Theo PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Đội ngũ làm phim hiện nay ngày càng mỏng và thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng”.
Đạo diễn Ngô Quang Hải cũng khẳng định, đào tạo phải là công việc được thực hiện đầu tiên: “Hiện việc giáo dục không đi kịp thị trường, không cập nhật được xu thế, thiếu và yếu, đặc biệt những khâu quan trọng như biên kịch”.
PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, cho rằng hiện có 3 nguồn bổ sung lao động cho điện ảnh, đó là: Những người có năng khiếu điện ảnh, nghệ sĩ của các ngành nghệ thuật khác yêu thích điện ảnh, và “con nhà nòi” có năng khiếu, nối gót cha anh.
Ông cho biết, nếu nguồn thứ hai là thừa hưởng thì nguồn thứ nhất và thứ ba phải tìm kiếm để phát hiện, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và tạo môi trường hoạt động thuận lợi.
Hiện nay, ngoài Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TPHCM có gần 10 cơ sở chính quy đào tạo các chuyên ngành về điện ảnh, như: Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Lang, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM..., còn có các lớp, chương trình đào tạo ngắn hạn của các cơ sở, tổ chức tư nhân.
Thực tế tại Việt Nam, theo các chuyên gia trong ngành, nhiều cơ sở đào tạo công lập còn không ít hạn chế, đó là: giáo trình chưa thay đổi, cập nhật; phương tiện, trang thiết bị thiếu nhiều; đầu vào không có nhiều sinh viên năng khiếu, tài năng; cơ hội việc làm khó khăn… Trong khi đó, với các cơ sở dân lập, ngoài hạn chế về nguồn tuyển thì có sự đầu tư chiều sâu về vật chất, trang thiết bị, chế độ ưu đãi hút giảng viên…
Từng theo học khóa đạo diễn tại Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, diễn viên Mai Thu Huyền chỉ ra hạn chế là chương trình đào tạo hiện phụ thuộc khá nhiều vào giảng viên. Do đó, việc học không theo trình tự, thậm chí các môn năm cuối được đẩy lên sớm.
Riêng về mảng đào tạo nước ngoài, theo Đề án 1437 năm 2016 về “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”, đã có một số sinh viên ngành điện ảnh được cử đi học, nhưng số lượng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cần sự chuyên nghiệp
Hiện nay, số đông nhân sự lĩnh vực điện ảnh được đào tạo theo kiểu truyền nghề. Kinh nghiệm thực tế giúp họ nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc và dần tích lũy theo thời gian. Bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) tại Việt Nam, nêu dẫn chứng: Các chính sách ưu đãi hấp dẫn đã mang đến cơ hội tuyệt vời để người dân Thái Lan được đào tạo ngay trong quá trình làm việc với các dự án làm phim của các đoàn làm phim nước ngoài quay tại nước này. Theo bà, đây là cách đào tạo thực tiễn, hiệu quả nhất và muốn thành công nó phải xuất phát từ các chính sách ưu đãi làm phim đối với những đoàn phim nước ngoài.
Theo TS Vũ Ngọc Thanh, đào tạo nhân lực điện ảnh là đào tạo nghệ thuật đặc thù nên không thể theo hình thức đại trà, phổ cập, càng không thể theo phong trào. Việc đào tạo cần sự đồng bộ trên nhiều phương diện: Chính sách vĩ mô, hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng khiếu, cơ hội việc làm, hội nhập quốc tế…
Bài học được TS Vũ Ngọc Thanh tâm đắc là thành công của điện ảnh Hàn Quốc khi kết hợp nguồn nhân lực được đào ở nước ngoài và trong nước. Học viện Điện ảnh Hàn Quốc chỉ đào tạo các khóa ngắn hạn từ 1-2 năm và sinh viên phải theo một chương trình rất căng thẳng.
Việc thi tuyển năng khiếu nghiêm ngặt, mỗi khóa học chỉ tuyển tối đa 30 sinh viên cho tất cả các chuyên ngành. Trong phương pháp đào tạo, sinh viên học thực hành là chính và do các giảng viên, chủ yếu là những nhà điện ảnh có thành tựu giảng dạy.
Cũng có ý kiến, như của TS Trần Luân Kim: “Trong nước, cần chú trọng hiệu quả đào tạo thông qua cải cách giáo dục chuyên ngành. Ngoài nước, cần mạnh dạn cung cấp nguồn kinh phí tương hợp, cử loạt sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng đi du học ở các nước có nền điện ảnh phát triển”.