Chia sẻ về những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA thẳng thắn: Trong bối cảnh hiện nay, sức đề kháng của doanh nghiệp đang bị bào mòn. Theo ông, làn sóng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang tăng dần qua 3 năm 2022-2024 và trong 4 tháng đầu năm 2025 đã gần bằng một nửa năm 2024. Đây không chỉ là một hiện tượng ngắn hạn, mà liên tục. Tất nhiên quá trình kinh doanh có sàng lọc thị trường, nhưng số lượng rút lui hàng trăm ngàn và liên tục thể hiện sức sống, sức chống chịu với thị trường.

Nếu đi sâu vào phân tích sẽ thấy chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Trong khi đó, đơn hàng sút giảm, sức mua yếu đi. Dù kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua hơn 102 tỷ USD, tăng hơn 10% cùng kỳ. Nhưng nếu đi sâu phân tích thì có sự phân mảnh. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu mang tính chiến lược, nhiều mặt hàng có nguy cơ không có đơn hàng trong tháng 7. Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu. Không chỉ giảm đơn hàng mà quan trọng nhất là niềm tin tiêu dùng, khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài, khiến doanh nghiệp bị bào mòn dòng tiền và khả năng tồn tại.
Câu hỏi đặt ra là lực cản mang tính hệ thống, thách thức sâu gốc với doanh nghiệp là gì? Theo ông Hòa, gần đây, các chính sách thương mại quốc tế thay đổi rất nhanh, rất khó lường. Năm 20222-2023, Hoa Kỳ tăng điều tra chống bán phá giá, trốn thuế; EU thì dựng hàng rào CBAM; Trung Quốc giảm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đổ hàng giá rẻ sang Việt Nam... làm “ngập lụt” thị trường nội địa. Năm 2024-2025, CBAM giai đoạn chuyển tiếp, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải kê khai phát thải CO₂ – nếu không có hệ thống đo lường, sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nguồn lực để đáp ứng chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Dự báo từ năm 2026 trở đi, CBAM chính thức áp thuế, đẩy chi phí tăng cao. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan rộng hơn, đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh bất lợi nếu không cải cách kịp thời. Bối cảnh trên khiến doanh nghiệp tăng mạnh chi phí tuân thủ như: kiểm định, kê khai, môi trường… Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không đủ tiềm lực chuyển mình sẽ mất dần khả năng cạnh tranh về giá và tốc độ giao hàng.

“Rõ ràng, không phải doanh nghiệp không nhận thức được, họ rất muốn làm nhưng không đủ cơ chế hỗ trợ để bắt kịp các luật chơi mới do thị trường đặt ra”, ông Hòa nói. Theo khảo sát của HUBA, những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt: Sức mua yếu, thiếu vốn, chi phí nguyên vật liệu gia tăng, thiếu lao động, thiếu đơn hàng, năng lực quản trị rủi ro, công nghệ, nhân lực... của doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu so với yêu cầu hội nhập mới. Nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ngoài chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì không đủ sức để làm.
Theo Cục Thống kê và Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, chỉ 37,4% tham gia chuyển đổi, 11% không quan tâm, 27,2% không muốn chuyển đổi, 24,4% hoàn toàn không biết. Trong khi đó, nếu không thay đổi, rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị đào thải ngay trên sân nhà, chưa cần ra biển lớn. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ. Làm thế nào để “không ai bị bỏ lại phía sau”? Đó là tín dụng và lãi suất; các chính sách kích cầu và tiêu dùng nội địa; giảm/hoàn thuế, phí; nâng cấp hạ tầng giao thông; rút gọn thủ tục hành chính…
Đa số doanh nghiệp là nhỏ và vừa thì không đủ sức huy động vốn, cần chính sách hỗ trợ tài chính cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải tác động kép để bên cho vay mạnh dạn nới lỏng điều kiện, chính sách. Cần phân nhóm và đi vào cụ thể từng phân khúc doanh nghiệp lớn – vừa – nhỏ và siêu nhỏ.
Về giải pháp mở, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng nên tạo không gian phục hồi và sáng tạo. Cụ thể là, tổ chức diễn đàn công – tư định kỳ để cùng tháo gỡ vướng mắc theo ngành; kết nối chuỗi cung ứng nội địa từ doanh nghiệp nhỏ đến FDI; xếp hạng tín dụng mở để tăng khả năng vay vốn không cần tài sản thế chấp…. Đặc biệt, ông Hòa kiến nghị giải pháp dùng chung cho doanh nghiệp để giảm chi phí.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Doanh nghiệp nội địa cần nâng sức chống chịu trước thuế đối ứng
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết: Trật tự thế giới đã hình thành nên chuỗi cung ứng toàn cầu chặt chẽ. Trong đó, Trung Quốc nổi lên như một đối trọng với Hoa Kỳ. Trung Quốc có xu hướng phát triển vượt Hoa Kỳ dựa trên nền tảng sản xuất quy mô và cạnh tranh. Hoa Kỳ sụt giảm mạnh về sản xuất công nghiệp (dịch vụ 78%; công nghiệp 12% GDP), nhập siêu lớn, một xã hội tiêu dùng.

