Sáng 10-5, đoàn lãnh đạo TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc tại quận 5.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dâng hương tại Bệnh viện Chợ Quán. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dâng hương tại Bệnh viện Chợ Quán. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trước khi có buổi làm việc chính thức, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn có buổi thăm hỏi, trao đổi nhanh với lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Sau khi nghe lãnh đạo bệnh viện báo cáo tóm tắt các giải pháp, phương án đảm bảo an toàn với dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Văn Nên biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ các y, bác sĩ đã đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý, đợt dịch Covid-19 lần này vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Do đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, không được chủ quan lơ là đối với dịch bệnh; đặc biệt là không để xảy ra lây nhiễm như tình trạng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đảm bảo TPHCM ngăn ngừa, kiểm soát và khống chế dịch Covid-19, giúp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên viếng, dâng hương tại di tích lịch sử quốc gia ở quận 5 ảnh 1
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm khu di tích nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ tại Bệnh viện Chợ Quán. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sau khi trao đổi nhanh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn đến viếng và dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú, tại Khu tưởng niệm đồng chí Trần Phú, thuộc Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán.

Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM) được xây dựng xong năm 1864, chuyên điều trị các loại bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần. Do nhu cầu điều trị bệnh tâm thần, bệnh viện có xây một khu riêng biệt dành cho bệnh nhân tâm thần.

Trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp sử dụng khu nhà dành cho bệnh nhân tâm thần làm nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước để tra tấn, khai thác tin tức.

Năm 1931, đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, bị thực dân Pháp giam giữ và trút hơi thở cuối cùng tại nơi đây. Nơi này đã được công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tại khu di tích lịch sử này, đoàn đã thành tâm dâng lên những vòng hoa tươi thắm và những nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình, tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với đồng chí Trần Phú, người cán bộ kiên trung của Đảng, đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau đó, đoàn tiếp tục đến thăm một khu di tích lịch sử cấp quốc gia khác trên địa bàn quận 5, là căn nhà số 5 Châu Văn Liêm. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở trước khi đi tìm đường cứu nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên viếng, dâng hương tại di tích lịch sử quốc gia ở quận 5 ảnh 2 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dâng hương ở căn nhà số 5 Châu Văn Liêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, trước có địa chỉ là 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn, là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán. Từ tháng 9-1910 đến tháng 6-1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian tạm trú tại căn nhà này, trước khi lên con tàu của Pháp rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (vào ngày 5-6-1911).
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên viếng, dâng hương tại di tích lịch sử quốc gia ở quận 5 ảnh 3
 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nghe giới thiệu về những tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tại nhà số 5 Châu Văn Liêm, đồng chí Nguyễn Văn Nên cùng đoàn dâng hoa, thắp hương và nghe giới thiệu về những tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.