Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM đã thực hiện những sản phẩm truyền thông ý nghĩa nhằm tri ân và tôn vinh các nhà báo cách mạng - những người đã được khắc tên mình trên những con đường của TP. Hồ Chí Minh.
Công trình nghiên cứu này do Thạc sĩ Đoàn Hữu Hoàng Khuyên cùng tập thể sinh viên K23 Báo chí Chất lượng cao (2023–2027) thực hiện, là kết tinh của môn học Lịch sử Báo chí Việt Nam. Nhưng vượt lên trên khuôn khổ một học phần, đó còn là hành trình hun đúc niềm tự hào dân tộc, khơi dậy lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ làm báo tiên phong, và lan tỏa những giá trị cao đẹp của nghề báo cách mạng đến cộng đồng hôm nay.
Khởi nguồn từ Công trình Nghiên cứu đặt tên đường bằng tên nhà báo

Cách đây một thập kỷ, Thạc sĩ Đoàn Hữu Hoàng Khuyên, giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM đã khởi xướng công trình nghiên cứu độc đáo: Thống kê và tôn vinh các nhà báo được đặt tên đường phố tại TP. HCM. Từ danh sách ban đầu với 75 nhà báo, công trình đã ghi nhận hơn 100 tên đường qua các đợt đặt tên từ 2004 đến 2024, trải dài từ quận Tân Bình, quận 9 đến Thủ Đức. Công trình được đăng tải trên Tạp chí Nghề báo (số Xuân). Nghiên cứu của cô không chỉ liệt kê mà còn khơi dậy nhận thức về giá trị lịch sử và văn hóa của báo chí cách mạng, dù ban đầu cô khiêm tốn cho rằng đề tài này khó thu hút người ngoài ngành do tính chất liệt kê khô khan của báo in thời bấy giờ.
Nhận thấy ý nghĩa nhân văn của công trình, cô Khuyên quyết định đưa nghiên cứu vào học phần Lịch sử Báo chí Việt Nam, giao đề bài thống kê và tìm hiểu về các nhà báo được đặt tên đường cho sinh viên của mình. Cô nhấn mạnh rằng bài tập không chỉ giúp sinh viên vận dụng kiến thức, phát huy kỹ năng nghiên cứu mà còn khơi dậy niềm yêu nghề và trách nhiệm xã hội. Cô chia sẻ: “Thông qua việc khuyến khích sinh viên tự tìm tòi và nghiên cứu, tôi kỳ vọng các em hình thành góc nhìn độc lập về di sản báo chí cách mạng, tự tin chia sẻ kiến thức với xã hội và tích lũy kỹ năng nghề nghiệp vững chắc cho hành trình tương lai.”
Lan tỏa sứ mệnh tôn vinh Nhà báo qua sản phẩm sáng tạo của sinh viên năm 2025
Sau gần hai tuần, các nhóm sinh viên đã thống kê được hơn 90 tên đường mang tên nhà báo, từ những nhân vật quen thuộc như Nguyễn Tất Thành, Xuân Thủy, Nam Quốc Cang đến nhiều cái tên ít được nhắc đến trong giáo trình. Nhưng điều thú vị nằm ở cách tiếp cận của các nhóm. Thay vì nộp theo hình thức truyền thống, sinh viên đã biến bài tập thành những dự án sáng tạo như thẻ thông tin bo góc, sách, phim tài liệu hay megastory.
Với mong muốn tri ân những cây bút đã góp phần định hình nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhóm Thời Báo đã chọn thực hiện một phim tài liệu ngắn về nhà báo Xuân Thủy là Chủ nhiệm kiêm chủ bút của báo Cứu Quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Ý tưởng làm phim tài liệu khởi nguồn từ mong muốn gắn kết dòng chảy lịch sử với hiện tại nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Các bạn xác định rõ để kể một câu chuyện báo chí có chiều sâu, không chỉ cần dữ kiện lịch sử mà phải có cảm xúc và kết nối con người. Từ đó, nhóm bắt tay tìm hiểu cách làm phim tài liệu, học hỏi quy trình dựng phim và đặc biệt là đi tìm "hậu thế" có kỷ niệm đặc biệt với nhà báo Xuân Thủy.

