Hàng trăm đầu sách có nội dung phản động bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: CQAN
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn TPHCM và cả nước được đánh giá là thành công tốt đẹp. Giai đoạn trước khi diễn ra cuộc bầu cử, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị đẩy mạnh xuyên tạc chống đối bằng nhiều thủ đoạn. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá, các đối tượng này đã bị nhân dân và lực lượng chức năng nhận diện, đấu tranh, phá rã.
4 hành vi, thủ đoạn chống phá bầu cử
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh trật tự bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, đã thông tin về một số hình thức, thủ đoạn chống phá cuộc bầu cử được các thế lực thù địch, phản động thực hiện thời gian qua.
Thứ nhất, các thế lực triệt để lợi dụng không gian mạng để đưa thông tin xấu, độc, tin giả tuyên truyền, xuyên tạc về cuộc bầu cử, bôi nhọ, hạ uy tín nhân sự ứng cử; móc nối, lôi kéo, đào tạo, hướng dẫn, huấn luyện phương thức chống phá bầu cử cho các đối tượng phản động, phần tử xấu trong nước. Thứ hai, một số đối tượng lợi dụng sự thiếu thông tin của một số người dân, nhất là những người có quyền lợi liên quan đến các vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn, bức xúc... để kích động không đi bầu cử, thậm chí tụ tập gây mất an ninh, trật tự ở khu vực bỏ phiếu. Thứ ba, một số đối tượng phản động, phần tử xấu, không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, tìm cách che giấu lý lịch, đánh bóng tên tuổi, lợi dụng quyền ứng cử, tự ứng cử của công dân để tìm cách xâm nhập bộ máy chính quyền hòng chống phá từ bên trong; khi bị phát hiện, đấu tranh ngăn chặn thì tìm cách vu cáo, xuyên tạc cơ quan chức năng vi phạm dân chủ, nhân quyền, kêu gọi tẩy chay bầu cử. Thứ tư, xuất hiện một số đối tượng chống đối lợi dụng thần quyền, giáo lý để khống chế, gây sức ép để một bộ phận quần chúng không tham gia bầu cử, không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thông qua lá phiếu bầu.
Cùng với những hành vi trên, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu còn lên kế hoạch hoạt động chống phá với toan tính manh động, liều lĩnh gây mất an ninh, an toàn tại nhiều khu vực bầu cử. Các phần tử xấu đã lôi kéo một số thanh niên, công nhân, sinh viên tham gia thực hiện các hành vi phá hoại bầu cử. Khi đã nhận thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân của mình đối với đất nước qua lá phiếu bầu cử và nhận rõ được âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ xấu, nhiều đối tượng đã quay lại giúp đỡ lực lượng chức năng nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá cuộc bầu cử, xâm phạm an ninh, trật tự.
Nhiều phương án đấu tranh, ngăn chặn
Ở thời điểm trước và trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử, Bộ Công an và các địa phương đã phát hiện, đấu tranh với tổ chức khủng bố Việt Tân - tổ chức đã tiến hành các chiến dịch quy mô lớn nhằm chống phá cuộc bầu cử, ý đồ tạo làn sóng phong trào, lôi kéo các đối tượng phản động, chống đối trong nước tham gia tẩy chay bầu cử. Chúng còn thiết lập các trang mạng về bầu cử Quốc hội 2021 để phát tán thông tin, bài viết, video xuyên tạc. Một số tổ chức phản động, chống đối ở nước ngoài cấu kết với phần tử xấu ở các địa phương sử dụng trang blog, mạng xã hội để đăng tải bài viết vận động tranh cử của “ứng cử viên tự do” cho các đối tượng mà chúng gọi là “đại diện tiếng nói nhân dân”. Lồng ghép nội dung các bài viết “vận động tranh cử” là những đoạn video kêu gọi quyền dân chủ và kích động, lôi kéo người dân tham gia biểu tình, chống phá cuộc bầu cử. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, các tổ chức phản động, hội nhóm tuyên truyền, chống phá trên không gian mạng đã gia tăng hình thức hoạt động với những thủ đoạn tinh vi.
Các đơn vị thuộc Bộ Công an và lực lượng chức năng địa phương đã tổ chức đấu tranh, thực hiện đối sách với hơn 150 đối tượng phản động, có hành vi phá hoại cuộc bầu cử và quản lý giám sát gần 1.500 đối tượng phản động, chống đối; phá rã 8 nhóm phản động; ngăn chặn hoạt động của các phần tử xấu mở chiến dịch tuyên truyền chống phá cuộc bầu cử trên mạng xã hội. Qua đó đã thu giữ nhiều tài liệu, đầu sách có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc cuộc bầu cử. Cơ quan công an còn bắt giữ, khởi tố gần 20 đối tượng vi phạm pháp luật bầu cử, đưa tin trên mạng xã hội nhiều nội dung xuyên tạc sự thật, xử lý vi phạm hành chính hàng trăm đối tượng.
Song song đó, trên mạng xã hội, thời gian qua xuất hiện nhiều trang web, fanpage quy tụ giới thanh niên, công nhân, trí thức, tín đồ các tôn giáo… tham gia, thường xuyên đưa các bài viết, thông tin tích cực trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các địa phương và tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH, ĐB HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng với đó là đưa ra những thông tin, bài viết có nội dung xấu, độc của các tổ chức phản động, hội nhóm xuyên tạc, hoạt động chống phá trên không gian mạng để mọi người tham gia bình luận, chia sẻ, thông tin cảnh giác. Qua đó, đã phát hiện, cung cấp cho cơ quan chức năng lập các chuyên án đấu tranh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các phần tử chống đối, các tổ chức phản động, góp phần quan trọng bảo đảm cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp.
Theo Bộ Công an, từ ngày 20-4 đến nay, lực lượng an ninh nội địa đã phá 3 nhóm phản động, truy tìm và khống chế, vô hiệu hóa nhiều đối tượng, thu giữ nhiều tài liệu phản động. Cơ quan chức năng còn đấu tranh, vô hiệu hóa hơn 200 mục tiêu trên không gian mạng, gỡ bỏ gần 1.000 video clip có nội dung xuyên tạc cuộc bầu cử. Lực lượng an ninh mạng đã tấn công, vô hiệu hóa hơn 1.200 mục tiêu trên không gian mạng, thường trực giám sát 300 trang mạng, 120 hội nhóm lớn, 65 kênh YouTube có hoạt động chống phá, ngăn chặn gần 4.000 trang mạng có nội dung xấu, độc có máy chủ ở nước ngoài… |