Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, luôn đồng hành cùng các lực lượng chống dịch, đội ngũ nhà báo phóng viên đã có không ít người cùng “ăn, ngủ với dịch”. Họ không ngại khó khăn, nguy hiểm để có được những thông tin chuẩn xác, kịp thời đến với công chúng.

An toàn tác nghiệp là yếu tố phải được đặt lên hàng đầu

Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào trong nước, nhà báo Phạm Thị Thu Thủy - phòng Thời sự, Đài PTTH Hà Nam đã thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin hằng ngày, vì đây là một trong những mảng tin tức chị được phân công phụ trách. Đưa tin, xây dựng phóng sự truyền hình, từ đầu năm 2020 đến thời điểm này chị luôn cố gắng để túc trực, không bỏ sót bất cứ thông tin thời sự quan trọng nào liên quan đến dịch bệnh.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2021 vừa qua, nhiều cán bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người lao động được nghỉ lễ nhưng trùng vào thời điểm trên địa bàn tỉnh Hà Nam xảy ra các ca nhiễm SARS-CoV-2. Tình hình dịch bệnh vào thời điểm đó có diễn biến phức tạp. Được cơ quan giao nhiệm vụ, nhà báo Phạm Thị Thu Thủy lại tiếp tục lên đường lấy thông tin, hình ảnh sinh động, chính xác nhất truyền tải tới khán giả.Nhà báo Phạm Thị Thu Thủy - Đài PTTH Hà Nam dẫn hiện trường, chị và đồng nghiệp có mặt ở nhiều điểm nóng, thực hiện tuyên truyền để người dân không chủ quan; không hoang mang, lo lắng; không giấu bệnh... Ảnh: NVCC

Nhà báo Phạm Thị Thu Thủy - Đài PTTH Hà Nam dẫn hiện trường, chị và đồng nghiệp có mặt ở nhiều điểm nóng, thực hiện tuyên truyền để người dân không chủ quan; không hoang mang, lo lắng; không giấu bệnh... Ảnh: NVCC

Công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay đang là mặt trận nóng bỏng và đội ngũ những người làm báo cũng là lực lượng tham gia trên tuyến đầu chống dịch. Trong quá trình tác nghiệp, chị Thủy luôn coi trọng vấn đề an toàn lên hàng đầu, tránh nguy cơ lây nhiễm để không trở thành gánh nặng cho xã hội và tiếp tục góp sức trên mặt trận chống dịch. Và cứ thế hằng ngày chị đều có những phóng sự, bản tin phản ánh về những diễn biến mới nhất tại các vùng cách ly như: công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch; đảm bảo an sinh xã hội, nhu yếu phẩm thiết yếu trong khu cách ly; hay hoạt động của các tổ Covid cộng đồng trong vùng cách ly…

Để thực hiện những phóng sự đó, đòi hỏi chúng tôi phải tính kỹ phương án tác nghiệp an toàn. Chúng tôi may mắn nhận được sự trợ giúp của lực lượng chức năng, có đủ bảo hộ phòng chống dịch để vào tác nghiệp tại một số điểm trong vùng cách ly; hoặc giảm tiếp xúc trong tác nghiệp bằng cách vận dụng công nghệ như là có thể nhờ sự giúp đỡ của các tổ Covid cộng đồng để lấy những hình ảnh qua điện thoại, phỏng vấn trực tuyến… tất cả để vừa có hình ảnh chân thực nhất vừa hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm” - chị Thu Thủy chia sẻ.

Thật vậy, đứng trước đại dịch Covid-19, người phóng viên cũng như tất cả mọi người cũng phải lo phòng dịch cho mình, cho gia đình, người thân, tránh làm mắt xích lây lan dịch bệnh. Dưới áp lực cạnh tranh thông tin từng giờ, từng phút, người phóng viên còn đảm nhận trách nhiệm cung cấp nguồn thông tin quan trọng và thường xuyên đối với khán giả trong dịch bệnh. Những lúc phải tác nghiệp trong vùng cách ly, toàn bộ phóng viên cũng phải đảm bảo đồ bảo hộ không khác gì lực lượng y tế tuyến đầu, máy móc thiết bị phải chuẩn bị hết sức kỹ càng. Vì họ luôn hiểu rằng rủi ro luôn có thể xảy đến bất cứ lúc nào và không lường trước hết được.Phóng viên Vũ Việt Khoa - Đài PTTH Tây Ninh phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh. Ảnh: NVCCPhóng viên Vũ Việt Khoa - Đài PTTH Tây Ninh phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh. Ảnh: NVCC

Dịch bệnh xảy ra nhiều nơi, cuộc sống đảo lộn, người dân mất việc làm, khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhưng cũng dịp này đã xuất hiện nhiều hành động đẹp, những tấm lòng nhân ái. Với trách nhiệm phản ánh thông tin khách quan đa chiều, chị Thu Thủy lại tìm kiếm nhân rộng những tấm gương người tốt, những mô hình tinh thần “tương thân tương ái” để lan tỏa trong cộng đồng.

Nhà báo Thu Thủy tâm sự: “Đầu tháng 5 vừa qua thôn Cao Tràng, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân là địa bàn có số F1 cao nhất huyện do liên quan đến một đám hiếu. Có nhiều hộ phải đi cách ly cả nhà. Phần lớn làm nghề chăn nuôi và trồng hoa màu. Bản thân tôi đã được chứng kiến hình ảnh những tổ Covid cộng đồng huy động hội viên các hội đoàn thể trong xã hỗ trợ thu hoạch dưa, hoa màu và chăm sóc vật nuôi cho các hộ phải đi cách ly, những hình ảnh đó luôn là kỷ niệm đẹp đối với tôi”.

Nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn

Phụ trách chuyên mục “Phòng chống dịch” và chuyên mục “Sức khỏe” của Đài PTTH Tây Ninh, phóng viên Vũ Việt Khoa luôn cố gắng xây dựng kế hoạch nội dung, đảm bảo thông tin hay, mới lạ hấp dẫn đến cho khán giả mỗi ngày. Các bản tin được phát hàng giờ, cả trên nền tảng mạng xã hội của Đài tỉnh đã dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng nghìn khán giả. Sự đón đợi của người dân vừa là áp lực vừa là trách nhiệm, vinh dự để những người làm truyền hình cống hiến nhiều hơn.

Đã làm truyền hình thì phải có mặt tại hiện trường, phải đưa được những hình ảnh chân thực nhất, phóng viên Vũ Việt Khoa chia sẻ: “Vì theo dõi mảng y tế nên tôi luôn có nguồn tin chính xác từ các sở ngành, các số liệu thống kê được các cơ quan Nhà nước cung cấp đầy đủ, chính xác và nhanh chóng khi cần. Nhưng ngoài những số liệu thống kê đó, chúng tôi làm truyền hình bao giờ cũng phải có video thời sự, dẫn hiện trường. Đã không ít lần buổi tối tôi đi chốt cùng các chiến sỹ biên phòng ở biên giới, truy vết cùng lực lượng y tế… chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường, trong mọi hoàn cảnh khó khăn”.

Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài 240km, lực lượng biên phòng phải nằm chốt 24/24h, phần lớn các chốt phải nằm bờ đê, bờ suối, trong rừng… Ở Tây Ninh chỉ có mùa nắng và mùa mưa, trời nắng thì điểm chốt có nhiệt độ tăng cao, trong khó khăn đó họ vẫn giữ vững tinh thần không được bỏ chốt. Về mùa mưa thì nhiều muỗi, nhất là những điểm chốt trong rừng cao su, muỗi bay cả ngày. Nhưng đó chưa phải là khó khăn nhất, họ hằng ngày vẫn phải tiếp xúc với những người vượt biên giới trái phép, đây là một trong những nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn.

Làm thời sự nên Vũ Khoa luôn đồng hành, chia sẻ những khó khăn cùng lực lượng biên phòng, công an, y tế… Họ như những lá chắn thép ở vùng biên, luôn giữ vững tinh thần phục vụ vì nhân dân. Hiểu được khó khăn đó, anh đã có nhiều phóng sự về công việc thầm lặng của họ, vừa động viên, khích lệ tinh thần vừa đồng hành trong cuộc chiến chống dịch.

Phóng viên Vũ Khoa tâm sự: “Tôi luôn theo sát các lực lượng tham gia chống dịch, họ có triển khai kế hoạch gì về phòng chống dịch gì thì xin đi theo để nắm bắt tình hình. Tôi nhận thấy dịch không hẹn trước, mọi phóng viên cần phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống diễn biến dịch mới nhất, ngoài chuẩn bị máy móc, đồ bảo hộ thì phóng viên y tế phải xác định là không có ngày nghỉ, tinh thần lên đường phải luôn thường trực”.

Cùng với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các ngành chức năng trong cuộc chiến chống dịch, đội ngũ những người làm báo đã và đang tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch. Và dù khó khăn, thách thức lớn đến đâu trong hành trình ấy, đội ngũ những người làm báo luôn phấn đấu cống hiến hết mình góp phần tạo nên chiến thắng của toàn dân trước đại dịch toàn cầu.