Tại buổi tiếp xúc với cử tri TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông tin những vấn đề trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng thực hiện trong thời gian tới.
Sáng 8-5, tại hội trường Trường đại học Cần Thơ đã diễn ra hội nghị gặp gỡ và tiếp xúc cử tri giữa những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 1 với cử tri quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền, Cần Thơ.
5 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính, thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận (giám đốc Công an TP Cần Thơ), ông Đào Chí Nghĩa (bí thư Thành đoàn Cần Thơ), bà Dư Thị Mỹ Hân (Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ) và bà Nguyễn Thị Kim Thoa (doanh nhân).
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại TP Cần Thơ là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với ông. Thủ tướng trình bày chương trình hành động với nhiều nội dung gắn với sự phát triển của ĐBSCL và TP Cần Thơ.
Theo Thủ tướng, hiện nay đất nước đang đối diện 4 vấn đề khó khăn gồm: già hóa dân số, tài nguyên cạn kiệt, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bên cạnh an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống đang rất khó lường mà dịch bệnh là một trong số đó.
"Vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là làm sao khắc phục được khó khăn này, phát huy tối đa truyền thống, lịch sử, văn hóa hào hùng của dân tộc", Thủ tướng nói trước cử tri.
Thủ tướng cũng trình bày sẽ phát triển đất nước dựa trên ba trụ cột.
Thứ nhất là con người. Làm sao phát huy cao độ trí tuệ con người.
Thứ hai là làm sao phát huy giá trị thiên nhiên (đất, nước, rừng, biển…). Tài nguyên cạn kiệt, đất đai không sinh ra được, rừng thì bị tàn phá do chiến tranh, do con người và quản lý không tốt. Tài nguyên thiên nhiên chỉ có hạn như thế, làm thế nào để phát triển hiệu quả nhất.
Thứ ba là văn hóa, truyền thống mà lịch sử của đất nước ta có được truyền thống hào hùng.
Chia sẻ về các vấn đề của ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng đây là vùng có nhiều tiềm năng lớn với 20 triệu dân nhưng lại thiếu cơ chế, chính sách để phát triển, vì vậy cần tiếp tục cùng nhau đề xuất cơ chế chính sách phát triển đất nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Thủ tướng cho biết ông vừa có dịp gặp một số nhà khoa học để tìm hiểu về tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của vùng ĐBSCL so với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước.
Theo Thủ tướng, cần cùng nhau tháo gỡ nút thắt hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông và "hạ tầng mềm" (giáo dục, đào tạo về trí tuệ con người) cho ĐBSCL.
"Trước hết chúng ta cùng nhau tháo gỡ một số cơ chế, chúng ta phải sáng tạo, chủ động, tích cực, truyền cảm hứng cho nhân dân, trí thức để phát triển. Phải giải quyết mâu thuẫn giữa tiềm năng rất lớn nhưng cơ chế chính sách hạn hẹp. Đây là mâu thuẫn lớn ở ĐBSCL", Thủ tướng nói.
Về TP Cần Thơ, Thủ tướng cho biết nhiệm kỳ trước ông cũng là ủy viên Bộ Chính trị và Bộ Chính trị khóa trước đã ban hành nghị quyết 59 (năm 2020) về phát triển TP Cần Thơ. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng chúng ta phải tổ chức thực hiện tốt nghị quyết này. Cần Thơ phải là trung tâm của vùng ĐBSCL về chính trị, văn hóa, logistics, dịch vụ.
Thủ tướng cũng nói về câu chuyện thị trường cho nông sản ĐBSCL. Dẫn câu chuyện gạo ST25 vừa bị tranh chấp thương hiệu, Thủ tướng cho rằng việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng, nhưng chúng ta chưa đề cao vấn đề này.
Ngoài ra, cần quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nông sản như lúa, trái cây, tôm; cần đưa khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nông sản; có doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho vật tư nông nghiệp, cũng như đầu ra cho nông sản; có sự tham gia của ngân hàng.
Vì vậy, phải rõ mục tiêu, rõ việc, rõ người mới thực hiện được nghị quyết 59.
"Nếu được tín nhiệm của cử tri thành phố, trước hết tôi là công dân tốt, đảng viên tốt, cán bộ tốt, cùng đảng bộ, chính quyền vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển. Cuối cùng là thành phố năm sau thành quả tốt hơn năm trước, nhân dân năm sau hạnh phúc ấm no hơn năm trước, nhiệm kỳ sau hạnh phúc ấm no hơn nhiệm kỳ trước", Thủ tướng cam kết trước cử tri.
Cử tri Nguyễn Xuân Sinh mong muốn khi đắc cử đại biểu Quốc hội, các ứng cử viên thực hiện tốt chương trình hành động của mình - Ảnh: CHÍ QUỐC
Phát biểu với các ứng cử viên, nhiều cử tri đề nghị nếu trúng cử, các đại biểu Quốc hội quan tâm những vấn đề bức xúc của vùng ĐSBCL, trong đó đặc biệt là đường cao tốc.
Cử tri Nguyễn Xuân Sinh nói: "Tôi mong muốn các ứng cử viên khi đắc cử hãy thực hiện có trách nhiệm với chương trình hành động của mình. Vừa qua có những chương trình hành động rất hay nhưng thực hiện đi vào cuộc sống của từng ứng cử viên rất hạn chế. Tôi thấy một số ứng cử viên hôm nay nêu chương trình phù hợp thực tế ĐBSCL, với Cần Thơ, trong đó có kết hợp với nhiệm vụ, chức năng Đảng, Nhà nước, ngành giao cho mình.
Tôi cũng rất mừng là trong lịch sử thì đây là lần đầu tiên có Thủ tướng đến "vùng trũng nhiều mặt" làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Chúng tôi mong muốn là Thủ tướng và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội nếu đắc cử thì hết sức quan tâm những vấn đề bức xúc của ĐBSCL và Cần Thơ".
"Không lơ là, chủ quan, nhưng không hốt hoảng, mất bình tĩnh"
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thông tin về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 trước khi đi vào trình bày chương trình hành động của mình.
Thủ tướng cho biết sau hơn 30 ngày kể từ khi dứt điểm đợt bùng phát dịch lần thứ 3 thì dịch COVID-19 đã trở lại do sự lơ là, mất cảnh giác của một số địa phương, một số cơ quan đơn vị và một số cá nhân không chấp hành nghiêm túc quy định của Chính phủ. Vì vậy, khả năng có làn sóng thứ 4 là nguy cơ hiện hữu, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
"Hiện nay trong tình trạng diễn biến phức tạp, tôi rất mong TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân chung tay cùng Chính phủ và các cấp chính quyền phòng chống dịch, bên cạnh đó cũng phải hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ nhận định tình hình còn phức tạp, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, với bất cứ người nào.
Chính phủ kêu gọi nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh lơ là, chủ quan, nhưng cũng không hốt hoảng, mất bình tĩnh, cần đưa ra các giải pháp phù hợp", Thủ tướng nói.