Có khoảng 100 triệu người hâm mộ K-pop trên khắp thế giới. Trong ảnh là những khán giả đủ mọi màu da tại lễ hội KCon New York năm 2019 - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Variety, họ được tổ chức phi lợi nhuận Gold House ghi nhận vì vận động quần chúng hiệu quả cho các hoạt động chính trị và xã hội khắp thế giới.
Biến sự cuồng si thành sức mạnh
Đứng chung hạng mục Hoạt động xã hội, vận động chính sách và chính trị với họ là những nhân vật uy tín, trong đó có bà Kamala Harris - phó tổng thống nữ, da màu và gốc Á đầu tiên của nước Mỹ.
Còn ở các hạng mục khác trong top 100 có nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink, đạo diễn gốc Hoa Chloé Zhao (vừa đoạt giải Oscar), Simu Liu (diễn viên Marvel), Lee Isaac Chung (đạo diễn Minari); các nhân vật gốc Việt như Kelly Marie Tran (diễn viên Disney), đạo diễn Bao Nguyen, đầu bếp Christine Ha...
Trở lại với cộng đồng hâm mộ K-pop, họ đã làm gì?
Khán giả yêu K-pop chủ yếu thuộc thế hệ Y và thế hệ Z - Ảnh: UNSPLASH
Trước đây, cộng đồng hâm mộ K-pop thường vấp phải cái nhìn thiếu thiện cảm từ dư luận do thường thể hiện lòng hâm mộ với thần tượng một cách cuồng si, thái quá, thậm chí độc hại. Nhưng, bước vào thế hệ Z, cộng đồng này dần cải thiện hình ảnh khi thể hiện lòng hâm mộ thông qua những hoạt động xã hội tích cực.
Theo Reuters, cộng đồng hâm mộ K-pop đã sử dụng chính quân số đông đảo của mình để làm rất nhiều thứ từ kiến nghị cứu rừng, góp phần tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, quyên góp tiền mặt cho nạn nhân thiên tai, quyên tiền cho phong trào Black Lives Matter ở Mỹ, cho công tác phòng chống COVID-19...
Cộng đồng hâm mộ K-pop ở Philippines dùng mạng lưới rộng lớn của mình để chung tay hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đại dịch năm 2020 - Ảnh: Rappler
"Trẻ tuổi và am hiểu công nghệ, những người hâm mộ K-pop đã sử dụng sức mạnh về truyền thông xã hội của mình để thực hiện các mục tiêu xã hội, chính trị" - Reuters viết.
Nữ sinh viên 21 tuổi Nurul Sarifah (người Indonesia) thành lập phong trào chống biến đổi khí hậu, bảo vệ động vật hoang dã Kpop4Planet hồi tháng 1. Cô cho biết người hâm mộ K-pop hiện nay chủ yếu thuộc thế hệ Y và thế hệ Z, những người đã được giáo dục để hiểu rằng họ có thể tự đấu tranh cho tương lai mà mình mong muốn.
Các thành viên của tổ chức Kpop4Planet cùng cộng đồng fan BTS trồng rừng ngập mặn ở Indonesia nhân sinh nhật thứ 26 của ca sĩ Jimin (BTS) - Ảnh: KPOP4PLANET
Hôm 17-4, Surifah trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ: "Hiện có khoảng 100 triệu fan K-pop trên khắp thế giới, ở những nơi chịu tác động khác nhau của biến đổi khí hậu. Do đó, thay vì hoạt động riêng lẻ theo từng câu lạc bộ, việc hợp lực lại dưới danh nghĩa người hâm mộ K-pop, theo chúng tôi, sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng lớn để cải thiện môi trường".
Sarifah hâm mộ nhóm nhạc nam EXO và cô mong muốn làm điều gì đó để có thể "thưởng thức K-pop trên một hành tinh đáng sống". Người hâm mộ cũng được truyền lửa từ chính những hành động đẹp của thần tượng, khi các ngôi sao K-pop trực tiếp quyên góp cho trại trẻ mồ côi hay đi trồng cây.
Tháng 12-2020, nhóm nhạc nữ Blackpink từng gây tiếng vang toàn cầu khi phát video nâng cao nhận thức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu. Hội nghị dự định tổ chức tháng 11-2020 nhưng về sau dời sang tháng 4-2021 và tổ chức trực tuyến.
Blackpink kêu gọi 60 triệu người đăng ký kênh YouTube của họ tìm hiểu thêm về các hành động chống biến đổi khí hậu. Với thế hệ Z, lời kêu gọi này từ các cô gái có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, cộng đồng hâm mộ Army của nhóm nhạc nam BTS đã trồng hàng chục nghìn cây xanh ở nhiều nước, từ Hàn Quốc đến Philippines.
Army cũng gây quỹ cho các cộng đồng dân cư bị lũ lụt ở bang Assam của Ấn Độ năm 2020, ủng hộ những người bị tấn công bằng axit và tấn công tình dục. Mới đây nhất, ngày 26-4, Army quyên tiền chống COVID-19 ở Ấn Độ.
Niềm tin vào thế hệ trẻ yêu K-pop
Cộng đồng hâm mộ K-pop đang dần trở thành danh từ tích cực khi họ đã và đang có những hành động tuyệt vời vì hành tinh và vì con người.
Theo Reuters, người hâm mộ K-pop ngày nay hiểu được mối liên kết mạnh mẽ giữa chính họ. Khán giả của K-pop trải dài từ châu Á sang Bắc Mỹ, Mỹ Latin, châu Âu và châu Úc. Cùng nhau, họ sẽ làm được nhiều điều khó tin vượt lên trên các biên giới và thế hệ.
Kim Na Yeon - nhà hoạt động xã hội 15 tuổi của Hàn Quốc kiêm người hâm mộ nhóm nhạc NCT Dream - nhận định: "Là fan K-pop lâu năm, tôi biết cách mọi người hội tụ và vận động trực tuyến. Chúng tôi dùng kỹ năng ấy để thực hiện các chiến dịch của mình".
Niềm hâm mộ chung dành cho các nhóm nhạc, ca sĩ K-pop cũng giúp thế hệ Z có tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng. Họ cởi mở và hướng ngoại trên mạng xã hội, tạo nên những mối liên kết bền chặt để hoạt động xã hội quy mô lớn.
Diễn viên Kelly Marie Tran, đạo diễn Bảo Nguyễn và đầu bếp Christine Hà - Ảnh: GOLD HOUSE
Người gốc Việt vào top 100 người châu Á có ảnh hưởng
Có mặt trong danh sách 100 người châu Á có ảnh hưởng của tổ chức Gold House, đạo diễn Bảo Nguyễn tự hào chia sẻ thông tin này. Anh từng làm phim tài liệu Be Water, phim ngắn kêu gọi chống bạo lực với người gốc Á.
Nữ diễn viên Kelly Marie Tran là gương mặt quá quen thuộc với khán giả Việt Nam qua các bộ phim bom tấn của Disney như Star Wars: The Last Jedi và The Rise of Skywalker, lồng tiếng vai chính trong phim hoạt hình Raya and the Last Dragon.
Đầu bếp Christine Hà là quán quân chương trình MasterChef Mỹ năm 2012 và là người khiếm thị đầu tiên tham dự chương trình này.