Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, Sài Gòn – Gia Định rất đỗi tự hào là nơi in đậm dấu chân của Bác trước khi lên tàu rời Tổ quốc, nơi đánh dấu sự chín muồi về nhận thức và hành động để Người quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình, đến các nước phương Tây tìm đường cứu nước.

Sáng 26-5, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TPHCM, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2021) và 80 năm Ngày Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28-1-1941 – 28-1-2021).

TPHCM tự hào là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ảnh 1
Hội thảo tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Dự và chủ trì hội thảo tại các điểm cầu có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội, có các đồng chí đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và TP Hà Nội, cùng các đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học.

Tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có đại diện lãnh đạo tỉnh.

Tại điểm cầu TPHCM có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Nơi in đậm dấu chân Người trước khi rời Tổ quốc

Sau phát biểu khai mạc và đề dẫn của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, từ điểm cầu TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên có bài phát biểu chào mừng hội thảo. Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên trân trọng nhắc lại sự kiện cách đây 110 năm, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, với ý chí, nghị lực mãnh liệt và tình yêu thương dân tộc sâu sắc. Người quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Cuộc hành trình vĩ đại ấy kéo dài suốt 30 năm, đi qua 4 châu lục với gần 30 quốc gia đã đưa Người đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, thành phố Sài Gòn – Gia Định rất đỗi tự hào là nơi in đậm dấu chân của Người trước khi lên tàu rời Tổ quốc, nơi đánh dấu sự chín muồi về nhận thức và hành động để Người quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình. Đó là đến các nước phương Tây tìm đường cứu nước, mặc dù Người chỉ sống ở Sài Gòn chưa đầy 4 tháng.

“Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân TPHCM luôn mang trong mình niềm vinh dự, tự hào và ý thức trách nhiệm sâu sắc”, đồng chí Nguyễn Văn Nên vinh dự bày tỏ. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, nhân dân TPHCM đã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định con đường đấu tranh cách mạng, một lòng son sắt với Đảng và Bác Hồ, cùng với miền Nam thành đồng “đi trước về sau”, đấu tranh bền bỉ cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, 45 năm sau ngày vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu, TPHCM đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển.

Với sự trân quý, ghi ơn công lao trời biển của Bác với Tổ quốc, với dân tộc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã xác định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng TPHCM thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của TP mang tên Bác”. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng bộ, Chính quyền và mỗi người dân TPHCM trong việc học tập và làm theo gương Bác.

Sự nghiệp cách mạng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu từ cuộc hành trình vĩ đại để thực hiện khát vọng khi ra đi tìm đường cứu nước, nhiều lúc chỉ một mình vượt qua bao thử thách, cho đến những ngày đầu năm 1946, khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Người mới chính thức nói lên niềm mong muốn, ham muốn tột bậc của mình. Đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Và Người cũng từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, chúng ta - những thế hệ nối tiếp phải có bổn phận ra sức học tập, tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện trên nhiều góc độ để đánh giá hết tầm vóc, giá trị và thực hiện khát vọng ấy của Người. Hội thảo lần này không chỉ để tôn vinh công lao của Bác với Tổ quốc, dân tộc mà hơn thế nữa là học tập, noi gương, làm theo gương Bác Hồ, để thực hiện khát vọng quyết tâm xây dựng đất nước cường thịnh như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. 

Quyết tâm “Đi trước, về trước” trong dựng xây đất nước

Trình bày tham luận tại hội thảo, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo TPHCM nhấn mạnh niềm vinh dự, tự hào khi thành phố là nơi tiễn Người ra đi năm ấy. Như Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định: “Sài Gòn, nơi tuy Bác dừng chân ngắn nhất, lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước”; “nếu Sài Gòn không phải là chỗ gợi ý thì cũng là nơi định đoạt dứt khoát thái độ của Bác”, để Bác quyết định dứt khoát phải sang Pháp và các nước phương Tây.

TPHCM tự hào là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ảnh 2
Trưởng Ban Tuyên giáo TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhìn lại chặng đường từ 1930-1975 cho thấy, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió, giữa sào huyệt của thực dân, đế quốc, vẫn một dạ kiên trung bất khuất, cùng với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, “đi trước về sau” qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ mà vô cùng oanh liệt.

Sau khi thống nhất đất nước, ngày 2-7-1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự hào là thành phố mang tên Bác, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM tiếp tục đứng lên, nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế. Với sự linh hoạt, năng động, sáng tạo của mình, nắm vững các chủ trương của Đảng và Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của TPHCM, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ kháng chiến, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với Trung ương và với nhân dân, Đảng bộ, Chính quyền TPHCM kiên trì từng bước để tháo gỡ, vượt qua những lực cản của cơ chế cũ.

Cùng với đó, tiếp tục tìm tòi hướng đi đúng đắn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân, làm sáng tỏ dần con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, TPHCM tiên phong phát triển nhiều mô hình mới trong kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa; là nơi khơi nguồn cho việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. TPHCM là địa phương đang triển khai phương thức quản lý đô thị thông minh và đang xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông - TP Thủ Đức. TPHCM cũng là địa phương luôn nỗ lực trong suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng và phát triển các phong trào lớn về văn hóa, xã hội, khởi xướng và thực hiện các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà TPHCM cùng cả nước đang xây dựng.

“Vinh dự và tự hào là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM càng quyết tâm hơn nữa để TPHCM “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng”, Trưởng Ban Tuyên giáo TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 60 bài tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.

Các tham luận đã tập trung phân tích, làm sáng rõ nhiều nội dung. Đó là khát vọng tìm đường cứu nước, với tầm nhìn độc lập, sáng tạo của Bác Hồ so với các bậc tiền bối; là hành trình bôn ba suốt 30 năm và tìm ra con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người hoạt động không ngừng nghỉ để quyết tâm thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…

Tại hội thảo, GS Hoàng Chí Bảo có bài nói chuyện ngắn chủ đề "Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam".

Tỉnh ủy Cao Bằng cũng trình bày tham luận về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với niềm tự hào là nơi “đón Bác trở về” năm 1941.

Lãnh đạo Bộ Công an trình bày tham luận chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Công an nhân dân Việt Nam"… cùng một số tham luận khác.