Văn hoá là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
TS Nguyễn Hùng Vĩ (ảnh) - nhà nghiên cứu văn hoá, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mọi sự phát triển của kinh tế đều phải có mối gắn bó mật thiết với văn hoá - xã hội. Từ thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu văn hoá đã nghiệm ra rằng, nếu chỉ đầu tư phát triển kinh tế thì sẽ không giải quyết được các vấn đề về xã hội, vấn đề con người. Do đó, mọi sự phát triển của một quốc gia, dân tộc nào đó đều phải có một nền tảng văn hoá, nó phải song song phát triển với mặt kinh tế. Mọi sự tăng trưởng, phát triển giữa các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội phải đồng đều.
Tổng Bí thư đã nhận định, phải coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Phải xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Theo ông Vĩ, nền tảng văn hoá có nhiều cách hiểu, có thể gọi là văn minh tinh thần, cũng có thể gọi là dân tộc tính, có thể gọi là bản sắc văn hoá của cộng đồng. Tuy nhiên dù gọi thế nào thì việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội cũng là điều mà dân tộc Việt Nam hướng tới. Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, nước ta luôn đầu tư cho văn hoá rất nhiều và mạnh mẽ. Từ thời kỳ kháng chiến đến nay, nhân dân luôn trở thành động lực vừa là vật chất, vừa là tinh thần vô cùng to lớn. Do đó, sự vận động của các chính sách, đường lối đều hướng về nhân dân, về văn hoá nhân dân.
Việt Nam đang phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta đều hướng đến việc xây dựng đất nước hùng cường, hướng về nhân dân. Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Mục tiêu chính trị mà Đảng ta phấn đấu là vì dân, vì nước, vì sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia - dân tộc, được thể hiện rõ trong chủ trương xây dựng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Do đó, việc phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới.
Ông Vĩ lấy ví dụ như trong kháng chiến chống Pháp, mỗi địa phương, vùng miền đều có ca dao, tục ngữ cổ vũ kháng chiến chống ngoại xâm. Điều đó cho thấy Việt Nam đã sử dụng nội lực văn hoá của chính mình, dựa vào đó để phát triển đất nước. Sau đó, trong sự nghiệp đổi mới, tư duy, lý luận của Đảng ta về văn hóa luôn có sự kế thừa và phát triển.
Các giá trị văn hóa luôn ẩn chứa trong kinh tế
Cùng nói về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa - TS. Nguyễn Ánh Hồng - ảnh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, nền tảng vững bền cho sự phát triển của tất cả các quốc gia chính là giá trị văn hóa dân tộc. Khi bối cảnh thế giới biến đổi nhanh và mạnh mẽ, những nhận thức mới về giá trị cho phát triển bền vững của Việt Nam ngày càng được định hình rõ nét. Đây được xem là một nguồn lực to lớn, là một phần quan trọng trong tổng thể sức mạnh nội sinh của mỗi dân tộc, quốc gia. Trong đó, việc phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh.
Theo bà Hồng, khi có sự hội nhập quốc tế thì vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc ngày càng trở nên quan trọng đối với các quốc gia - dân tộc. Bởi khi có hội nhập thì tất yếu có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh những tác động tích cực, nó cũng tạo ra những nguy cơ đối với sự phát triển bền vững xã hội, từ sự mai một và những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực trong văn hóa. Chúng ta có thể lo lắng nhưng tuyệt đối không bi quan, xem nhẹ vấn đề này. Khi các giá trị văn hóa được đề cao thì các mối quan hệ xã hội cũng có điểm tựa là các giá trị chân chính, đúng đắn và các quan hệ này sẽ tự nhiên hướng tới cái đẹp, cái thiện.
Bà Hồng đưa ra ví dụ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới nhưng Việt Nam lại là một nước thành công trên nhiều phương diện chống dịch, phát triển kinh tế, phát triển văn hoá xã hội, yếu tố con người vẫn được coi trọng và đề cao. Văn hóa được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội vì văn hóa không nằm ngoài kinh tế, các giá trị văn hóa chuẩn mực luôn ẩn chứa trong kinh tế. Văn hoá phải được coi trọng, đầu tư xứng tầm với các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế gắn với văn hóa phải vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, bà Hồng cho rằng, các giá trị văn hóa chuẩn mực là yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách con người và phẩm chất chính trị người cán bộ. Mối quan hệ giữa văn hóa với con người là sự tương tác hai chiều. Văn hóa và các giá trị văn hóa là nhân cách của mỗi con người, còn là cốt lõi để tạo nên thương hiệu quốc gia, hình ảnh đất nước. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn và tạo dựng sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần quyết tâm cao, giải pháp đồng bộ mới có thể phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Bài cồng chiêng mừng lúa mới dân tộc Jơ Rai. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005.
(Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)