải quyết bài toán liên vùng để phát triển. Đây là đô thị đặc biệt, có nhiều lần có cơ chế đặc thù nhưng vẫn là chiếc “áo chật”, hạn chế khả năng năng động sáng tạo của TPHCM.
Để TPHCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, TS Trần Du Lịch cho rằng, trong 10 năm tới TPHCM cần duy trì tốc độ tăng trưởng gấp 1,2-1,5 lần mức bình quân cả nước. Hoạt động kinh tế phải là hoạt động mang tính thị trường nhất cả nước, nếu không sẽ không còn năng động.
“Theo tôi, vấn đề đột phá là giao thông kết nối vùng. Tôi rất buồn là chúng ta đã quy hoạch đường vành đai 1-2-3-4 nhưng đến nay chưa cái nào hoàn thành. Đường bao nhiêu mét đã có hết trong quy hoạch. Nhưng thực tế đến nay… chưa cái nào hoàn thành! Với giao thông thế này đừng bao giờ nói liên kết vùng. Nếu không đột phá cái này để phát triển vùng, thì TPHCM sẽ bị bó và không phát triển được”, TS Trần Du Lịch nói.
Liên quan cơ chế đặc thù, ông cho rằng TPHCM không cần cơ chế đặc thù mà cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị, để TPHCM được phát huy tính năng động sáng tạo, phát huy được vai trò của mình, giữ được vị trí đầu tàu.
Phân tích các thách thức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng góp ý, quy hoạch chung của TPHCM được quy hoạch từ năm 2010, đã đến lúc cần nghiên cứu và điều chỉnh quy hoạch. Về hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải đô thị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận xét, TPHCM đã xác định rõ mục tiêu, vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ đồng hành với TPHCM để TPHCM đạt được mục tiêu phát triển đề ra.
Mục tiêu trung và dài hạn của TPHCM Đến năm 2025, TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Đến năm 2030, TPHCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. |