“EVNHCMC sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực, phát triển nhanh hệ thống điện hiện đại trên địa bàn thành phố Thủ Đức, nhằm đảm bảo năng lực cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, không ngừng nâng cao chất lượng chất lượng điện năng và dịch vụ khách hàng, góp phần chung tay xây dựng thành phố mới Thủ Đức”
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHCMC PHẠM QUỐC BẢO
Phát triển đô thị thông minh đã được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những trụ cột, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là cũng 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu cao nhất hướng đến là không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.
Định hướng phát triển theo TP Thủ Đức theo hướng đô thị thông minh, sáng tạo cũng không nằm ngoài những mục tiêu này. Quyết tâm xây dựng phát triển Thủ Đức sớm thành đô thị mẫu về phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiên phong trong chuyển đổi số, hướng tới đô thị thông minh cũng nhiều lần được lãnh đạo thành phố khẳng định tại các buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các đoàn công tác của các bộ, ngành Trung ương. Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Trước mắt, Thủ Đức tập trung vào quy hoạch lại thành phố theo hướng phát triển hạ tầng, tạo môi trường tốt phục vụ người dân, cộng đồng doanh nghiệp; làm rõ và xác định được nguồn lực đầu tư cho định hướng phát triển; có cơ chế chính sách phù hợp, tương xứng với quy mô và nhu cầu phát triển; tìm kiếm nguồn nhân lực tài, giỏi thực hiện. Ngay trong năm 2021 này, thành phố Thủ Đức phấn đấu sẽ trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, phát triển nhanh, bền vững.
Theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch: Trong chiến lược xây dựng, cần đặt TP Thủ Đức đúng vị trí, vai trò. Xây dựng và phát triển Thủ Đức phải được xem là bước đột phá để thực hiện chủ trương của TP Hồ Chí Minh từ hàng chục năm nay nhưng thực hiện chưa có hiệu quả. Đó là: Phát triển TP Hồ Chí Minh theo hướng đa trung tâm; giảm áp lực tập trung hóa hoạt động kinh tế và dân cư khu vực nội thành. Đây cũng là hướng phát triển chính nhằm giải quyết các vấn nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường.
Để chủ động trong quá trình xây dựng Thủ Đức theo mục tiêu thành lập, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: Ngay trong năm đầu tiên, Thủ Đức cần quy hoạch lại tổng thể đô thị trên diện tích 211 km2 theo hướng hiện đại, phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, để làm cơ sở xây dựng hệ thống giao thông công cộng kết nối và hướng mở ra cả Vùng đô thị TP Hồ Chí Minh và mang triết lý của “đô thị xanh, đô thị sáng tạo và đô thị khoa học - công nghệ - đào tạo. “Quy hoạch phát triển TP Thủ Đức không phải là cộng 3 bản quy hoạch của 3 quận cũ lại, mà cần có một tầm nhìn mới, đúng vị trí, vai trò của đô thị mới này”, TS. Trần Du Lịch nói.
TS. Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh đến việc cần tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp thành phố đến cấp phường theo hệ thống dọc thông suốt và tinh thông nghiệp vụ, đưa tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu. Đồng thời, xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đô thị Thủ Đức theo nguyên tắc: Việc gì chính quyền Thủ Đức làm tốt, thì phân cấp, phân quyển cho Thủ Đức làm, các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh chỉ kiểm tra, thanh tra công vụ, không làm thay”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ.
Tập trung nguồn lực tốt nhất dành cho thành phố
Bàn về phát triển đô thị thông minh, theo nhiều chuyên gia, đó là quá trình với sự tham gia của 5 trụ cột chính gồm: Quản trị, năng lượng, giao thông, kinh tế và con người thông minh. Với TP Thủ Đức trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trung tâm AI… sẽ phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau. Đó là hạ tầng kinh tế 4.0; hạ tầng giao thông và dịch vụ đô thị; hạ tầng tài chính - dịch vụ và hạ tầng xã hội hiện đại. Để có được điều này, sự tham gia của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và các doanh nghiệp thực sự có năng lực thực sự là một đòi hỏi khách quan.
Nắm bắt được kỳ vọng cũng như nhu cầu này của Thủ Đức, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực đã tham gia cùng chính quyền thành phố trong phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT tại đây. Ngày 2.4 vừa qua, UBND TP Thủ Đức và Tập đoàn VNPT cũng đã cùng ký kết hợp tác chiến lược với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh, đặc biệt là các ngành trọng yếu như: Y tế, giáo dục, giao thông, tài nguyên - môi trường… Sự hợp tác cũng sẽ tạo thuận lợi cho TP Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao - hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ và điều kiện đặc thù, mức độ phát triển của thành phố.
Về vấn đề bảo đảm năng lượng, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Thủ Đức mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết: EVNHCMC sẽ tham gia xây dựng thành phần quy hoạch điện trong quy hoạch TP Thủ Đức, đồng thời tập trung đầu tư phát triển hệ thống điện hiện đại - thông minh với tổng kinh phí dự kiến khoảng 3.200 – 3.500 tỷ trong giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm nâng cao sản lượng cung cấp điện đạt từ 5.500 - 6.000 kwh/người/năm vào năm 2025 và chất lượng điện năng đạt tiêu chuẩn cao nhất. Dự kiến, trong quý 3.2021, Tổng Công ty sẽ thi công hoàn tất và đóng điện Trạm 110kV Phước Long (2x63MVA) tại phường Phước Long B để nâng cao độ tin cậy và đảm bảo cung cấp điện cho TP Thủ Đức. Cũng trong năm 2021, EVNHCMC sẽ khởi công xây dựng mới các trạm: 110kV Linh Đông, 220/110kV Thủ Thiêm và 110kV Thủ Thiêm 1. Trong giai đoạn 2022 – 2025, sẽ tiếp tục thực hiện các trạm 110kV: Thủ Thiêm 2, Thủ Thiêm 3, trạm 110kV khu vực Công viên Phước Thiện. EVNHCMC cũng sẽ phối hợp các đơn vị viễn thông thực hiện 27 dự án ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Đồng thời, đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh bổ sung danh mục và đẩy nhanh tiến độ các công trình ngầm hóa trên địa bàn, góp phần xây dựng mỹ quan đô thị của Thành phố Thủ Đức.
Có thể khẳng định, phát triển đô thị thông minh đang hướng đến mục tiêu rất cụ thể, đó là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân từ nhu cầu đơn giản nhất cho đến cao cấp hơn trong tất cả các lĩnh vực, làm sao cho cuộc sống thuận tiện hơn, bảo đảm nơi ở an toàn và giảm ách tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn. Định hướng đã rất rõ ràng, hướng triển khai đã được hoạch định, lại có sự tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và các doanh nghiệp đầu tầu, tương lai về một đô thị thông minh Thủ Đức đang vô cùng sáng lạn.