Trong không khí hoan hỉ hướng về Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Bình Chánh TP.HCM, Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà đã nhiệt tình đi khám phá Khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò ở Bình Chánh. Qua đây càng ôn luyện tâm trí và tâm hồn cao đẹp luôn biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. 

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 2

Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà đến thăm và cảm xúc về Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò

Tham quan, chiêm nghiệm Khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò của Bình Chánh, Hoa hậu Môi trường Thế giới Nguyễn Thanh Hà đã dâng trào xúc động. Một miền ngoại ô thanh bình yên ả hôm nay đã từng là tiền tuyến máu lửa trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc bấy giờ, Láng Le – Bàu Cò là căn cứ địa chiến lược của quân dân Gia Định – Sài Gòn. Chốn đầm lầy, rừng rậm này đã trở thành một chiến hào tự nhiên, tiếp sức cho những trận đánh thần tốc, cũng như kiên cường chở che cho những người con phương Nam đang trên bước đường tranh đấu cho hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.

Vô cùng oanh liệt trong biết bao thăng trầm lịch sử, Láng Le – Bàu Cò ngày nay là địa chỉ đỏ gìn giữ ký ức sống động của một thời hoa lửa, đã tự thân và lặng lẽ kể câu chuyện về hành trình hiện thực hóa khát vọng hòa bình thiêng liêng của đất nước đến bao thế hệ.

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 3

Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà lắng nghe hướng dẫn viên tại khu di tích trình bày về chiến trường Láng Le - Bàu Cò và những trận đánh hào hùng của quân dân Bình Chánh qua sa bàn. 

Nhẹ nhàng sải bước trên mảnh đất từng là chiến trường xưa, lặng người đi giữa không gian xanh mát nhưng trầm mặc, Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà cố gắng hình dung về sự khốc liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ, về những trận đánh oanh liệt đã diễn ra ngay tại đây. Đứng đối diện với tượng đài tưởng niệm oai linh các chiến sĩ trận vong, trong trái tim cô trào dâng niềm xúc động mãnh liệt, một sự biết ơn vô hạn, và hơn hết, là niềm tự hào khôn xiết.

Người đẹp Thanh Hà trải lòng: "Tôi tự hào về mảnh đất Bình Chánh anh hùng, tự hào về trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào vì mình là con cháu của những thế hệ đi trước đã sống, chiến đấu và ngã xuống đầy quả cảm như vậy. Láng Le - Bàu Cò không chỉ là chứng tích lịch sử, mà còn là mạch nguồn nuôi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau". 

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 4

Ghi lại để nhớ mãi kỷ niệm đẹp bên tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò

Rời Láng Le – Bàu Cò, Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà lại tiếp tục tìm đến Khu Truyền thống Cách mạng Mậu Thân. Chiến dịch Mậu Thân 1968 là một mốc son khác của lịch sử, một bản hùng ca được viết bằng máu đào của các chiến sĩ và nhân dân Việt Nam, với niềm tin mãnh liệt về ngày độc lập, tự do chẳng còn xa.

Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, đến với Khu Truyền thống Cách mạng Mậu Thân, nhớ về ký ức năm xưa không chỉ là cơ hội để ôn lại lịch sử, mà còn là để tri ân, để nhắc nhở nhau rằng bình yên của hôm nay là kết tinh của tinh thần bất khuất và đấu tranh quả cảm, kiên cường của toàn dân.

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 5

Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà tại Khu Truyền thống Cách mạng Tết Mậu Thân

Khu Truyền thống tập trung tôn vinh những chiến công vang dội và sự hy sinh vô cùng to lớn, thầm lặng mà oanh liệt của các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, đặc biệt là trên mặt trận vùng ven, cửa ngõ phía Tây Nam thành phố trong chiến dịch lịch sử này. Qua đó, giáo dục sâu sắc về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất; bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và hun đúc ý chí, khát vọng cống hiến cho các thế hệ người Việt, tiếp nối xứng đáng trang sử hào hùng của cha ông.

Bên cạnh các điểm đến về nguồn, chuyến thăm Bình Chánh cũng đưa bước nàng hậu đến với Chùa Phật Cô Đơn, hay còn gọi là Chùa Thanh Tâm, nơi đang diễn ra sự kiện Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 – một trong những sự kiện Phật giáo lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, kéo dài từ ngày 03/5 đến trưa ngày 08/5. Đây không chỉ là ngày hội quan trọng của Phật giáo quốc tế mà còn là dịp để Bình Chánh giới thiệu vẻ đẹp của mình đến bạn bè năm châu.

