Ngày 5-5, Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành Kế hoạch triển khai "Chương trình chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2025".
Theo đó, ngành giáo dục và đào tạo TP xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của TP.
Cụ thể, Sở GD-ĐT TPHCM xác định, chuyển đổi số sẽ giúp giáo dục TPHCM thay đổi cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng đến quản lý công việc trên nền tảng công nghệ số. Ngoài ra, thay đổi còn tác động trực tiếp đến đối tượng và các dịch vụ cung cấp của ngành, từ các dịch vụ giáo dục truyền thống sang dịch vụ giáo dục số.
 
Triển khai Chương trình chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM ảnh 1
Một giờ học tại phòng vi tính của học sinh Trường THCS Tân Bình (quận Tân Bình)

Người học sẽ được đa dạng các hình thức, giải pháp tiếp cận nhu cầu “cần gì học nấy”, “học mọi lúc - mọi nơi”, đảm bảo mọi công dân đều được học tập suốt đời, hướng đến xây dựng xã hội học tập.

Để thực hiện các mục tiêu đó, trong giai đoạn 2021-2025, TP sẽ triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục TP gồm: Cơ sở dữ liệu kết nối giúp liên thông hệ thống thông tin các trường trong TP, đồng thời sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để quản lý hoạt động giáo dục.               
Theo Sở GD-ĐT TP, mục tiêu đến năm 2025, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị (từ quản lý học sinh, giáo viên, cán bộ đến quá trình học tập, thời khóa biểu, cơ sở vật chất, thu học phí không dùng tiền mặt...) đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành.

Bên cạnh đó, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet.  100% học sinh, sinh viên TP được tiếp cận internet và kho học liệu trực tuyến (giáo trình, bài giảng, học liệu số) và hệ thống dạy - học trực tuyến dành cho các trường phổ thông trên địa bàn TP.

Song song đó, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, kết hợp học trên lớp và học trực tuyến), kiểm tra - đánh giá; tập trung chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, xây dựng nền quản trị giáo dục thông minh góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. 

Dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo hướng tới việc cung cấp dữ liệu mở cũng như kết nối đến cổng dữ liệu mở của TP, đảm bảo tính linh hoạt và thích ứng cao.

Theo đó, dữ liệu của ngành giáo dục và đào tạo TP gồm các thành phần chính như: Hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục tập trung; Hệ thống quản lý định danh và xác thực người dùng tập trung tiến tới phục vụ dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; Kết nối thanh toán điện tử; Kết nối dịch vụ bưu chính để chuyển phát hồ sơ; Cung cấp thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính; Tích hợp, cung cấp dữ liệu giáo dục và liên thông các hệ thống thông tin.

Ngoài ra, toàn ngành sẽ triển khai hệ thống chữ ký số, chữ ký điện tử, phát triển các nền tảng siêu ứng dụng di động trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, hướng tới mạng xã hội dịch vụ giáo dục.

Toàn ngành sẽ xây dựng hệ sinh thái số, phát triển Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh, đẩy mạnh triển khai các đề án “Trường học thông minh - Trường học không tiền mặt”, "Xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại", xây dựng nền tảng số nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến...