Ngày 13-5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 3 TP.HCM đã tham gia hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại quận 8 và quận 11, TP.HCM.
Đơn vị bầu cử số 3 gồm ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện KSND tối cao; ông Trịnh Chí Cường - tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Đại Đồng Tiến; ông Lê Thanh Phong - chánh án TAND TP.HCM; ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và ông Trần Kim Tuyền - hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề TP.HCM.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 8 đặc biệt quan tâm đến vấn đề chính sách, tiền lương của cán bộ phường, xã không chuyên trách.
Theo cử tri Huỳnh Thị Thu Phan, sau khi thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, những cán bộ không chuyên trách không có lương, chỉ được hưởng phụ cấp lương là 1,14 nên thu nhập rất thấp, không đủ sống.
Theo ông Lê Minh Trí, tại các đô thị lớn thì khối lượng công việc của cán bộ không chuyên trách ở cấp phường không khác gì cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, quy định chế độ tiền lương rất thấp, không có động lực để thu hút nhân lực, kể cả người đang làm cũng không an tâm.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ rồi đề nghị với lãnh đạo TP.HCM, xin cơ chế, chính sách tự chủ động bằng nguồn ngân sách của địa phương để hỗ trợ đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở thì mới có thể động viên, giúp họ an tâm và công bằng", ông Trí nói.
Còn tại quận 11, cử tri Nguyễn Mỹ Duyên cho biết bà đặc biệt quan tâm đến công cuộc cải cách tư pháp và chương trình hành động của chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong.
Theo cử tri này, tòa án là cơ quan thay mặt Nhà nước, nhân danh Nhà nước Việt Nam để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con nguời. Tuy nhiên cán bộ tòa án hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, áp lực về công việc, khó khăn về biên chế.
Phát biểu tiếp nhận đóng góp ý kiến cử tri, ông Lê Thanh Phong cho biết với cương vị là lãnh đạo ngành, ông đã nắm bắt được những khó khăn và áp lực của cán bộ tòa án, lãnh đạo TAND TP.HCM đã đặt ra kiến nghị và TAND tối cao cũng đã nắm bắt được vấn đề này.
"Nếu được tín nhiệm thành đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ tiếp tục đeo bám, kiên trì, trình Quốc hội giải quyết những vấn đề cử tri đã đặt ra. Những vấn đề về biên chế, cải cách tư pháp chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới" - ông Phong nói.
Bà Võ Thị Ánh Xuân kiểm tra công tác bầu cử tại Đắk Nông
Đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia do Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Võ Thị Ánh Xuân làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Đắk Nông về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào sáng 13-5.
Kết luận buổi làm việc, bà Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban bầu cử tỉnh Đắk Nông trong việc tổ chức để người ứng cử tiếp xúc, gặp gỡ cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử; công tác thông tin tuyên truyền đặc biệt được chú trọng giúp cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của công dân với đất nước.
Cùng với đó, địa phương đã giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử và những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Đồng thời, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân lưu ý để ngày bầu cử diễn ra an toàn trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh Đắk Nông cần phải tăng cường đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội và phải thực hiện tốt công tác phòng dịch để nhân dân yên tâm đi bầu cử.
Cũng nhân chuyến công tác tại địa phương, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao 200 triệu đồng cho Quỹ khuyến học tỉnh Đắk Nông để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
* Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):
Hạn chế tình trạng lợi ích nhóm khi xây dựng luật
Hiện nay hệ thống pháp luật còn xung đột, chồng chéo, luật ống, luật khung, thiếu thực tiễn. Nhất là các luật liên quan lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được nhiều chuyên gia, lãnh đạo bộ máy hành pháp chỉ ra. Trong đó, đáng lưu ý là nguyên nhân từ người làm luật đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi còn là thủ tướng) chỉ ra rằng "tình trạng lợi ích nhóm, quyền anh, quyền tôi trong xây dựng luật...".
Ví dụ điển hình như khi bàn đến việc xây dựng luật hạn chế tác hại rượu bia đã chứng kiến có sự "phân hóa" "lobby" giữa đội ngũ xây dựng, thông qua.
Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính, quan trọng nhất cần phải có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Và việc này hẳn nhiên cần đến vai trò chính của cơ quan lập pháp là Quốc hội và trách nhiệm từng đại biểu Quốc hội.
Chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội thì có nhiều theo quy định. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nhiệm vụ xây dựng pháp luật, thể chế. Là cử tri, tôi mong rằng Quốc hội và từng đại biểu nhiệm kỳ tới cần tập trung vào việc khắc phục, chấn chỉnh tồn tại trên. Cụ thể:
Thứ nhất, đại biểu, Quốc hội phải ưu tiên cho công tác xây dựng pháp luật. Người dân cần được bảo đảm tự do, yên ổn làm ăn, phát triển thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật. Cử tri mong muốn đại biểu tập trung giám sát, hoàn thiện công tác xây dựng luật chứ không cần hô hào khẩu hiệu chính trị chung chung, vĩ mô.
Tiếp đến đại biểu, Quốc hội phải thật tâm lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, vướng mắc từ thực tiễn mà người dân, cử tri là người trực tiếp ảnh hưởng bởi điều chỉnh của luật. Đại biểu, Quốc hội phải đứng về phía quyền lợi của người dân, của xã hội chứ không để bị chi phối bởi lợi ích nhóm trong khi xây dựng, bấm nút thông qua dự án luật.
Cuối cùng, đại biểu, Quốc hội phải thể hiện được vai trò, quyền hạn của mình trong công tác giám sát, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế.
Là cử tri, tôi nhận thấy các khóa Quốc hội vừa qua công tác xây dựng pháp luật ngày càng tiến bộ, hoạt động của đại biểu ngày càng chất lượng hơn. Nhưng thực trạng, tồn tại như trên vẫn là nỗi bức xúc lớn của xã hội cần khắc phục, chấn chỉnh trong nhiệm kỳ tới.