Lý do nào để hai cô gái trẻ dù rất bận bịu với công việc toàn thời gian và với bao dự định của tuổi trẻ vẫn dành rất nhiều thời gian và cả tiền bạc để làm Trạm Radio? Hai cô giải thích là muốn "nuôi dưỡng tình yêu văn học đến mọi người".

2 cô gái 9X của Trạm Radio góp gió cho văn học Việt - Ảnh 1.

Nếu bạn quan tâm đến văn chương, có lẽ bạn từng tình cờ nghe một giọng nữ Bắc vừa ấm áp vừa sáng trong đọc cho bạn nghe từ Nắng trong vườn của Thạch Lam, Hành lý hư vô của Nguyễn Ngọc Tư, Tôi là con gái của cha tôi của Phan Thúy Hà, Yêu dấu của Toni Morrison… cho đến bàn luận với khách mời về thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền.

Đó là Hà Trang - cô gái Hà Nội 9X vừa trở về quê nhà sau vài năm du học về văn chương tại Mỹ và Anh. Sinh năm 1997, Hà Trang cùng với người bạn thân hơn mình 1 tuổi - Trương Thu Hoài - lập nên Trạm Radio chuyên đọc và bàn luận về văn chương từ Việt Nam tới thế giới, từ các tác giả cổ điển cho tới các tác giả rất trẻ 9X, 10X mà các cô gọi là "Nơi ấp ủ những tâm hồn văn chương" - như tên gọi fanpage Facebook của Trạm Radio.

Ít ai biết rằng trong hai năm đầu của dự án mộng mơ này, Hà Trang đã thu âm giọng đọc tác phẩm văn chương cũng như trò chuyện với khách mời về văn học từ nước Mỹ xa xôi. 

Còn Thu Hoài phụ trách sản xuất thì liên hệ xin phép từ các nhà xuất bản, liên hệ mời nhân vật tham gia phỏng vấn, trò chuyện với nhân vật thay cho Hà Trang đang ở Mỹ nhưng sau đó phải cắt phần mình hỏi đi để trám giọng Hà Trang vào vì cô nhất quyết tin giọng mình lên sóng không hay như Hà Trang.

Ân tình với văn chương

Ngồi trong quán cà phê xinh xắn cạnh "phòng thu" được cho mượn, Hà Trang và Thu Hoài liên tục thả những tràng cười trong trẻo thanh tân khi nói về kế hoạch 2 năm lần thứ nhất với Trạm Radio đã hoàn thành tương đối trọn vẹn. Kế hoạch 2 năm lần thứ hai đang tiếp tục được hai cô và cộng sự hăm hở bước tiếp dù vẫn chỉ có bố mẹ là "nhà đầu tư thiên thần" cho dự án.

Cùng tham gia trong một dự án quảng bá văn chương của một thương hiệu sách trước đây, Hà Trang và Thu Hoài bắt đầu có ý tưởng làm Trạm Radio cho riêng mình, phát trên các nền tảng như Spotify, Soundcloud, YouTube… để lan tỏa tình yêu văn học và chính thức trở thành dự án nghiêm túc vào mùa hè năm 2018 khi Hà Trang về Việt Nam nghỉ hè. 

Tất cả bắt nguồn từ một ý nghĩ "Thế giới sẽ đẹp hơn nếu ai cũng đọc thơ" của Hà Trang - một cô gái học văn chương và cũng làm thơ.

Không làm nhiệm vụ của một kênh đọc sách hoặc kênh sách nói, Trạm Radio làm nhiều hơn thế. Nên ngoài phần trích đọc tác phẩm chọn lọc của một tác giả đáng chú ý, phần việc chính của Trạm Radio là thảo luận với khách mời về văn chương của tác giả đó, từ những nhà thơ, nhà phê bình tên tuổi như Vũ Quần Phương, Văn Giá, Nguyễn Thụy Anh, Mai Anh Tuấn, Trương Quý… cho tới các bạn sinh viên có chung niềm vui với văn chương. 

Ban đầu chỉ làm 1 số trong tuần, từ tháng 7-2020 vượt qua mốc 100 số, Trạm Radio mở 2 số 1 tuần; mỗi tháng, ngoài 6 số trích đọc tác phẩm còn có 1 buổi thảo luận về tác giả Việt Nam và 1 số dành cho tác giả nước ngoài. 

Và không phải là kênh sách nói làm nhiệm vụ thay thế cho sách giấy, mỗi chương trình chỉ trích đọc một phần trong sách, thêm thông tin giới thiệu sách để bạn đọc hứng thú có thể tìm mua sách giấy.