Sau nhiều nỗ lực liên hệ và tìm hiểu, nhóm đã phỏng vấn được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - một hậu thế quý giá đã lưu giữ bài thơ viết tay có chữ ký của nhà báo Xuân Thủy, ông đã trao kỷ vật ấy lại cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều đặc biệt hơn, cha của ông - nhà báo Huỳnh Hùng Lý từng làm việc tại báo Đại Đoàn Kết và lúc ấy đồng chí Xuân Thuỷ chính là người lãnh đạo phụ trách tờ báo này. Nhà báo Huỳnh Hùng Lý là người có ý tưởng và trình măng sét theo bố cục hình dọc độc đáo lên cho đồng chí Xuân Thủy duyệt. Những chia sẻ chân tình từ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã trở thành chất liệu quý giá cho bộ phim, vừa tái hiện chân dung một người làm báo kiên trung, vừa khắc họa sự tiếp nối của các thế hệ trong dòng chảy nghề nghiệp. Với cách thể hiện giản dị nhưng chân thực, phim tài liệu của nhóm Thời Báo không chỉ là bài tập học phần mà còn là một thông điệp đầy cảm xúc về lòng biết ơn, sự trân quý ký ức và sứ mệnh lan tỏa tinh thần báo chí cách mạng đến với người trẻ hôm nay.
Với mong muốn mang đến một phương pháp học tập trực quan và dễ nhớ hơn, nhóm Cà Chua Bi đã thực hiện bộ thẻ thông tin bo góc. Thẻ bo góc là hình thức mới mẻ với giới trẻ, mang đến sự khác biệt so với các phương pháp học truyền thống. Nhận thấy sự hấp dẫn của những chiếc thẻ nhỏ gọn, dễ cầm nắm, nhóm Cà Chua Bi quyết định sử dụng hình thức này để truyền tải thông điệp rõ ràng và dễ nhớ về các nhà báo. Trên mỗi tấm thẻ là chân dung của một nhà báo tiêu biểu, kèm theo những thông tin chính về cuộc đời, sự nghiệp và con đường ở TP. HCM mang tên họ. Không chỉ là cách ghi nhớ kiến thức, đây còn là một cách đặc biệt để kết nối người học với những nhân vật kỳ cựu trong làng báo.

“Lúc bắt đầu, tụi mình khá loay hoay trong việc thiết kế thẻ. Làm sao để một chiếc thẻ nhỏ có thể kể đủ ba lớp thông tin: con người, nghề nghiệp và tên đường? Tụi mình phải thử nhiều bản thiết kế, chỉnh từng chi tiết nhỏ để đảm bảo thẻ không quá nhiều chữ mà vẫn truyền tải được nội dung cốt lõi”, bạn Minh An - thành viên nhóm chia sẻ.
Khó khăn là vậy, nhưng chính sự tỉ mỉ đó giúp sản phẩm khi hoàn thành được đón nhận tích cực từ cô và các bạn trong lớp. Bộ thẻ không chỉ giúp ôn bài nhanh hơn, mà còn tạo sự hứng thú khi học. “Nhìn lại thành phẩm, tụi mình thấy rất vui vì đã thử làm một thứ gì đó mới. Dù chỉ là một dự án nhỏ, nhưng nó khiến tụi mình gắn bó hơn với môn học và hiểu sâu hơn về những người làm báo đi trước,” Minh An nói thêm.
Với nhóm Cà Chua Bi, mỗi tấm thẻ là một bước thử nghiệm trong việc học – một cách để đưa kiến thức đến gần người trẻ hơn mà không quá nặng nề. Và biết đâu, từ những thứ tưởng nhỏ như vậy, lại mở ra nhiều cách tiếp cận mới cho việc học trong tương lai.
Bên cạnh những thẻ thông tin bo góc mang phong cách thiết kế trẻ trung, các nhóm sinh viên còn thể hiện sự đầu tư sáng tạo trong cách thức thể hiện sản phẩm. Nhóm Sơn Ca đã lựa chọn hướng tiếp cận hiện đại, gần gũi với giới trẻ: thực hiện một Tuyển tập những nhà báo được đặt tên đường tại TP. HCM. Từ ý tưởng ban đầu, nhóm nhận thấy thói quen đọc sách online đang dần phổ biến, đặc biệt trên nền tảng điện thoại thông minh. Vì vậy, tuyển tập được thiết kế dạng flipbook có thể truy cập dễ dàng trên thiết bị di động với mỗi trang là một nhà báo tiêu biểu được giới thiệu qua hình ảnh sinh động, ngôn từ ngắn gọn, dễ tiếp cận.
Hơn 70 nhà báo cách mạng - những ngòi bút kiên cường đã góp phần làm nên lịch sử báo chí dân tộc - được nhóm chọn lọc và trình bày bằng một ngôn ngữ trẻ trung nhưng không kém phần trang trọng. Qua từng dòng thông tin, nhóm mong muốn kết nối quá khứ với hiện tại, để thế hệ trẻ hôm nay không chỉ biết đến những cái tên trên bảng chỉ đường, mà còn cảm nhận được hành trình cống hiến và lý tưởng cao đẹp của các bậc tiền bối.

“Trong quá trình làm sản phẩm và ngay cả khi đã hoàn thành, chúng mình vẫn còn bồi hồi trong lòng. Chúng mình rất tự hào và trân trọng vì được tiếp nối các bậc tiền nhân trong nghề báo và tự hào vì chúng mình có thể lan tỏa giá trị ấy đến nhiều bạn trẻ hơn” -bạn Ngô Ngọc Hân thành viên nhóm Sơn Ca chia sẻ.
Hồ sơ nghiên cứu của nhóm Bông Hồng Nhỏ đã nhận được sự đánh giá cao từ cô Khuyên nhờ vào sự chỉn chu và cách tổ chức thông tin hợp lý. Các nhà báo được nhóm chia thành ba giai đoạn hoạt động rõ ràng: trước 1925, từ 1925–1945 và từ 1945 trở đi. Việc phân chia này không chỉ giúp làm rõ sự phát triển của báo chí Việt Nam qua từng giai đoạn mà còn cho thấy sự kế thừa và phát triển liên tục của nghề báo trong bối cảnh lịch sử biến động. Nhóm đã làm việc cẩn thận, nghiên cứu các tài liệu, hồ sơ liên quan đến từng nhà báo, không chỉ dừng lại ở thông tin cơ bản mà còn khai thác những câu chuyện, những đóng góp đặc biệt mà họ để lại cho nền báo chí. Bằng cách này, nhóm không chỉ xây dựng một bộ tài liệu khoa học mà còn làm nổi bật được những giá trị tinh thần mà các nhà báo này mang đến cho xã hội.
Khi nói về sản phẩm sáng tạo trưởng nhóm Quỳnh Lam, chia sẻ: “Nhóm quyết định thực hiện những mẩu chuyện nhỏ về các nhà báo. Chính quá trình tự tìm hiểu đã giúp tụi mình hiểu bài sâu hơn rất nhiều. Chúng mình được tự nghiên cứu, tự học, rồi đối chiếu với hướng dẫn của cô để rút ra cái nhìn khái quát về lịch sử báo chí Việt Nam. Khi đọc hồ sơ từng nhà báo, nhóm thật sự ngưỡng mộ hành trình sống và viết của họ”.
Dự án này không chỉ giúp nhóm củng cố kiến thức mà còn là một dịp để phát triển kỹ năng nghiên cứu, làm việc nhóm và kể chuyện một cách có hệ thống, mạch lạc.
Điều thú vị nhất của bài tập, theo chia sẻ từ nhiều nhóm, chính là việc tự mình đi chụp hình các bảng tên đường. Thay vì chỉ ngồi tra cứu trên mạng hay xem bản đồ, các bạn phải len lỏi qua nhiều tuyến đường lớn nhỏ để “săn tìm” những tấm bảng xanh gắn liền với tên tuổi các cây bút. Có con đường nằm ở khu trung tâm đông đúc, nhưng cũng có những con hẻm nhỏ, yên tĩnh mà trước đây các bạn chưa từng nghe tới.
Đặc biệt, không ít bạn ngạc nhiên khi phát hiện con đường mình đi học mỗi ngày, hay thậm chí chính nơi mình đang sinh sống, lại được đặt theo tên một người làm báo. Trải nghiệm ấy khiến kiến thức trong bài học trở nên gần gũi hơn với sinh viên, không còn là những cái tên xa lạ trong sách vở, mà là những con người thật, từng sống, từng viết và nay được khắc ghi giữa thành phố.

Khi nhìn lại các sản phẩm sáng tạo của sinh viên mình, cô Khuyên bày tỏ niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào, dù việc thẩm định mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Với những hồ sơ dày hàng trăm trang, chứa đựng tâm huyết và năng lượng của sinh viên K23 Báo chí Chất lượng Cao, cô không chỉ đánh giá mà còn học hỏi từ góc nhìn mới mẻ của các em. Công trình và bài tập đã củng cố lòng yêu nghề của cô sau hơn 20 năm giảng dạy, đồng thời khẳng định giá trị của việc kết nối thế hệ, từ nghiên cứu cá nhân đến sáng tạo tập thể.
Lịch sử báo chí Việt Nam không còn là những dòng chữ khô khan trong giáo trình, mà trở thành chất liệu sống. Với cách học này, sinh viên được tiếp cận không chỉ kiến thức mà cả những giá trị cốt lõi đã làm nên tinh thần nghề báo, thứ không thể truyền đạt trọn vẹn chỉ qua lý thuyết. Từ chính những trải nghiệm ấy, ngọn lửa nghề được nhen lên trong mỗi bạn, đủ sáng để soi đường, đủ ấm để giữ cho những người trẻ vững bước với nghề bằng sự chính trực và trách nhiệm.