Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công" trước tình hình dịch bệnh phức tạp.

Dịch bệnh phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh chuyển trạng thái phòng ngự sang tấn công - Ảnh 1.
Thủ tướng cho rằng phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động - Ảnh: Chinhphu.vn

Thông tin được nêu ra trong thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 5-5.

Về tình hình phòng chống dịch là nội dung được ưu tiên tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với nhận định chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình, song nguy cơ dịch bệnh là rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Tuy vậy, từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường hơn, hậu quả nặng nề hơn và xử lý khó khăn hơn, việc nhập cảnh, cư trú trái phép có xu hướng tăng. Trong khi xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, việc quản lý cách ly tập trung, sau cách ly còn bất cập; biến chủng mới của virus SARS-Cov-2 lây lan nhanh.

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện với tinh thần "chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công".

Cùng với việc quán triệt nghiêm các chỉ đạo, Thủ tướng cho rằng phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn.

Đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vắc xin và tiêm vắc xin trên diện rộng, trong đó ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra.

Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.

Tăng cường phân cấp, phân quyền từ trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch, song phải làm việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài" và "Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã".

Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhất là "5K+ vắc xin" của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong thực hiện, cũng như trong giám sát thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh biểu dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị làm tốt, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Tăng cường thông tin truyền thông trung thực, khách quan, đúng bản chất về công tác phòng chống dịch bệnh và hiệu quả đã đạt được để nhân dân biết, yên tâm và tích cực tham gia trong phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh xảy ra.

"Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19", Thủ tướng nhấn mạnh huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch.

Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn

Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: "Bên cạnh những tín hiệu tốt, tích cực, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều lo lắng, đề nghị các thành viên Chính phủ nhận thức rõ vấn đề này. Mỗi bộ, mỗi ngành, địa phương phải chủ động, tích cực xử lý những vấn đề còn hạn chế".

Theo đó, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí trong quản lý nhà nước để tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.

Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung xử lý sớm 12 dự án yếu kém, thua lỗ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các dự án tăng cường đầu tư cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và các khu vực kinh tế trọng điểm.