 

Gần đây, nhóm còn mở thêm Trạm Radio tiếng Anh, là những thảo luận về thơ, văn nước ngoài bằng tiếng Anh giữa Hà Trang với một biên tập viên tiếng Anh và cũng là một du học sinh ngành văn chương.

Chừng đó "ân tình" với văn chương của hai cô gái trẻ mà mọi người có thể nhìn thấy trên bề mặt chưa phải là tất cả những gì họ đã làm. Phía sau những số đọc văn, thơ, những cuộc thảo luận văn chương cởi mở và nhiều suy tư tất nhiên là rất nhiều thời gian dành cho việc đọc, thẩm định để chọn lựa những khúc đoạn văn chương đẹp nhất gửi tới độc giả; là sự không ngừng học hỏi, mạnh dạn đưa ra với bạn đọc các tác giả mới hay những tên tuổi lớn còn khuất lấp bởi những vết gấp của lịch sử.

Góp chút gió gây dựng cộng đồng đọc

Lý do nào để hai cô gái trẻ dù rất bận bịu với công việc toàn thời gian và với bao dự định của tuổi trẻ vẫn dành rất nhiều thời gian và cả tiền bạc để làm Trạm Radio? Hai cô giải thích là muốn "nuôi dưỡng tình yêu văn học đến mọi người". 

Bởi văn chương thực sự đáng để yêu. Văn học bước ra từ đời sống, đến với con người rồi từ đó lại giúp con người nghĩ về đời sống. Mục đích cuối cùng không gì ngoài việc nuôi dưỡng một cộng đồng đọc sách văn học ngày càng lớn mạnh để "chấn hưng nền văn học nước nhà".

"Quan sát các nước Đông Nam Á có gần như cùng mức phát triển kinh tế như chúng ta như Indonesia, Malaysia…, họ có nền văn hóa nghệ thuật cực kỳ phát triển, nghệ sĩ có những quan sát rất mới mẻ về xã hội. 

Trong khi đó, xã hội Việt Nam đang có quá nhiều tư liệu cho nhà văn nhưng họ lại không viết được, lý do hầu như không ai sống được bằng nghề viết. Nếu có cộng đồng đọc đủ mạnh, sẽ có cộng đồng viết tốt. Chúng tôi muốn góp một chút gió cho phong trào gây dựng cộng đồng đọc", Hà Trang nói.

Sau gần ba năm hoạt động với những chương trình có hàng vạn lượt nghe, Trang và Hoài nói giá trị cho cộng đồng chưa đong đếm được nhưng họ rất hạnh phúc bởi ngôi nhà văn chương của mình mỗi ngày có thêm nhiều người bạn mới cùng chia sẻ với nhau tình yêu thơ văn; đời sống tâm hồn ở tuổi 20 của họ đủ đầy, phong phú hơn bao giờ hết. Vui nữa là bố mẹ, ông bà cũng đón đợi nghe các chương trình do chính họ sản xuất.

Và lại thấy những nỗ lực nuôi cấy tình yêu văn chương trong cộng đồng của hai cô gái trẻ không lẻ loi mà đang có nhiều nỗ lực tuyệt vời khác như chương trình thường niên "Se sẽ chứ" - tuần đọc thơ tưởng nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trên cả nước của nhóm Nguyễn Hoàng Điệp, hay Quyên Nguyễn với trang văn học ZZZ Review… Những làn sóng nhỏ đang nỗ lực cùng nhau đưa văn học đến gần hơn với mọi người.

trạm radio

Hà Trang, Thu Hoài và các cộng tác viên của Trạm Radio - Ảnh: V.A.

Trạm Radio là một trường hợp khá điển hình của quá trình cá nhân hóa, tư nhân hóa các hoạt động văn chương nghệ thuật trong thời truyền thông công nghệ số.

Sự chuyên chú và khá chuyên nghiệp của Trạm Radio cho thấy các bạn sáng lập kênh này không chỉ đam mê, yêu thích văn chương mà còn biết cách xây dựng nội dung, câu chuyện sắc sảo, biết cách đặt vấn đề gần gũi, dễ cảm nhận nhưng không rơi xuống tầm phào.

Phẩm chất đáng quý này khiến chúng ta tin rằng nếu làm văn chương nghệ thuật một cách có chất lượng, bài bản vẫn có lượng công chúng lớn. Thật lòng, tôi cảm phục sự kiên trì và nỗ lực phát triển chương trình của các bạn ấy. Rõ ràng, đã đến lúc những người trẻ, bao gồm tác giả và khán giả, tự tìm thấy niềm vui, mối đồng cảm văn chương theo cách làm và nghĩ của riêng mình.