Sáng 23.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả kinh tế - xã hội năm 2024, các tháng đầu năm 2025.
"Cả chợ Ninh Hiệp bán hàng giả, hàng nhái, vai trò quản lý thị trường thế nào?"

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) phát biểu tại thảo luận tổ
ẢNH: PHẠM THẮNG
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng cần được quan tâm. Theo đại biểu, vấn đề này không mới nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng, len lỏi khắp nơi, từ chợ truyền thống cho tới sàn thương mại điện tử hay nền tảng mạng xã hội.
Đại biểu đoàn Đắk Lắk cho rằng, hiện nay đã có Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - phóng viên) được thành lập từ trung ương đến địa phương với cơ cấu bộ, ngành đầy đủ để phòng, chống hàng giả nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp. Vừa rồi, cơ quan chức năng triệt phá các vụ việc với quy mô "khủng", số người bị tổn thất nhiều.
Theo bà, hiện đã có luật Bảo vệ người tiêu dùng nhưng chưa phát huy tác dụng. "Các cơ quan vận động người dân tự bảo vệ cho mình nhưng trách nhiệm các cơ quan thế nào? Vấn đề này cần nhìn lại và giải quyết căn cơ, nếu không người dân phải chịu thiệt thòi", đại biểu Nguyệt nêu.
Tương tự, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) nói, trong hàng giả, hàng nhái thì vừa qua nổi lên vấn đề sữa giả, thuốc giả.
"Xem trên mạng thì có chợ Ninh Hiệp ở Gia Lâm cả chợ bán hàng giả, hàng nhái. Khi có đoàn kiểm tra thì cả chợ đóng cửa. Vai trò quản lý thị trường thế nào mà cả chợ bán công khai như thế. Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải tăng cường kiểm tra, dân làm sao biết được đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng", đại biểu Hậu Giang bức xúc nói.
"Người dân rất hoang mang không biết ăn gì, uống gì"
Cho ý kiến tại tổ về kết quả kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, "cái lớn nhất" là làm sao đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2025 trên 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng trên 2 con số.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề, các ban chỉ đạo từ trung ương đến địa phương đều có nhưng hàng giả, hàng nhái tràn lan
ẢNH: PHẠM THẮNG
Điểm lại nhiều kết quả kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, không được chủ quan trong 6 tháng cuối năm khi căng thẳng thương mại gia tăng giữa các nền kinh tế lớn tiềm ẩn các rủi ro xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, bối cảnh này đòi hỏi phải linh hoạt, có chiến lược thương mại đàm phán quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra hạn chế về chủ quan là việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ rất chậm. Cùng đó, sức mua phục hồi chậm ở một số lĩnh vực, phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh mẽ.
Liên quan vấn đề hàng giả, hàng nhái nhiều đại biểu nêu, Chủ tịch Quốc hội cho hay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành đã phát động phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, muốn dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng.
"Các đồng chí thấy trong mấy tuần qua hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt với số lượng khủng. Các ban chỉ đạo mình có hết, từ trung ương tới địa phương, tại sao lại để hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như vậy? Cái này phải kiểm điểm nghiêm túc", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trách nhiệm chính là ở địa phương. "Phải tăng cường quản lý hơn nữa, các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, xử lý hàng gian, hàng giả, hàng nhái quyết liệt hơn nữa để người dân tin tưởng. Bây giờ báo đài đưa tin hàng giả, hàng nhái, người dân rất hoang mang không biết ăn gì, uống gì", Chủ tịch Quốc hội nói thêm, và nhấn mạnh, phải có giải pháp với hàng giả, hàng nhái thì mới khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.