Từ năm 2018, Hoa Kỳ phát động cuộc chiến thương mại, thực chất là cạnh tranh chiến lược để đảm bảo vị thế độc tôn. Điển hình là chính sách Trump 2.0 gồm: thuế đối ứng, cấm tiếp cận công nghệ, chuyển sản xuất về Hoa Kỳ… dẫn đến kết quả là cấu trúc thị trường toàn cầu đang bị phân mảnh, thay thế cho trật tự toàn cầu hóa gắn kết chặt chẽ như trước đây.
Về sự phân mảnh của chuỗi cung ứng toàn cầu, Chiến lược "friendshoring" và "nearshoring" của Mỹ, EU đã thúc đẩy dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, mở ra cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc trở thành điểm trung chuyển khiến Việt Nam cũng bị gắn nhãn lẩn tránh thuế trong một số vụ kiện phòng vệ thương mại gần đây.

Các quốc gia (Hoa Kỳ, Trung Quốc…) cũng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại và thuế đối ứng. Các nước lớn sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gồm biện pháp truyền thống (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, tự vệ thương mại), cũng như các biện pháp bổ sung (kiểm soát đầu tư, cấm vận công nghệ, kiểm tra chặt chẽ kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu)…
Tiếp theo là các rào cản phi thuế quan mới: thị trường thiết lập rào cản phi thuế mới như xanh hóa, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn lao động EU triển khai CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) gây ảnh hưởng đến các ngành thép, xi măng, phân bón, nhôm. Hoa Kỳ thi hành Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức Tân Cương (UFLPA) khiến hàng dệt may, da giày Việt Nam gặp rủi ro truy xuất chuỗi cung ứng.

Đối với Việt Nam, trong quý I-2025, bức tranh kinh tế có vẻ khả quan. Tốc độ tăng GDP quý I-2025 đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I giai đoạn 2020-2025. Tuy vậy, sản xuất và xuất khẩu đang tiềm ẩn rủi ro, khi Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc.
Thêm nữa, sự chênh lệch lớn giữa khu vực doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và doanh nghiệp nội địa trong suốt những năm gần đây. FDI tới từ Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm tỷ trọng xuất khẩu hơn 40%, cả thị trường Đông Bắc Á là hơn 57%.
Sự phụ thuộc FDI khiến xuất khẩu thiếu tự chủ, doanh nghiệp nội địa cần được nâng sức chống chịu trước thuế đối ứng. Việt Nam đang đối mặt với áp lực không chỉ về thuế đối ứng mà còn có các yếu tố địa chính trị, trong bối cảnh thương mại lệch pha, nghi ngờ trung chuyển và cạnh tranh từ các quốc gia khác; thâm hụt thương mại lớn với Hoa Kỳ dễ gây áp lực chính trị – thương mại; biến động tỷ giá, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ ảnh hưởng niềm tin thị trường.
Từ những phân tích trên dễ thấy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng doanh nghiệp nội địa cần có sức chống chịu tài chính yếu, cần chính sách hỗ trợ kịp thời để duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội Trước thực trạng trên, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tuân thủ và truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp cần phân loại thị trường xuất khẩu quan trọng như: thị trường bảo hộ cao (Mỹ, EU); thị trường tiềm năng (Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi,…); thị trường ngách (phân khúc chọn lọc, có điều kiện, dung lượng không lớn nhưng giá trị gia tăng tốt)… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần định vị lại thị trường mục tiêu.
