Sau lễ công bố sắp xếp đơn vị hành chính, TPHCM bước vào một giai đoạn phát triển mới, trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao tiềm năng của mô hình siêu đô thị hợp nhất này và mong muốn cùng đồng hành trong tiến trình phát triển của TPHCM mới.

Điểm đến hấp dẫn

Là một trong những tổ chức kinh doanh lớn nhất tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) có hơn 550 thành viên doanh nghiệp và hơn 2.000 đại diện doanh nghiệp. Theo ông Travis Mitchell, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam tại TPHCM, việc tái cấu trúc hành chính tại TPHCM là cơ hội độc đáo mở ra tiềm năng to lớn cho phát triển và đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng một bộ máy chính quyền tinh gọn và phản ứng nhanh; đơn giản hóa các thủ tục thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình xuất khẩu, tăng hiệu quả và giảm chi phí hoạt động.

Hơn nữa, việc tích hợp tốt hơn cơ sở hạ tầng cảng biển và mạng lưới hậu cần sẽ là chìa khóa giúp tăng cường chuỗi cung ứng - điều rất quan trọng trong cạnh tranh. Ông Travis Mitchell tin tưởng TPHCM mới sẽ thúc đẩy một môi trường minh bạch hơn, thân thiện hơn với doanh nghiệp, giúp củng cố quan hệ đối tác, tăng cường hợp tác khu vực và tạo ra giá trị lâu dài cho tất cả các bên liên quan.

A8c.jpeg
Các diễn giả trao đổi tại Phiên thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5, ngày 25-9-2024

Trong khi đó, ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) cho biết, các doanh nghiệp thành viên của CCIFV đã có mặt mạnh mẽ trong các lĩnh vực chiến lược, phù hợp với nhu cầu mà TPHCM mới đề ra.

Trong lĩnh vực y tế, các doanh nghiệp như Sanofi và Biocodex đã đóng góp trong nhiều năm vào sản xuất nội địa và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong ngành công nghiệp và dịch vụ hạ tầng, Aden Services hay Idec Group Asia đang đồng hành trong việc hiện đại hóa các cơ sở sản xuất và quản lý tài sản phức hợp.

Về giao thông và quy hoạch đô thị, Artelia đang tham gia vào các dự án quy hoạch bền vững và giải pháp giao thông đô thị. Ông Thibaut Giroux khẳng định, sẽ rất hữu ích nếu tổ chức các chuyến công tác chuyên đề tại Pháp để giới thiệu với các doanh nghiệp Pháp về những cơ hội mới từ siêu đô thị mở rộng; khuyến khích các chuyến khảo sát thực tế tại Việt Nam, giúp các nhà đầu tư và lãnh đạo hiểu rõ tình hình thực tiễn, gặp gỡ chính quyền địa phương và định hình rõ ràng về tiềm năng thị trường mới này, đặc biệt tại những khu vực có tiềm năng lớn như đặc khu Côn Đảo, nơi đang được định hướng trở thành trung tâm du lịch trọng điểm.

Củng cố cam kết phát triển bền vững

Một trong những quốc gia có quan tâm đặc biệt tới TPHCM mới là Anh. Theo bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Anh tại TPHCM kiêm Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Anh đã và đang đóng góp tích cực vào các lĩnh vực trọng yếu ở Việt Nam. AstraZeneca cam kết đầu tư 360 triệu USD vào Việt Nam đến năm 2030; các công ty như GSK, Reckitt và TPP cũng đang mở rộng giải pháp y tế.

Trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, chuyên môn của Anh đang góp phần xây dựng lộ trình điện gió ngoài khơi, chiến lược tài chính xanh và chính sách hướng đến phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Các định chế tài chính như HSBC, Standard Chartered và Prudential tích cực tham gia vào tài chính bền vững và tăng trưởng bao trùm.

Nhu cầu đối với giáo dục chuẩn Anh cũng tăng khi các tổ chức như Đại học Anh tại Việt Nam (British University Vietnam), Oxford University Press, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICEAW)… đang mở rộng hoạt động. Trong lĩnh vực tiêu dùng, các thương hiệu như Dyson, Jo Malone và Mini Cooper ngày càng được ưa chuộng. Trong mảng dịch vụ chuyên nghiệp, các công ty Anh cung cấp dịch vụ pháp lý, thiết kế và tư vấn uy tín cho nhiều dự án đô thị và hạ tầng quy mô lớn.