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 7

Niềm vui khôn tả của Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà tại chánh điện Chùa Phật Cô Đơn, nơi tôn trí xá lợi Đức Thích Ca Mâu Ni trong Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 sắp diễn ra trang trọng

Theo dân gian truyền tụng, ngôi chùa có tên "Phật Cô Đơn" bởi vì trong suốt một thời gian dài, bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đứng cô độc giữa cánh đồng hoang vắng, không chùa, không điện thờ. Sang đầu những năm 2000, tượng Phật được phục dựng và đặt trong khuôn viên chùa khang trang, được mở rộng thành quần thể Phật Đài Bát Bửu. Riêng bức tượng nguyên bản vẫn được nhà chùa bảo tồn vẹn nguyên.

"Với Thanh Hà, Chùa Phật Cô Đơn không chỉ là một điểm đến tâm linh, mà còn là một dấu lặng hiếm hoi cho phép chúng ta tìm về bên trong mỗi người. Trong số hơn 250 cơ sở tu viện đang hiện diện tại Bình Chánh, ngôi chùa đã góp phần đưa vùng đất này trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung", Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023 chia sẻ.

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 8

Đây là ngôi chùa rất linh thiêng, một trong những điểm đến mang lại ấn tượng đẹp đối với Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà

Thắp nén nhang trầm gửi lời nguyện cầu đến trời cao, Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, cũng như nhận ra nét đẹp mộc mạc luôn đến từ những gì bình dị nhất. Vì vậy, sau khi rời Chùa Phật Cô Đơn, nàng hậu đã ghé thăm làng nghề se nhang truyền thống Lê Minh Xuân có tuổi đời hơn trăm năm.

Hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, làng nghề se nhang Lê Minh Xuân là một trong những cái nôi sản xuất nhang lâu đời và lớn nhất khu vực Nam Bộ. Với hơn 350 hộ gia đình tham gia, làng nghề không chỉ là nơi cung cấp nhang cho TP.HCM, mà còn phân phối đi khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, và thậm chí xuất khẩu sang Campuchia.

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 9

Người đẹp Thanh Hà thử nghệ thuật se nhang 

Qua trao đổi, chia sẻ từ người dân làng nghề cổ, Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Để có được từng nén nhang đẹp đẽ với mùi hương thơm dịu, tạo không khí trang trọng trên ban thờ là cả một quá trình làm nghề kỳ công.

Nghề se nhang ở đây từng chủ yếu được làm thủ công, nhưng với sự tân tiến của máy móc hôm nay đã hỗ trợ người dân tối đa trong các công đoạn như trộn bột, se nhang, nhuộm chân nhang đỏ, sấy khô... Dẫu trải qua bao thăng trầm, làng nghề vẫn bền bỉ tồn tại và phát triển, như tấm lòng của những con người luôn thầm lặng thắp sáng nét đẹp văn hóa tâm linh bao đời trong đời sống người Việt.

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 10

Những bó chân nhang đỏ thấm như những đoá hoa hạnh phúc khiến Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà vô cùng yêu thích

Rời làng se nhang Lê Minh Xuân vào lúc chiều muộn, trước khi mặt trời bị che lấp, nhường chỗ cho ánh đèn neon bóng bẩy, Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà đã kịp đặt chân đến thăm điểm đến cuối cùng trong hành trình khám phá Bình Chánh: di tích nhà cổ dân dụng An Phú Tây.

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 11

Chủ nhân hiện tại của một ngôi nhà cổ, ông Huỳnh Kim Phú nhiệt tình giới thiệu giá trị nghệ thuật vững bền qua những nét đặc trưng của ngôi nhà với Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà

binh chanh binh yen va hao hung qua goc nhin cua hoa hau nguyen thanh ha - 12

Những kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về, nàng hậu vô cùng ấn tượng với lối kiến trúc cổ kính, đặc trưng vẻ Nam Bộ của công trình

Đây là một công trình kiến trúc được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đã che chở cuộc sống của nhiều thế hệ gia đình nhưng vẫn giữ được lối kiến trúc nhà truyền thống ba gian, hai chái đặc trưng của Nam Bộ, cùng mái ngói âm dương và hệ thống cột chèo được làm từ gỗ quý. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi nhà được dùng làm nơi che giấu các chiến sĩ cách mạng. Bà Lê Thị Hạnh, chủ nhân đời thứ ba của ngôi nhà, đã được Nhà nước trao Huân chương kháng chiến hạng Ba vì những nỗ lực và đóng góp của mình cho cách mạng.