20 giờ đêm 10-5, kiểm tra công tác triển khai xây dựng Khu cách ly của huyện Nhà Bè tại xã Long Thới, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong biểu dương nỗ lực của các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh TP, huyện Nhà Bè tích cực, khẩn trương, làm ngày đêm để phấn đấu hoàn thành khu cách ly có sức chứa 80 người trong ngày 12-5.
Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao các giải pháp đang được huyện Nhà Bè quyết liệt triển khai, chủ động chống dịch như: kích hoạt lại 439 Tổ covid cộng đồng; quản lý chặt 2 khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện; thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương, TPHCM về công tác phòng chống dịch và các thông báo của UBND, nhất là Chỉ thị số 10 của Thành ủy về công tác phòng chống dịch Covid-19 được ban hành chiều 5-5.
Đối với các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, sau khi họ thực hiện xong thời gian cách ly, Công an TPHCM phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức và dứt khoát mời những người này về nước.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện cho biết, với đặc thù là bệnh viện tuyến cuối khu vực phía Nam, tiếp nhận khoảng 6.000 lượt bệnh mỗi ngày từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, vì vậy hiện nay Bệnh viện Chợ Rẫy luôn đối mặt với nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập.
Đáng lo ngại nhất là ở Khoa Cấp cứu – nơi mỗi ngày tiếp nhận khoảng 350 bệnh nhân. Để đảm bảo an toàn, bệnh viện đều xét nghiệm cho tất cả bệnh nhân cấp cứu có triệu chứng bệnh liên quan đường hô hấp. Đối với các bệnh nhân bị tai nạn không có thân nhân thì được "tiếp nhận như một trường hợp bệnh nhân dương tính", vì không khai thác được bệnh sử và yếu tố dịch tễ. Trong quá trình chờ đợi kết quả xét nghiệm, nếu bệnh nhân cần mổ cấp cứu cũng được thực hiện theo quy trình phẫu thuật nghiêm ngặt như cho một bệnh nhân Covid-19.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thực hiện việc kiểm soát người ra vào bệnh viện bằng hệ thống khai báo y tế điện tử hiện đại, quản lý người nuôi bệnh bằng vân tay và trước đó người nuôi bệnh cũng đã được kiểm soát các yếu tố nguy cơ như khai thác yếu tố dịch tễ, xét nghiệm Covid-19.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện có khoảng 200 nhân viên cung cấp dịch vụ ra vào bệnh viện mỗi ngày, đây cũng là những người có nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào và có nguy cơ lây lan trong bệnh viện, do đó, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã chỉ đạo giám sát chặt chẽ đối với đối tượng này.
Đánh giá cao các phương án phòng dịch của Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện thuộc Bộ Y tế nhưng cũng là một thành viên của hệ thống y tế trên địa bàn TPHCM, do đó bệnh viện cần có các kịch bản tiếp nhận, thu dung điều trị trong trường hợp có nhiều ca bệnh cùng lúc xuất hiện trên địa bàn. Với kinh nghiệm và chuyên môn cao, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ là nơi tiếp nhận các ca bệnh Covid-19 nặng, có nhiều bệnh nền phức tạp, nếu có.
Còn tại Bệnh viện Nhân dân 115, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong hài lòng khi bệnh viện này đã thiết lập được khu khám sàng lọc Covid-19 tách biệt hẳn với khu vực điều trị. Điều này làm giảm nguy cơ dịch bệnh có thể lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện.
Do đây là bệnh viện tuyến cuối của thành phố với quy mô hơn 1.600 giường bệnh và khoảng 3.000 lượt bệnh nhân khám bệnh, cấp cứu mỗi ngày, Chủ tịch UBND TP cũng đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao. Chủ tịch UBND TP yêu cầu lãnh đạo bệnh viện kiên quyết không tổ chức thăm bệnh, bệnh nhân cần người nuôi bệnh thì chỉ cho phép 1 người nuôi, việc thay đổi người nuôi bệnh cũng cần hết sức chú ý, phải khai báo, sàng lọc đầy đủ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện cần quản lý chặt các đơn vị cung cấp dịch vụ, không để xảy ra như tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong đội ngũ cung cấp dịch vụ như tại Bệnh viện Bạch Mai trước đây.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Bệnh viện Nhân dân 115 chuẩn bị phương án sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 khi có sự điều động của thành phố.