Chính phủ Anh vừa công bố Chiến lược Công nghiệp hiện đại mới - một kế hoạch táo bạo kéo dài 10 năm nhằm thúc đẩy đổi mới, thu hút đầu tư toàn cầu và tạo ra hơn một triệu việc làm chất lượng cao. Không chỉ là một chiến lược trong nước, đây còn là lời mời hợp tác toàn cầu, đặc biệt gửi đến những đối tác tin cậy như Việt Nam.

Hiện tại, 7/8 lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược này đã có mặt và đang phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại Anh - Việt Nam. Ngoài ra, Cơ quan Tài trợ xuất khẩu Anh (UKEF) đã dành hạn mức lên tới 5 tỷ bảng (6,86 tỷ USD) để tài trợ cho các dự án tại Việt Nam. Khoản hỗ trợ này đang giúp mở khóa các thỏa thuận mới trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và giao thông, đặc biệt là ở các khu vực quan trọng của TPHCM mới.

A8a.jpeg
Chủ tịch JCCH Kume Kunihide chào xã giao Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, ngày 29-5. Ảnh: JCCH

Cũng trong tinh thần đồng hành cùng sự phát triển dài hạn của TPHCM mới, có thể kể đến Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) - lớn thứ 3 trong tổng số 100 hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài (chỉ sau Hiệp hội tại Thượng Hải và Bangkok) với 1.077 công ty hội viên (tính đến tháng 6-2025). Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với khu vực miền Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Đến cuối năm 2024, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản là 8,53 tỷ USD, đứng thứ 3/127 quốc gia đầu tư vào thành phố. Riêng trong năm 2024, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư lớn thứ hai với 103 dự án, tổng vốn đầu tư 87,5 triệu USD. Nhiều công trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản tại TPHCM đang phát huy tốt vai trò giúp cơ sở hạ tầng TPHCM đi theo hướng hiện đại, là động lực giúp kinh tế thành phố phát triển như: tuyến metro số 1, các dự án Bệnh viện Chợ Rẫy, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ...

Ngoài thúc đẩy quan hệ thương mại - kinh tế, JCCH còn tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội thông qua nhiều dự án khác nhau như thu gom rác, tham quan và tặng quà các cơ sở bảo trợ trẻ em, giao lưu với sinh viên Việt Nam.

Trước cơ hội mới của TPHCM cũng như của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Kume Kunihide, Chủ tịch JCCH bày tỏ: Chúng tôi hy vọng việc sáp nhập mang tính lịch sử này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi của các chủ trương chính sách, mang đến sự phát triển bền vững cho kinh tế khu vực phía Nam và đời sống người dân, đồng thời thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Ngoại giao nhân dân - cầu nối hội nhập

Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, TPHCM cùng với các tỉnh miền Đông Nam bộ là nơi hội tụ nhiều hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng. Chính vì vậy, công tác đối ngoại, trong đó có ngoại giao nhân dân rất sôi động.

Trong những năm qua, công tác đối ngoại nhân dân ở khu vực này ngày càng được chú trọng theo tinh thần các chủ trương lớn của Đảng về đối ngoại và hội nhập, đặc biệt là các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị như Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 57, Nghị quyết 66, Nghị quyết 68 về các trụ cột chính sách đối ngoại và kinh tế.

Cùng với đó là việc nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương, tăng cường liên kết vùng trong triển khai hội nhập, đồng thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh địa phương gắn với thương hiệu quốc gia. Đây chính là nền tảng thuận lợi để ngoại giao nhân dân mở rộng kết nối và đóng góp thiết thực vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM, nằm trong xu thế đó, TPHCM mới không chỉ gia tăng về quy mô dân số, diện tích và năng lực kinh tế, mà công tác ngoại giao nhân dân sẽ có thêm không gian để phát triển, đặc biệt trong việc kết nối với các thành phố kết nghĩa trên thế giới, các tổ chức hữu nghị và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, TPHCM mới có thể chủ động đẩy mạnh các chương trình giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, y tế, phát triển kinh tế…

Ngoài ra, TPHCM mới với thế mạnh về kinh tế, khoa học, công nghệ, logistics, đô thị thông minh..., sẽ là cơ hội để đối ngoại nhân dân đóng vai trò cầu nối trong việc thu hút các nguồn lực quốc tế và công tác phi chính phủ nước ngoài, thông qua hình thức hợp tác đa dạng. Đây là thế mạnh mà các tổ chức nhân dân, các hội hữu nghị trong thời gian tới có thể phát huy hiệu quả vai trò “cầu nối giữa các cộng đồng, các nền văn hóa”. Đó chính là giữ cách gìn bản sắc văn hóa, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của một đô thị quốc tế, năng động, hội nhập nhưng vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống.