Chuyện khó tin đang diễn ra tại các nhà hát khi một số diễn viên đã vào biên chế, đã có danh hiệu NSƯT hoặc sắp được vào biên chế và đủ thành tích xét danh hiệu NSƯT nhưng vẫn bỏ nhà hát vì quá khó khăn.
Chuyện khó tin đang diễn ra tại các nhà hát khi một số diễn viên đã vào biên chế, đã có danh hiệu NSƯT hoặc sắp được vào biên chế và đủ thành tích xét danh hiệu NSƯT nhưng vẫn bỏ nhà hát vì quá khó khăn.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cay đắng nói "danh hiệu bây giờ cũng chẳng là gì".
Tệ hơn, khó khăn của sân khấu lúc này tưởng như bế tắc bởi "nhìn xung quanh ai cũng khổ", "người dân nhiều người còn chẳng đủ tiền lo cho cuộc sống tối thiểu của mình thì tiền đâu giải trí".
Một cuộc trao đổi thân mật giữa lãnh đạo các nhà hát trung ương ở Hà Nội với báo chí vừa diễn ra trực tuyến, trong đó nhiều người bày tỏ cái khó nhất mà các lãnh đạo nhà hát phải đối mặt hiện nay là sân khấu đóng cửa, nhà hát không có nguồn thu, đặc biệt là các nhà hát truyền thống, không làm sao lo trả lương được cho các lao động hợp đồng. Trong khi các lao động hợp đồng lại là lực lượng diễn viên trẻ kế cận.
Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện có 4-5 hợp đồng lao động, nhưng cố lắm thì năm nay chỉ "nuôi lương các em được 9 tháng" từ tiền Bộ VH-TT&DL đặt hàng vở diễn hằng năm.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam vì đặc thù nghề xiếc nên lao động hợp đồng trẻ lại chiếm đông đảo, liên đoàn càng khó khăn trong việc trả lương cho lực lượng này.
NSND Tống Toàn Thắng - phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho biết năm trước liên đoàn phải đi vay đi mượn để trả lương nhưng giờ thì sức đã kiệt.
"Bi đát" hơn, Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa qua đã có vài nghệ sĩ solist bỏ. NSND Tiến Dũng - giám đốc nhà hát - cho biết đây đều là những nghệ sĩ chuẩn bị được vào biên chế và có đủ thành tích để xét NSƯT đợt tới nhưng họ vẫn bỏ.
"Đào tạo nghệ sĩ cứng nghề múa rối rất khó. Có những em chúng tôi đào tạo được 2 năm rồi mà vẫn bỏ đi bán bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe… Lực lượng biểu diễn múa rối đã mỏng nay lại còn bỏ đi hết. Khó khăn là khách quan, toàn thế giới, ban giám đốc, nghệ sĩ công nhân viên xác định rõ rồi nhưng nhìn nghệ sĩ bỏ đi như vậy chúng tôi rất lo lắng" - ông Dũng nói.
Tình trạng cũng tương tự với Nhà hát Tuồng Việt Nam. Các nghệ sĩ tuồng thu nhập lớn dựa vào lễ hội dân gian và khách du lịch thì cả hai nguồn này đều bị đứt đoạn vì COVID-19 gần 2 năm qua.
Bình thường việc giữ chân các nghệ sĩ tuồng đã khó, nay thì nhiều người đã bỏ việc, trong đó có cả người đã vào biên chế, đã có danh hiệu NSƯT.
Xin cứu đói
Trước tình hình quá khó khăn, lãnh đạo các nhà hát đề xuất Bộ VH-TT&DL có những hỗ trợ "cứu đói" khẩn cấp cho các nhà hát để giữ được lực lượng diễn viên trẻ.
NSND Triệu Trung Kiên đề xuất thêm giải pháp Bộ VH-TT&DL dồn tiền đặt hàng tác phẩm, không tham dựng nhiều vở mà có thể mỗi nhà hát hai năm chỉ dựng một vở, đầu tư ra tấm ra món cho nhà hát dựng tác phẩm thật hoành tráng.
Vì theo ông, "cảm giác nghệ thuật sân khấu không còn chỗ đứng trong xã hội hiện nay. Nếu vở cứ tiếp tục manh mún, tạm bợ thì khán giả càng chán chúng ta".
Ông Trần Hướng Dương - cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và lãnh đạo cục đã lên kế hoạch làm việc với các lãnh đạo nhà hát thuộc bộ trong ít ngày tới để cùng giải quyết khó khăn.