Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Bình Dương và Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã của 3 địa phương.

Hội nghị diễn ra tại H.Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.

 - Ảnh 1.

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Tỉnh ủy Bình Dương chủ trì hội nghị

ẢNH: CTV

Đơn vị hành chính cấp xã mới đảm bảo không trùng lặp

Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, tính đến thời điểm hiện nay, 3 địa phương đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã và trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ; tổ chức lấy ý kiến nhân dân trình HĐND các tỉnh, thành phố và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng thời gian quy định (trước ngày 1.5).

Về số lượng ĐVHC cấp xã, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi sáp nhập có 77 phường, xã, thị trấn. Dự kiến, sau khi sắp xếp còn 30 phường, xã, đặc khu (tỷ lệ giảm 61%).

Tỉnh Bình Dương trước khi sáp nhập có 91 ĐVHC cấp xã. Dự kiến sau khi sắp xếp còn 36 phường, xã (tỷ lệ giảm 60%).

TP.HCM trước khi sáp nhập có 273 ĐVHC cấp xã. Vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết, khi sắp xếp còn 102 phường, xã (tỷ lệ giảm 63%).

Như vậy, sau khi sáp nhập, tổng số ĐVHC cấp xã của TP.HCM mới là 168 (113 phường, 54 xã và 1 đặc khu), giảm 61,9% so với 441 ĐVHC cấp xã ban đầu.

Tại hội nghị, 3 địa phương cũng thống nhất đặt tên các ĐVHC cấp xã mới, đảm bảo không trùng lặp tên gọi trong phạm vi toàn thành phố mới, nhằm thuận lợi trong quá trình quản lý cũng như trong quá trình sử dụng dữ liệu hành chính, dân cư, đất đai theo đúng chỉ đạo của T.Ư.

Việc đặt tên đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử, nhất là chọn những tên gọi tiêu biểu gắn với vùng đất, địa danh lịch sử đã khắc sâu vào tiềm thức, tâm tư tình cảm của người dân ở từng địa phương. Cụ thể, như thành lập P.Sài Gòn, P.Chợ Lớn, P.Gia Định tại TP.HCM; P.Bà Rịa, P.Vũng Tàu, P.Phú Mỹ và xã Đất Đỏ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; P.Bình Dương, P.Thủ Dầu Một, P.Thuận An, P.Dĩ An tại Bình Dương...

Điều động, luân chuyển cán bộ

Về xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cơ quan chức năng 3 địa phương trên cũng đã phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin; thảo luận, góp ý xây dựng nội dung và đề xuất các phương án về sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, bố trí nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ...

 - Ảnh 2.

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị

ẢNH: CTV

Ban Chỉ đạo đã bổ sung hoàn chỉnh Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM; xây dựng, triển khai đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin của 3 địa phương sau khi hợp nhất.

Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác, giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố sau sắp xếp.

Về công tác chuẩn bị nhân sự khi sắp xếp gắn với chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, 3 địa phương thống nhất xây dựng báo cáo, đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ của các địa phương. Thống nhất tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ ở tỉnh, thành phố về công tác tại phường, xã, đặc khu. Đối với địa bàn có quy mô dân số, tổ chức Đảng và đảng viên lớn, có vai trò là động lực phát triển kinh tế có thể phân công các Ủy viên Ban Thường vụ hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố giữ nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy cấp xã.

------------------------------------------

Địa phương bối rối xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập

Đại biểu Quốc hội cho biết, địa phương đang rất bối rối trong việc xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập và mong Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn, tránh lãng phí.

Mong Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn xử lý trụ sở dôi dư

Trao đổi bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 9, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng dẫn thực tế ngay tại địa phương mình trong giai đoạn sáp nhập huyện, xã trước đây và cho biết "vấn đề nổi lên và cử tri nói rất nhiều là xử lý trụ sở UBND xã sau sáp nhập thế nào".

'Địa phương đang rất bối rối xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, thực tế trước đây tại địa phương, trụ sở UBND có thể dùng làm trường tiểu học, mầm non nhưng không phổ biến

ẢNH: PHẠM THẮNG

"Có những đơn vị có thể dùng trụ sở đó cho trường tiểu học, mầm non, nhưng việc này không phổ biến. Cho nên, tôi rất mong Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn để thay đổi công năng của các trụ sở này hoặc có những biện pháp xử lý kịp thời để không gây lãng phí tài sản của Nhà nước nói riêng và tài sản của xã hội nói chung", ông Dũng nêu.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, trụ sở UBND xã nếu không sử dụng thì xuống cấp rất nhanh. Không chỉ trụ sở UBND xã mà còn trụ sở của các sở của tỉnh, cơ quan công an cấp huyện, các trạm y tế… cũng sẽ dôi dư nhiều sau sắp xếp.

"Đây là vấn đề địa phương đang rất bối rối. Muốn chuyển đổi công năng thì phải xem xét cụ thể hiện trạng trụ sở đó, tòa nhà đó dùng làm việc gì thì mới chuyển được. Cho nên, rất cần Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn để các địa phương giải quyết được. Tôi nghĩ đây là bài toán khó mà có lẽ Trung ương cần quan tâm để giải quyết điều bối rối này cho địa phương", đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh, và cho rằng càng sớm đưa trụ sở dôi dư vào sử dụng thì càng tốt, tránh lãng phí.

Nguồn lực rất lớn để phát triển địa phương, đất nước

'Địa phương đang rất bối rối xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập'- Ảnh 2.

Nhiều trụ sở công từ các đợt sắp xếp, sáp nhập trước vẫn đang bỏ hoang, gây lãng phí

ẢNH: KHẮC HIẾU

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội Tạ Văn Hạ nhìn nhận, trụ sở dôi dư sau sáp nhập tỉnh, xã "là nguồn lực rất lớn của đất nước". Do đó, phải sử dụng các trụ sở dôi dư này sao hiệu quả.

Dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý phải ưu tiên sử dụng trụ sở dôi dư cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, ông Hạ cho rằng, việc sử dụng các trụ sở dôi dư sau sáp nhập phục vụ an sinh xã hội, cộng đồng là cần thiết, nhất là khi chúng ta sắp triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến dưới 5 tuổi và đầu tư phát triển mạnh y tế cơ sở.

Sau khi ưu tiên cho những lĩnh vực trên, các trụ sở dôi dư còn lại có thể đấu giá để làm sao khai thác hiệu quả nhất nguồn lực đó. Tuy nhiên, ông Hạ lưu ý, trụ sở công thường đặt ở trung tâm của địa phương, có vị trí đắc địa, cho nên phải cân nhắc yêu cầu phát triển để khai thác hiệu quả.

"Chúng ta phát triển nhưng phải lưu ý nếu những trung tâm đô thị lớn, các vị trí đắc địa mà cứ ưu tiên tập trung vào đầu tư như chung cư cao tầng, khu đô thị thì không chỉ áp lực về dân số, môi trường, mà cả áp lực về hạ tầng. Cuối cùng, Nhà nước lại phải tính toán bỏ tiền mở rộng đường, xây dựng thêm bệnh viện, trường học để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đô thị. Tôi cho rằng, điều này phải được cân nhắc", ông Hạ lưu ý.

'Địa phương đang rất bối rối xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập'- Ảnh 3.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Hoàng Anh Công cho rằng, nếu xã hội hóa, bán đấu giá trụ sở công mà đem lại lợi ích chung cho cả địa phương thì vẫn nên làm

ẢNH: TRỌNG QUỲNH

Cùng quan điểm không để bỏ hoang, lãng phí trụ sở dôi dư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát - Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng, đất đai, trụ sở, nhà cửa là nguồn lực rất lớn. Do đó, nếu xã hội hóa, bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật, sẽ thu được ngân sách và sử dụng cho các công trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đem lại lợi ích chung.

"Để phát triển đất nước, cái gì có lợi hơn thì chúng ta vẫn có thể áp dụng được. Chẳng hạn xử lý một trụ sở dôi dư mà đem lại lợi ích kinh tế cho cả một địa phương thì tại sao lại không làm?", ông Công nêu.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát, các trụ sở dôi dư ngoài việc sử dụng làm bệnh viện, trường học thì có thể tận dụng cho chính các cơ quan, đơn vị của chính quyền sau sáp nhập vì hiện tại nhiều cơ quan ở cơ sở cũng chưa đảm bảo, "một phòng làm việc nhưng hơn mười cán bộ, không đủ chỗ ngồi".

Số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy, hiện có 38.182 trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp. Trong đó, số lượng trụ sở công dự kiến tiếp tục sử dụng là 33.956. Số lượng trụ sở sẽ dôi dư là 4.226.

Bộ Nội vụ cho biết, việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp cấp tỉnh cần thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính.